📞

Chủ động bảo vệ trẻ lúc giao mùa

14:39 | 30/10/2014
Trong giai đoạn giao mùa hiện nay, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để chủ động phòng tránh bệnh cho con trẻ…
Thời tiết giao mùa là thời điểm làm bộc phát nhiều bệnh ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa).

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, những tuần gần đây, số lượng bệnh nhi đến khám tại viện tăng 20-30%. Hiện có khoảng hơn 100 trẻ đang nằm điều trị tại khoa, có những giường phải nằm ghép năm, sáu trẻ vì quá tải.“Với diễn biến thời tiết này, lượng bệnh nhi sẽ còn tăng”, bác sĩ Dũng nhận định.

Không chỉ riêng bệnh viện Bạch Mai, nhiều viện khác như Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hồng Ngọc, khoa Nhi - Bệnh viện Saint Paul, bệnh nhi đến khám cũng tăng đáng kể. Phần lớn trẻ tới khám đều mắc bệnh về viêm đường hô hấp, viêm mũi - họng, viêm amidan, nặng hơn nữa là viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Cũng không ít trẻ sốt siêu vi trùng kèm cả viêm đường hô hấp.

Theo bác sĩ Đặng Thu Hồng, khoa Nội nhi - Bệnh viện Hồng Ngọc, giao mùa là lúc thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh, nắng mưa thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây hại cho sức khỏe. Đây cũng chính là thời điểm làm bộc phát nhiều bệnh ở trẻ, nhất là những bé có hệ miễn dịch yếu do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường.

Cẩn thận với bệnh đường hô hấp

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, tháng 9-10 là giai đoạn đỉnh điểm của các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Với các bệnh đường hô hấp trên (trẻ chỉ ho, sốt… do sốt virus, cảm cúm thông thường) thì không cần dùng kháng sinh. Những trẻ có biểu hiện ho, sốt kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến ngay bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Ngoài các bệnh đường hô hấp, thời tiết thay đổi cũng khiến nhiều trẻ khởi phát cơn hen cấp - thường gặp ở những trẻ điều trị dự phòng hen không tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong các yếu tố nghi ngờ khởi phát cơn hen cấp ở trẻ thì đứng đầu là do thay đổi thời tiết, các viêm nhiễm đường hô hấp trên, sau đó là do các hoạt động gắng sức.

Đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi hệ miễn dịch còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được phát hiện và chữa trị ngay từ đầu. Cha mẹ cần lưu ý ba dấu hiệu là bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường cũng có thể do bị bệnh.

Để phòng bệnh, cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, thoáng khí, hạn chế sử dụng máy điều hòa, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mũi và súc miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên để đề phòng bụi bẩn, nhiễm khuẩn qua đường hô hấp. Cần chú ý giữ ấm cho bé vào sáng sớm và ban đêm.

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin tăng cường sức đề kháng, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Việc dùng thuốc kháng sinh tùy tiện sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng men gan, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, kháng sinh cũng là nguyên nhân khiến tình trạng viêm đường hô hấp của trẻ diễn biến nặng hơn. Chỉ được dùng kháng sinh khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh cho trẻ theo từng lứa tuổi để có cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất.

Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, vệ sinh

Khi tiết trời chuyển từ thu sang đông, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 8 – tháng 12 là thời điểm cao trào của các bệnh về đường tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, đi cầu phân sống… Đây là thời điểm trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh vì đường ruột các bé phát triển chưa thành thục, hoạt tính enzime còn yếu. Ngoài ra, chế độ ăn không hợp lý, mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột… cũng khiến cho các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ gia tăng.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, trong thời điểm giao mùa, nguyên tắc dinh dưỡng đầu tiên là cần cho trẻ ăn đầy đủ bốn nhóm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ. Đồng thời, bảo quản đồ ăn kỹ lưỡng, hạn chế lưu trữ đồ ăn qua nhiều ngày.

Các trẻ biếng ăn thường dễ mắc bệnh, khả năng đề kháng cũng kém hơn so với những trẻ khác. Vì vậy, phụ huynh cần chú trọng cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để trẻ không rơi vào tình trạng mất sức khi mắc bệnh.

Trí Nhân (tổng hợp)