Chính thức Khởi công Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Khai mạc Triển lãm VIIE 2021 |
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được coi là chìa khóa để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, qua đó có thể “đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên” trong “cuộc chơi” 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhắc tới ý nghĩa mở đầu, mang tính dẫn dắt của việc hình thành Trung tâm này, một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
"Bắt kịp, đi cùng và vượt lên"
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bước sang năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc và Hà Nội.
Tại Hoà Lạc, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2, đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.
Là Trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên ở Việt Nam, theo Nghị định 94, Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ 2016-2020. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn khác nhau, Chính phủ sẽ tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.
Nghị quyết 01/2021 của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đổi mới, sáng tạo” được đưa vào phương châm hành động của Chính phủ và cụm từ “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” được nhắc đến 8 lần tại Nghị quyết này.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong thời kỳ hậu Covid-19, đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thực sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.
Đặt tại Hòa Lạc, nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, không có nghĩa trung tâm này chỉ phục vụ riêng Hà Nội, hay vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí là cho riêng Việt Nam, mà phải xác định rằng, trung tâm này chính là “cuộc chơi” của Việt Nam ở tầm thế giới, làm sao để kéo được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đến đây, nghiên cứu và phát triển các công nghệ có thể ứng dụng được không chỉ ở Việt Nam, mà là toàn cầu. Và rằng, NIC được xây dựng để phục vụ lợi ích chung của quốc gia, chứ không của riêng ai hay bộ, ngành nào.
Sẽ có 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển tại NIC, đó là đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh mạng, chuyển đổi số, công nghệ trong nông nghiệp và môi trường. Đây đều là những lĩnh vực được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Với cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, Bộ trưởng kỳ vọng.
Song song với việc triển khai về cơ chế chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cho đến nay, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các Mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải chuyển đổi số ngay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, Bộ đã xây dựng chương trình với tham vọng làm sao để 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được chuyển sổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.
Theo kế hoạch, NIC sẽ được xây dựng các phân khu chức năng chính, gồm Trung tâm Dịch vụ tích hợp; không gian làm việc cho các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước; không gian làm việc chung cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khu các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu; trung tâm tổ chức sự kiện, các khu triển lãm, trưng bày sản phẩm.
Triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo
Về ý nghĩa của việc tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 _ VIIE 2021,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đây là Triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Triển lãm nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới.
Trên địa điểm sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, VIIE 2021 có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo.
Đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng.
Dự kiến trong các năm tới, Triển lãm sẽ mở rộng phạm vi và thành phần tham dự là các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trên thế giới để giới thiệu những công nghệ tiên phong, những thành tựu đổi mới sáng tạo nổi bật của khu vực; hướng tới thúc đẩy hợp tác, liên kết của các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
| Giá vàng hôm nay 9/1: 'Giảm sốc' rồi lại 'chìm sâu', cơ hội đầu tư vàng còn không? TGVN. Giá vàng vẫn đang giảm sau khi đã giảm liên tục 60 USD, rồi lại hơn 70 USD mỗi lần, để chốt phiên cuối ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (1-7/1/2021): Tiền ảo tăng tốc bất ngờ, Mỹ-EU leo thang căng thẳng, Việt Nam bắt đầu mua gạo Ấn Độ TGVN. Tiền ảo tăng tốc bất ngờ; Mỹ tiếp tục áp thuế với nhiều mặt hàng của EU; Việt Nam - nước xuất khẩu gạo ... |
| Khởi công Dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Khai mạc Triển lãm VIIE 2021 TGVN. Các công nghệ đột phá hứa hẹn sẽ được giới thiệu, trình diễn tại Lễ Khai mạc Triển lãm quốc tế đầu tiên về ... |