📞

Chơi mạng xã hội chứ đừng để mạng xã hội chơi bạn!

Trí Nguyên 08:15 | 13/12/2024
Mạng xã hội (MXH) thu hút người dùng nhờ việc kích thích não bộ tiết ra dopamine - chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác tưởng thưởng, dễ chịu. Vì thế, cảm giác “nghiện” MXH là hoàn toàn có thật.
Nghiện mạng xã hội khiến người dùng giảm sút khả năng tập trung, suy nghĩ sâu và tuy duy độc lập.

Ở Hà Nội, ngắm hoàng hôn hồ Tây chính là một thứ "đặc sản". Những ngày thời tiết đẹp, nhiều người còn truyền tai nhau rằng "Không đèo nhau làm vòng hồ, ngắm hoàng hôn quá có lỗi với thời tiết".

Khoảnh khắc mặt trời lặn diễn ra rất nhanh, bởi thế nên chỉ cần chậm chân vài phút là cũng có thể lỡ mất khung cảnh tuyệt vời nhất rồi. Ấy vậy mà khi có mặt đúng nơi – đúng thời điểm, đa số mọi người lại lôi smartphone ra quay chụp cảnh mặt trời dần khuất sau những tòa nhà. Cứ như thế không lưu vào điện thoại, buổi hoàng hôn ấy sẽ chẳng tồn tại.

Và thế là thay vì bình tâm ngắm một hoàng hôn lộng lẫy, để các giác quan hòa với nắng mật, sóng nước hồ rì rào cùng gió thổi mơn man… người ta lại bận canh nét, chỉnh bố cục, chống rung. Rồi sau đó, họ lại tiếp tục với là 7749 bước: chọn ảnh, thêm filter và nặn ra một caption cho xứng tầm khoảnh khắc.

Đáng ngại là nhiều bạn trẻ hiện nay coi việc “cắt đứt” với thế giới xung quanh lại là chuyện bình thường. Có một dạo, trên tiktok viral những video kiểu: Hội bạn thân đi cà phê 2 tiếng. Chụp ảnh 1 tiếng; sửa ảnh 30 phút; đăng bài và trả lời bình luận hết 30 phút còn lại. Hóa ra, các bạn hẹn gặp nhau nhưng mỗi người lại miệt mài tô vẽ cho hình ảnh của bản thân trên MXH, đắm mình trong niềm vui riêng trong chiếc điện thoại.

Ngắm hoàng hôn ở Hồ Tây. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Công nghệ giúp hàng loạt ứng dụng điện thoại, máy tính, thiết bị thông minh kết nối. Trong những cộng đồng trên Internet ấy, người ta dễ dàng tìm thấy nhau, kết nối và trao đổi bất chấp khoảng cách về địa lý hay thậm chí kể cả ngôn ngữ.

Nhưng, nghịch lý là ở chỗ, càng tích cực tương tác trên MXH, chúng ta lại càng “sượng trân” khi gặp gỡ bên ngoài cuộc sống. Việc người dùng mải mê với những niềm vui trên MXH cũng giống như một gã lang thang like chỗ này, haha chỗ kia… miệt mài đi dọc newsfeed để không bỏ lỡ bất kỳ chuyện gì. Mà phần lớn các tương tác trên mạng đều ngắn ngủi, hời hợt và vội vã. Vì thế, càng kết nối với đám đông online hàng triệu người, ta lại càng cô đơn hơn.

MXH có bắt người dùng phải cắt đứt liên lạc với thế giới xung quanh không? Chắc chắn là không! Dù cho tạo nên chúng là những thuật toán thu hút người dùng vào kho nội dung vô tận, lựa chọn sử dụng chúng hay không và sử dụng như thế nào thuộc về chúng ta. Những ý kiến đòi cấm MXH vì mặt tiêu cực của nó sẽ phí lý giống như cấm xe máy, ô tô… để giảm thiểu tai nạn giao thông vậy.

Thu hút người dùng nhờ việc kích thích não bộ tiết ra dopamine - chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra trong não bộ, MXH mang lại cảm giác tưởng thưởng, dễ chịu. Vì thế, cảm giác “nghiện” MXH là hoàn toàn có thật.

Và khi đã “nghiện”, người ta lại muốn nhiều hơn, lâu hơn. Điều này vô tình khuyến khích những nhà sản xuất tạo ra các nội dung siêu ngắn, dễ dãi hay nói đơn giản là “nhảm”. Dần dà, bên cạnh việc xuống cấp của kỹ năng giao tiếp, người dùng cũng giảm sút khả năng tập trung, suy nghĩ sâu và tuy duy độc lập.

Nói ra những tác hại như vậy không đồng nghĩa với việc buộc người dùng phải lên núi lánh đời. Những Facebook, Instagram, Tiktok… ấy là những đỉnh cao của công nghệ. Chúng mở ra nhiều cơ hội mới và làm cuộc sống tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng, chơi MXH chứ đừng để MXH chơi bạn!

Tạo hóa ban cho con người các giác quan để kết nối với thiên nhiên và cộng đồng. Hình ảnh của một cá nhân độc lập với suy nghĩ vững vàng, mà không phải bám víu vào sự tung hô của đám đông đẹp hơn rất nhiều so với một gã vô danh, lang thang vật lộn với nỗi lo bị bỏ lỡ.

Cảnh thiên nhiên đầy màu sắc trên Hồ Tây. (Ảnh: Nguyễn Hồng)