📞

Chip "ngoại cảm" giúp điều khiển đồ vật bằng ý nghĩ

15:38 | 15/09/2009
Các nhà khoa học Anh đã triển khai nghiên cứu một chip “ngoại cảm” có thể giúp con người điều khiển máy vi tính, truyền hình, tắt mở đèn nhờ sức mạnh của ý nghĩ.
Chip "ngoại cảm" được kỳ vọng có thể giúp những người mắc bệnh về thần kinh vận động như tiến sĩ Stephen Hawking - Ảnh: Telegraph

Bộ phận cảm biến nhỏ đặt ở bề mặt não sẽ tiếp thu những hoạt động phát sinh ra dòng điện của các tế bào thần kinh, sau đó truyền tín hiệu nhận được (không cần dây điện) đến một bộ phận tiếp nhận trên hộp sọ. Tín hiệu này kế đó sẽ được dùng điều khiển con trỏ trên màn hình máy vi tính, kích hoạt các thiết bị điện tử hoặc để lái xe lăn điện. Loại chip trên là sản phẩm trí tuệ của tiến sĩ Jon Spratley, 28 tuổi, ở Stevenage, Hertfordshire. Ông đã thiết kế thành công một nguyên mẫu trong quá trình bảo vệ luận án tiến sĩ của mình tại Đại học Birmingham. Ông cho biết: “Chúng tôi chỉ mong giúp được những người mất khả năng truyền đạt ý nghĩ hoặc những người mắc bệnh về thần kinh vận động, như trường hợp của tiến sĩ Stephen Hawking hay cố tài tử Christopher Reeve. Những gì chúng tôi đang thiết kế có thể giúp họ vận dụng ý nghĩ để điều khiển máy vi tính. Nếu tưởng tượng các cơ bắp của mình đang vận động, họ có thể bật được công tắc đèn chẳng hạn".Lĩnh vực này đang được đầu tư nghiên cứu ở Mỹ, tuy nhiên cho đến nay các thí nghiệm vẫn còn phải sử dụng các cảm biến có dây. Còn nguyên mẫu của tiến sĩ Jon Spratley áp dụng kỹ thuật vô tuyến hầu tránh nguy cơ nhiễm trùng cho cơ thể. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hệ thống này hoạt động tốt để sau đó phổ biến rộng rãi, giúp đỡ những bệnh nhân bị liệt có thể giao tiếp. Hi vọng tương lai điều đó sẽ trở thành hiện thực”, Jon Spratley nói.Hiện thiết bị dài khoảng 1,3mm này vẫn chưa được thử nghiệm trên não của người hay động vật sống, tuy nhiên kết quả thử nghiệm trên các cắt lớp não trong phòng thí nghiệm mang lại nhiều hứa hẹn. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã trình làng một mẫu xe lăn được điều khiển bằng sóng của não bộ. Người sử dụng đội một cái mũ có lắp các điện cực để theo dõi hoạt động của não. Các nhà khoa học cũng đã sáng chế một cánh tay robot được điều khiển bằng ý nghĩ. Thí nghiệm cho thấy các chú khỉ có thể điều khiển cánh tay này cho chúng ăn. Phát minh của tiến sĩ Spratley là một cảm biến rất nhỏ, được thiết kế sao cho có thể châm bằng kim vào não bộ. Chip này mang 50 “gai tiếp xúc” để kết nối với các tế bào thần kinh trong não bộ. Khi kim được rút ra, 4 ăngten cuộn, chỉ khoảng 1mm, được dàn ra ở mặt ngoài não bộ.  Những ăngten này truyền thông tin (không cần dây điện) về “trạm căn cứ” là một bộ phận thu nhận có đường kính 16mm, được lắp đặt vĩnh viễn vào lỗ trống kim để lại.Thiết bị này thu nhận tín hiệu thần kinh từ khu vực vận động của vỏ não, truyền các xung động này qua “trạm căn cứ” đến bộ phận tiếp nhận nối với máy vi tính. Tiến sĩ Spratley cho biết chỉ cần bảy “lệnh của suy nghĩ” để tạo ra các điều khiển tương tự như dùng chuột vi tính. Ông cho rằng sử dụng chip vô tuyến an toàn hơn và tin tưởng chỉ cần một cuộc giải phẫu tối thiểu để gắn chip sẽ giúp thay đổi cuộc sống của những người bại liệt tứ chi hay mắc bệnh về thần kinh vận động. Ông cho biết: “Đầu tiên, người ta sẽ nghiên cứu xem những người bị bại liệt có thể tạo ra những tín hiệu nào. Nếu những người này có thể tưởng tượng mình đang sử dụng tay hay chân, ngay cả khi họ không cử động được bộ phận này, bạn có thể thu nhận được tín hiệu đó. Kế tiếp, chỉ cần tưởng tượng mình đang vận động cơ bắp và chân tay sẽ cử động.  Não bộ sẽ tự luyện tập và quen dần với điều này”.Tiến sĩ Spratley hi vọng tìm được nguồn tài trợ để có thể tiến hành thử nghiệm trên người. Theo Tuổi Trẻ/Daily Mail