Nhỏ Bình thường Lớn

Dầu olive: ‘Vàng lỏng’ thời cổ đại đến thức quý thời hiện đại

Từ một sản vật quý thời cổ đại, quả olive đã trở thành nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của người dân Địa Trung Hải, Bắc Phi và thế giới.
(03.27) Sự xuất hiện của dầu olive trong các ly cà phê của Starbuck đã góp phần khơi dậy sự tò mò của nhiều người về loại dầu này. (Nguồn: Starbucks)
Sự xuất hiện của dầu olive trong các ly cà phê của Starbucks đã góp phần khơi dậy sự tò mò của nhiều người về loại dầu này. (Nguồn: Starbucks)

Cuối tháng Hai vừa qua, không ít “tín đồ” cà phê nói chung bất ngờ khi ông Howard Schultz, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng cà phê đình đám Starbucks quyết định ra mắt dòng đồ uống mới là có tên là “Oleato”, nghĩa là có dầu.

Theo đó, dầu olive Partanna được hấp với sữa yến mạch để pha chế cà phê, lắc trong ly espresso đá và thêm bọt kem vani ngọt để tạo lớp bọt “vàng” phủ trên các ly cà phê lạnh. Đồng thời, các khách hàng có thể tùy chỉnh đồ uống của mình với một muỗng dầu olive có sẵn.

Ông Schultz cho biết, nguồn cảm hứng của mình đến từ một chuyến đi mùa Hè tới đảo Sicily ở Italy. Tại đây, ông chứng kiến người dân địa phương uống dầu olive hàng ngày. Sự kết hợp giữa loại thực phẩm này với cà phê đã thuyết phục được vị doanh nhân người Mỹ và cả Starbucks. Hiện vẫn còn quá sớm để biết được liệu thay đổi này có góp phần tăng doanh số cho chuỗi cửa hàng cà phê toàn cầu hay không. Tuy nhiên, nó sẽ mang tới làn gió “mới lạ” cho khách hàng của Starbucks về cách thưởng thức cà phê mới, cũng như khơi gợi sự tò mò nhất định về olive và dầu olive, nét đặc sắc trong lịch sử văn hóa, ẩm thực lâu đời của người dân khu vực Địa Trung Hải, Bắc Phi nói riêng và thế giới nói chung.

“Nó làm cho đồ uống trở nên phong phú hơn… Nhiều người coi là ‘sang trọng’”, Giám đốc tiếp thị của Starbucks Brady Brewers nói về quyết định đưa dầu olive vào các sản phẩm cà phê cao cấp của hãng.

“Món quà” của các vị thần

Có nguồn gốc từ quá trình ép những trái chín từ cây olea europaea, dầu olive có lịch sử phong phú và kỳ diệu ở Hy Lạp. Các hóa thạch cho thấy cây olive xuất phát từ vùng Oligocene (Italy và phía Đông biển Địa Trung Hải) 20-40 triệu năm về trước. Nó được con người sử dụng làm nhiên liệu, thực phẩm ở châu Phi, Morocco 100.000 năm trước và nuôi trồng hơn 7.000 năm trước. Một trong những cây olive lâu đời nhất thuộc khu vực Vouves, đảo Crete được xác định có niên đại 2.000 – 4.000 năm tuổi.

Tuy nhiên, với người Hy Lạp cổ đại, ý nghĩa của cây và dầu olive không chỉ đến từ tính ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của nó, mà còn đến từ vai trò biểu tượng trong đời sống tinh thần, tâm linh của họ.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về cây olive thời cổ đại liên quan tới Athena trong cuộc thi với Poseidon về tặng quà để giành quyền bảo hộ cho vùng Attica. Nếu vị thần của biển cả dùng cây đinh ba của mình đập xuống đất, tạo ra một dòng nước mặn đầu tiên, nữ thần trí tuệ, lòng dũng cảm và sức mạnh lại dâng lên một cây olive. Lễ vật của Athena đã giành chiến thắng và theo đó, bà trở thành người bảo hộ cho thành phố mang tên mình, Athens. Tại Acropolis, khu vực xuất hiện cây olive đầu tiên, người Hy Lạp cổ đại đã dựng nên ngôi đền Parthenon để thờ tụng vị thần của mình. Đồng thời, họ cũng khắc cành olive đồng xu của Athens cùng với cú, thánh vật Athena, cành olive đại diện cho sự bảo hộ thiêng liêng của nữ thần trí tuệ, lòng dũng cảm và sức mạnh.

