TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Algeria được chấp thuận từ chức | |
Trước áp lực dư luận, Tổng thống Algeria đệ đơn xin từ chức |
Đêm 2/4, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, nhà lãnh đạo 82 tuổi của Algeria đã “thông báo cho Hội đồng Hiến pháp về quyết định chấm dứt nhiệm kỳ của mình”.
Trước đó, ngày 3/3, ông Bouteflika từng tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc Bầu cử Tổng thống, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2019. Song trước áp lực đến từ những cuộc biểu tình quy mô kéo dài cùng lãnh đạo Quân đội Algeria Ahmed Gaid Salah, ông buộc phải đi đến quyết đinh rời vị trí quyền lực đã nắm giữ hai thập kỷ qua.
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika trong một chuyến thăm tỉnh Đông Nam Algeria vào năm 2004, khi vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ 2. (Nguồn: AFP) |
Với Algeria, việc ông Bouteflika từ chức sẽ mở ra một thời kỳ mới. Với lục địa đen, sự kiện này được cho là sự tiếp nối của xu hướng “ra đi” của nhiều nhà lãnh đạo cao tuổi, với hàng thập kỷ trên cương vị quyền lực cao nhất.
Anh hùng dân tộc
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc gian khổ của Algeria, ông Abdelaziz Bouteflika đã chỉ huy mặt trận phía Nam Mali và từng liều lĩnh xâm nhập Pháp để liên lạc với các nhà cách mạng bị bỏ tù. Chính uy tín cùng tư cách anh hùng giải phóng dân tộc đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống năm 1999.
Trong 37 năm hình thành và phát triển, Algeria mới chỉ có 4 người được công nhận là Tổng thống và mỗi lần thay đổi lãnh đạo tại quốc gia này đều đi kèm những cuộc nội chiến dai dẳng, khốc liệt giữa Quân đội Algeria với lực lượng nổi dậy Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN) và Mặt trận Hồi giáo Cứu quốc (FIS). Nhận thức rõ tình trạng đó, ông Bouteflika đã tập trung khôi phục an ninh, ổn định chính trị, tiến hành hòa giải với FIS, thiết lập Hội đồng Quốc gia tiến hành cải cách hệ thống giáo dục, bộ máy tư pháp, cùng nền kinh tế lớn.
Nỗ lực của ông Bouteflika đã được đền đáp khi ông tái đắc cử năm 2004, 2009 và 2014 với số phiếu bầu áp đảo. Năm 2008, Quốc hội Algeria thông qua quyết định dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống, cho phép ông Bouteflika có thể tiếp tục tranh cử sau khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc.
Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014, sự ủng hộ dành cho ông Bouteflika đã sụt giảm, đặc biệt là sau khi ông đột qụy và nhập viện trong thời gian dài, không còn khả năng trực tiếp điều hành đất nước.
Trong bối cảnh ấy, nhiều người cho rằng ông Bouteflika đang đi vào “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm khi ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 trên chiếc xe lăn, bất chấp ý nguyện của dân chúng muốn tìm kiếm nhà lãnh đạo mới. Chỉ có áp lực đến từ quân đội và những cuộc biểu tình hàng loạt thời gian gần đây mới buộc ông đi đến quyết định từ bỏ quyền lực. Pháp, quốc gia có mối quan hệ đặc biệt với Algeria, tin tưởng quá trình chuyền giao quyền lực này sẽ được diễn ra hòa bình và có trách nhiệm. Tương tự, Mỹ khẳng định chỉ có người dân Algeria quyết định tương lai đất nước.
Thay thế cho ông Bouteflika tạm quyền trước bầu cử sẽ là Chủ tịch Thượng viện 77 tuổi Abdelkader Bensalah, một nhân vật trung thành với ông Bouteflika. Song người dân Algeria có lẽ lại mong muốn nhiều hơn thế. Sau thời gian phát triển, nền kinh tế Algeria đang chững lại; tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) năm 2018 chỉ đạt 1,6%; ngành công nghiệp khai thác khí gas chịu ảnh hưởng nặng nề đến sự tụt giảm của giá gas thời gian qua. Thêm vào đó, nạn tham nhũng hoành hành và kìm hãm sự phát triển của quốc gia Bắc Phi. Do đó, đối với người dân Algeria, sự ra đi của ông Bouteflika là chưa đủ mà còn cần đi kèm với nhiều cải tổ bộ máy, thay vì chỉ thay thế nhà lãnh đạo 82 tuổi bằng một cái tên “lạ mà quen”.
Làn sóng mới
Quan trọng hơn, sự ra đi của ông Bouteflika khẳng định xu thế đã xuất hiện tại châu Phi từ 2017, khi một trong các “Tổng thống-trưởng lão” là Robert Mugabe của Zimbabwe buộc phải từ chức sau 37 năm cầm quyền. Hiện nay, hơn một nửa trong danh sách 15 nhà lãnh đạo cầm quyền lâu đời nhất thế giới đang đương nhiệm đến từ châu Phi. Đứng đầu danh sách là Tổng thống Cameroon Paul Biya, người đã nắm quyền trên tư cách Thủ tướng và Tổng thống từ năm 1975. Sau ông là Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, người đã cầm quyền hơn 40 năm sau một cuộc đảo chính quân sự.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, “làn sóng mới” này đang có dấu hiệu chững lại và được dự báo sẽ có thể chấm dứt trong thời gian tới. Cũng trong ngày 2/4, người dân Sudan cũng tổ chức biểu tình quy mô lớn kêu gọi Tổng thống Omar al-Bashir từ chức sau 30 năm cầm quyền. Sở hữu một trong những vùng đất màu mỡ nhất của châu Phi, song nền kinh tế quốc gia này vẫn tăng trưởng chậm, người dân vẫn phải “chạy ăn từng bữa”. Đây là một trong những yếu tố lớn khiến người dân quay lưng lại với chính quyền quốc gia này.
Sự ra đi của ông Bouteflika, do đó, tiếp tục báo hiệu một làn gió chính trị mới tại các quốc gia châu Phi.
(Bài viết đồng thời được đăng tải trên báo in TG&VN phát hành ngày 4/4)
| Bất ổn Algeria gia tăng, người dân biểu tình đòi Tổng thống từ chức Ngày 29/3, khoảng 1 triệu người đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Algiers của Algeria để đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức. |
| Dân Algeria biểu tình yêu cầu Tổng thống Bouteflika chấm dứt kéo dài nhiệm kỳ 4 Ngày 15/3, hàng nghìn người đã tập trung tại khu vực trung tâm thủ đô Algiers để yêu cầu tổng thống Abdelazizz Bouteflika chấm dứt việc ... |
| Thấy gì qua Thông điệp 7 điểm của Tổng thống Algeria? Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã gửi tới quốc dân bức Thông điệp, trong đó tuyên bố hoãn cuộc bầu cử Tổng thống và từ ... |