Sự tổn hại của rác thải nhựa (nhất là các vật dụng nhựa chỉ dùng sử dụng một lần) đối với hành tinh xanh đang là vấn đề ngày càng nóng hơn. Cuộc vận động chống rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường đang nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp người dân trong hầu khắp các lĩnh vực của cuộc sống.
Ngành giáo dục ở nhiều nơi mọi miền cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện lối sống nói không với rác thải nhựa. Tuy vậy, để cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn môi trường này tránh khỏi “bệnh” hình thức, phong trào, để cuộc vận động có thể đi vào chiều sâu, rất cần các hành động cụ thể, thiết thực.
Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Trong khi chúng ta hô hào không sử dụng nhựa dùng một lần mà cả thầy lẫn trò vẫn dùng sách vở được bọc bằng nilon thì rõ ràng hành động không đi đôi với lời nói. Chúng ta vẫn vô tư thoải mái dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần đối với các đồ dùng học tập, các vật dụng trong phòng học… thì dường như mọi chuyện đâu lại hoàn đấy, mọi tuyên truyền chỉ là lời nói suông. Ngay từ những việc làm nhỏ nhất mà chúng ta vẫn không thể lưu ý và điều chỉnh thì rất khó để thay đổi nhận thức hay thực hiện những việc lớn hơn.
Bởi vậy, mỗi người, đặc biệt các thầy cô hãy hình thành thói quen mang bình nước cá nhân (bằng thuỷ tinh, bình giữ nhiệt) thay cho việc sử dụng chai nước khoáng đóng chai. Thầy cô hãy bọc sách vở bằng giấy báo đã dùng, đã đọc. Thầy cô hãy thực sự đồng hành cùng con trẻ, làm gương cho con trẻ trong việc thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen đối với sử dụng nhựa một lần.
Không cần phải cứ tổ chức rình rang các cuộc thi, tổ chức hoành tráng các buổi nói chuyện toạ đàm thì mới gọi là đẩy mạnh công tác chống rác thải nhựa. Chỉ cần đơn giản thay đổi những hành vi nhỏ nhặt thông thường trong thói quen sử dụng các vật dụng đồ dùng liên quan đến nhựa dùng một lần là đã góp phần thay đổi cuộc sống, bảo vệ hành tinh xanh.
Những kêu gọi, hô hào phải được hiện thực hóa thành những hoạt động thực tiễn cao thì mới mong có được những thay đổi thật sự.