Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết; lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy 38 tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) cho biết, với việc hầu hết các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và tác động tích cực từ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tình hình tham nhũng, lãng phí đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận, thể hiện qua các mặt phòng ngừa, phát hiện, xử lý; góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng) |
Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành; đặc biệt, tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện ở một số lĩnh vực; tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong khu vực công vẫn chưa giảm; một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước, là lực cản sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như công tác tuyên truyền chưa tạo được dư luận lên án mạnh mẽ tham nhũng, lãng phí; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng còn yếu, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống; chưa công khai dân chủ trong công tác cán bộ; thể chế quản lý kinh tế trên nhiều lĩnh vực còn kẽ hở...
Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Báo cáo đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Trước hết, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội, khuyến khích người dân tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn với biểu dương khen thưởng kịp thời; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; sớm triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án giám sát, kiểm soát quyền lực để có thể ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện đầy đủ, xuyên suốt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua 10 năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí hiện vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Theo Phó Thủ tướng, bản chất của tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực để vụ lợi, tham nhũng có thể xảy ra ở mọi quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị, không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo mà chỉ khác nhau ở tính chất, mức độ. Do đó, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì nhất thiết phải giám sát, kiểm soát được quyền lực.
Đặc biệt, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tính tiền phong gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đóng vai trò hàng đầu. “Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu có thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; có thực sự gương mẫu không, hay nói không đi đôi với làm, chống tham nhũng một cách hình thức”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm và dẫn lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tay đã nhúng chàm làm sao chống tham nhũng được”.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến việc cần công khai, minh bạch và cho rằng càng công khai, minh bạch thì càng giảm môi trường tiềm ẩn phát sinh tham nhũng. Cần hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện cho nhân dân, báo chí giám sát công tác phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, phải tăng cường cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý nhằm giảm thiểu việc lợi dụng các thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh. Hoàn thiện các quy định nhằm kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm hạn chế tính hình thức của giải pháp này hiện nay.
Đồng thời, cần phải có quy định cụ thể để giám sát việc thực thi quyền lực trong Đảng và trong các cơ quan Nhà nước. Giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý kinh tế xã hội, không để bị lợi dụng, không để hình thành “lợi ích nhóm” và nhất là đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan tố tụng.
Ngoài ra, phải tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà trước hết là giám sát ngay hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Quan điểm là không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai, nếu có hành vi tham nhũng là phải bị xử lý; không để dư luận xã hội đặt vấn đề làm chưa nghiêm, chưa quyết liệt và chưa làm đến nơi đến chốn, còn có những nơi chưa đụng tới.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách lại vừa lâu dài, được dư luận xã hội và nhân dân rất quan tâm nên phải kiên trì, kiên quyết. Qua hội nghị này, các cơ quan chức năng cần đánh giá những mặt làm được, mặt còn hạn chế, trên cơ sở đó đóng góp ý kiến hoàn chỉnh dự thảo Đề án, để Ban Chỉ đạo tổng kết trình Bộ Chính trị.