(03.27) Những vòng olive dại được coi là phần thưởng dành cho những người chiến thắng sau các kỳ thế vận hội thời Hy Lạp cổ đại. (Nguồn: Classical Numismatic Group)
Những vòng olive dại được coi là phần thưởng dành cho những người chiến thắng sau các kỳ thế vận hội thời Hy Lạp cổ đại. (Nguồn: Classical Numismatic Group)

Một câu chuyện khác kể về nguồn gốc của cây olive có liên quan tới một nhân vật đã “quen mặt” với nhiều người Việt Nam, á thần Heracles. Chuyện kể rằng khi tới đền thờ của cha mình, thần Zeus, ông nhận thấy nơi đây hoàn toàn không có cây cối. Khi thấy cây olive trong chuyến thăm vùng đất của người Hyperborean, ông đã mang loài cây này về trồng ở đỉnh Olympia. Tại đây, ông cũng xây dựng những trò chơi đầu tiên vinh danh thần Zeus, khởi nguồn cho truyền thống thế vận hội sau này. Chính bóng cây olive là nơi dừng chân, nghỉ dưỡng của các vận động viên sau thời gian thi đấu dưới cái nắng gay gắt.

Đặc biệt, người Hy Lạp cổ đại dường như đã phân biệt giữa olive trồng, elaia và olive hoang dã, kotonos. Trong các kỳ thế vận hội Olympic cổ đại, người chiến thắng trong mỗi nội dung sẽ được trao vương miện bằng vòng hoa olive dại, cắt và dệt theo nghi thức từ những cây kotonos thiêng mọc bên ngoài đền thờ thần Zeus ở Olympia. Do đó, cành olive dại đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho sự phù hộ, bảo vệ của thần Zeus. Bản thân vị thần này cũng được miêu tả đang đội một vương miện hoặc nửa vòng hoa olive.

Đáng chú ý, ngay cả kỹ thuật canh tác cây olive cũng được cho là có nguồn gốc thần thoại. Tương truyền, á thần Aristaeus là nhân vật đã ban tặng cách chăm sóc, khai thác loài cây này cho con người, cùng nhiều nghề thủ công quan trọng như nuôi ong, làm thảo mộc, phô mai và các nghề “mục vụ”, nông thôn khác như chăn nuôi gia súc hay tìm kiếm thức ăn.

Homer, nhà thơ nổi tiếng với tác phẩm Illiad và Odyssey, đã gọi dầu olive là “vàng lỏng”. Một câu chuyện khác kể rằng Vua David, vị vua thần thoại của người Do Thái, trân quý các gốc olive tới mức ông đã cử lính canh giữ chúng và kho chứa dầu của loại cây này.

Nét văn hóa đặc sắc

Thực tế cho thấy, olive và dầu olive đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của các nước Địa Trung Hải và Bắc Phi.

Từ thời cổ đại, olive là nguồn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, ánh sáng và tầm quan trọng tôn giáo quan trọng đối với người xưa ở Địa Trung Hải, bao gồm cả người Minoans và Mycenaeans. Dầu olive và olive đều là một phần cơ bản trong thực đơn của người dân nơi đây. Lá của cây cũng được sử dụng như một loại trà thuốc và rửa cho các bệnh khác nhau.

Trong khi đó, thân gỗ cây olive được tận dụng để làm nên các dụng cụ gia đình, những ngôi nhà hay thậm chí là chạm khắc thành các bức tượng thiêng liêng, bao gồm bức tượng của Nữ thần Athena tại Erechtheum ở phía bắc của Acropolis, thành phố Athens.

Đặc biệt, dầu olive có nhiều công dụng đặc biệt đối với sức khỏe, từng được sử dụng làm thành phần của nước hoa, đồng thời được coi là một loại kem dưỡng ẩm, làm sạch cơ thể và tóc. Một số tài liệu thời cổ đại cho thấy người Hy Lạp, đặc biệt là các vận động viên, thường xoa dầu olive lên da, sau đó dùng một loại dao cong (strigil) để cạo trên bề mặt nhằm loại bỏ bụi bẩn và mồ hôi. Dầu olive cũng được sử dụng làm nhiên liệu cho đèn đất nung và đuốc.

(03.27) Quả và dầu olive là một phần quan trọng trong nền ẩm thực của các nước Địa Trung Hải và Bắc Phi. (Nguồn: Stocksy United)
Quả và dầu olive là một phần quan trọng trong nền ẩm thực của các nước Địa Trung Hải và Bắc Phi. (Nguồn: Stocksy United)

Đặc biệt, chính vì olive được coi là “món quà” của các vị thần, nên loài cây này cũng có ý nghĩa linh thiêng trong các hoạt động tôn giáo của người Hy Lạp cổ đại.

