Cuộc đấu tranh chống lại tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tràn lan cần sự phối hợp của nhiều phía. |
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, thương mại điện tử đang phát triển nhanh, hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Thật giả lẫn lộn
Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong mười tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ được các đơn vị chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng. Riêng lực lượng quản lý thị trường, 10 tháng năm 2019 đã phát hiện và xử lý trên 130.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách gần 600 tỷ đồng.
Theo ước tính của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), giá trị hàng giả trên toàn thế giới sẽ vượt 2.000 tỷ USD trong tương lai, tương đương 3% GDP toàn cầu. Mới đây, theo đánh giá của CIB - Văn phòng tình báo về hàng giả của ICC, hàng giả, hàng nhái chiếm 5-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới.
Các khảo sát cũng cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa ở vùng nông thôn đến các đô thị, thậm chí cả những siêu thị cao cấp ở đô thị lớn. Ngoài ra, hoạt động buôn bán qua mạng Internet đang phát triển nhanh và chưa được kiểm soát hiệu quả. Một số mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua như thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô xe máy, thời trang…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” mới đây, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Sự đa dạng về mẫu mã, giá cả và sự phong phú về chủng loại khiến người tiêu dùng khó lòng nhận biết được đâu là hàng thật, hàng giả.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Để phân biệt thật giả, người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức, nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng. |
Về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến uy tín của doanh nghiệp xấu đi trong mắt người dùng và gây hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Để tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cần sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lực lượng chức năng.
Trước hết, để phân biệt thật giả, người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức, nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để công ty biết và đưa ra biện pháp xử lý.
Còn để bảo vệ chính mình, các doanh nghiệp cần theo dõi sát thị trường, chủ động tố giác các hành vi vi phạm, nhưng trên hết, các doanh nghiệp phải coi trọng hơn nữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần được thực thi một cách tích cực hơn.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên coi việc chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. Một trong những biện pháp dễ thực hiện, đó là doanh nghiệp cần liệt kê đặc điểm riêng giúp phân biệt với hàng giả và thông báo đến người tiêu dùng. Đặc biệt cần thực hiện hệ thống tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận diện cũng như giúp công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa được tốt hơn. Nếu nhãn hàng bị xâm phạm thì chính doanh nghiệp chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư nhằm khiếu nại lên Cục Sở hữu Trí tuệ sớm nhất.
Vừa qua, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Quản lý thị trường với một lực lượng hùng hậu. Hiện lực lượng này đã xây dựng một kênh kết nối trực tuyến, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể gửi thông tin nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng để được xử lý.
Về giao dịch điện tử, ông Vũ Xuân Bính - Phòng nghiệp vụ 2, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, hàng rào pháp lý liên quan tới hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử còn nhiều bất cập, chưa được chặt chẽ. Nhằm ngăn chặn vấn đề giao dịch hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường sẽ có những kiến nghị, đề xuất liên quan tới trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để cho người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn quy định của pháp luật, nắm được thông tin về phân biệt hàng giả, xuất xứ hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả.
Cuộc đấu tranh chống lại tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay cần sự phối hợp của nhiều phía, từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan thẩm quyền. Giữa “rừng” hàng hóa, rất có thể bạn đã mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà không hay biết.
Hơn ai hết, chính bạn hãy là người tiêu dùng thông minh, tự bảo vệ mình và không vô tình tiếp tay cho vấn nạn này.