Dầu olive thường được sử dụng để xức ở những nơi linh thiêng, dụng cụ làm lễ và cơ thể trước khi làm lễ. Ở nhiều nơi, dầu olive được dùng làm nhiên liệu thắp sáng các ngôi đền hay xức cho các vị vua hay người chiến thắng. Ngày nay, olive và dầu olive tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong văn hóa cũng như nền kinh tế của Hy Lạp.

Cùng với lá oregano, dầu olive xuất hiện trong hầu hết thực đơn của người dân nơi đây, dù là ăn kèm rau xanh luộc, salad, phô mai feta hay làm dầu để nướng cá hay thưởng thức một mình. Hương vị phức tạp, thay đổi theo điều kiện, khí hậu canh tác cũng góp phần làm nên sự tinh tế trong bề ngoài tưởng chừng đơn giản của dầu olive, với nhiều người Hy Lạp coi việc nếm dầu olive đòi hỏi những giác quan không kém gì rượu vang. Dầu olive cũng là chất nền phổ biến cho xà phòng, mỹ phẩm và nước hoa.

Đó là chưa kể đến những quả olive mơn mởn, với vô vàn kích cỡ, màu sắc khác nhau. Thoạt đầu, chúng có vị thô và đắng song sau quá trình sơ chế, làm sạch, ngâm ủ với dầu, muối, nhồi, ướp cùng các loại thảo mộc và dấm, ăn cùng với salad, món hầm, mỳ ống, khai vị hay đơn giản là một bữa ăn nhẹ.

(03.27) Hy Lạp là nhà sản xuất dầu olive lớn thứ ba thế giới. (Nguồn: Olive Oil Times)
Hy Lạp là nhà sản xuất dầu olive lớn thứ ba thế giới. (Nguồn: Olive Oil Times)

Với nhiều công dụng vậy, không khó hiểu khi mỗi người dân Hy Lạp tiêu thụ trung bình hơn 10 lít dầu olive/năm. Với 140 triệu cây olive, sản lượng 300 triệu lít dầu /năm, Hy Lạp là nhà sản xuất dầu olive lớn thứ ba thế giới. Năm 2021, nước này xuất khẩu 175 triệu tấn dầu olive và thu về 494 triệu Euro. Đặc biệt, phần lớn dầu olive tại nước này (82%) là dầu olive nguyên chất (EVOO), với độ tinh khiết, chất lượng cao nhất và luôn được thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động từ biến đổi khí hậu, sản lượng dầu olive của Hy Lạp có xu hướng sụt giảm. Hạn hán nghiêm trọng ở vùng Địa Trung Hải, các vụ cháy rừng lớn trong năm 2021 tàn phá một phần diện tích cây olive, cùng lạm phát tăng cao tại châu Âu đã đặt ra không ít thách thức.

May mắn thay, thời gian gần đây, ngành sản xuất dầu olive của Hy Lạp dự kiến tiếp tục phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong năm 2023, mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời bảo vệ giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống của người dân Hy Lạp nói riêng và vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi nói chung.

Báo Pháp: Du lịch Việt Nam là điểm đến không nên bỏ lỡ

Báo Pháp: Du lịch Việt Nam là điểm đến không nên bỏ lỡ

Euronews cho rằng, Việt Nam xứng đáng là điểm đến du khách không nên bỏ lỡ với hệ sinh thái đa dạng, hang động lớn ...

Những điểm đến mới lạ ở Hàn Quốc mà không cần visa

Những điểm đến mới lạ ở Hàn Quốc mà không cần visa

Kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 đã đến rất gần, các tour nước ngoài miễn visa (thị thực) đang được du khách Việt Nam quan tâm ...

Nhiều điểm đến tại Trung Quốc đã 'thay da đổi thịt', hãy 'xách balo lên và đi'

Nhiều điểm đến tại Trung Quốc đã 'thay da đổi thịt', hãy 'xách balo lên và đi'

Sau đại dịch Covid-19, nhiều điểm tham quan tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại hoặc trải qua những thay đổi ấn tượng. Giờ ...

16 phút chơi DJ trên 'nóc nhà của châu Phi', đưa Tanzania đến với toàn thế giới

16 phút chơi DJ trên 'nóc nhà của châu Phi', đưa Tanzania đến với toàn thế giới

Khoảnh khắc biểu diễn trên núi Kilimanjaro đã biến ước mơ của DJ trẻ người Tanzania Joseph Simon Misa trở thành hiện thực.

Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về lịch sử, thiên nhiên và con người Côn Đảo

Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về lịch sử, thiên nhiên và con người Côn Đảo

100 tác phẩm ảnh nghệ thuật và 20 tác phẩm tranh ký họa được triển lãm để phục vụ quảng bá hình ảnh Côn Đảo ...