Bài báo trên East Asia Forum nhận định Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội trong tình huống xấu nhất và từ đó cũng thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình. |
Trọng trách “kép” năm 2020
Theo Viện Wilson, năm 2020 là một năm vô cùng quan trọng và mang nhiều ý nghĩa đối với nền ngoại giao Việt Nam hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, thứ nhất, Việt Nam đảm nhận trọng trách “kép” khi vừa nắm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN vừa giữ chiếc ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Thứ hai, năm 2020 còn đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm Quốc khánh, đồng thời đây là thời điểm toàn Đảng, toàn quân thi đua lập thành tích cho Đại hội Đảng XIII.
Cuối cùng, năm 2020 là một năm đặc biệt khi đảm nhận trọng trách đối ngoại quan trọng trong bối cảnh môi trường địa chính trị còn nhiều thách thức và biến động khó lường. Cụ thể là những diễn biến căng thẳng của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung làm gia tăng nhiều bất ổn trong khu vực, hay những tranh cãi xoay quanh chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.
Về khu vực, châu Á – Thái Bình Dương hiện đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh do tồn tại nhiều điểm nóng như vấn đề Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), các vấn đề an ninh phi truyền thống như đói nghèo, dịch bệnh, môi trường….
Tờ The Interpreter cũng đánh giá, “Trọng trách kép” sẽ đi kèm với những áp lực lớn, đồng thời cũng là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong đó có tình hình tại Biển Đông. Năm 2020, ASEAN sẽ tập trung vào thực hiện đàm phán liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trước khi được đưa ra lấy ý kiến chấp thuận vào năm 2022. Thêm vào đó, 2020 sẽ là năm đầu tiên của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm đối trọng với cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Bắc Kinh-Washington và là cách để dung hòa các bên trong môi trường chiến lược hiện nay. Tuy nhiên, tờ này cho rằng, thực hiện được những chiến lược ngoại giao nói trên không hề đơn giản, “nhưng không phải không thể thực hiện được”.
Còn theo Viện Wilson, những nhiệm vụ, hoạt động đối ngoại trong năm 2020 sẽ tạo nhiều cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò như một cường quốc tầm trung trong cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt, nâng cao uy tín và năng lực trong con mắt của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ không chỉ đóng góp tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng, mang tầm cỡ toàn cầu như LHQ.
Tận dụng cơ hội tối đa
Bài báo trên East Asia Forum nhận định Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, đang cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội trong tình huống xấu nhất và từ đó cũng thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình. Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch của mình vào thời điểm năm 2020 là năm bản lề quan trọng để có những đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Trong bài phát biểu quan trọng vào ngày 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 ưu tiên gắn liền với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
East Asia Forum cũng nhận xét, mặc dù trong những năm gần đây, ASEAN đang gặp những chia rẽ nhất định nhưng Việt Nam đang thống nhất các quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống Covid-19. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên ASEAN để giúp đối phó với sự phát triển phức tạp của căn bệnh này qua việc ban hành Tuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN trước dịch bệnh Covid-19 (2/2020), tổ chức Nhóm Công tác trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cho các quốc gia thành viên để chia sẻ thông tin về tình hình của các quốc gia và việc thực hiện các biện pháp kiểm soát (3/2020) hay đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về dịch bệnh Covid-19 14/4 để kêu gọi các quốc gia thành viên đoàn kết và hành động quyết liệt đối phó với đại dịch (tháng 4/2020).
Việt Nam cũng đang sử dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy hợp tác với các nước trên thế giới thông qua các Hội nghị ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Mỹ, ASEAN – EU, ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)… Việt Nam còn được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp G20 vào ngày 26/3, qua đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác ở cấp độ toàn cầu và khu vực.
Mặc dù có một khởi đầu khó khăn nhưng Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo của mình thông qua các phản ứng nhanh chóng và chủ động trong việc điều phối các quốc gia thành viên và các đối tác bên ngoài, bài báo khẳng định.
Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thuỵ Điển nhận định: Cho đến nay, chính sách ngoại giao đa phương được xem là lựa chọn kiên định của Việt Nam. Hà Nội về lâu dài sẽ theo đuổi chính sách này vì nó phù hợp với những mục tiêu phát triển và an ninh, giúp tăng cường vị thế đất nước trên trường quốc tế. Thêm vào đó là đường lối ngoại giao mềm dẻo thể hiện ở việc Việt Nam sẽ duy trì, dung hòa mối quan hệ với hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ cứng rắn lên tiếng, giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Còn theo The Interpreter, “Hà Nội cần phải vận dụng khéo léo thời cơ cũng như các cơ hội về mặt chính trị để tận dụng sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào các vấn đề khu vực, và cụ thể hơn và lợi ích của chính quốc gia mình. Chính sách đối ngoại Việt Nam được đánh giá là có tính bao trùm, khá linh hoạt trong từng thời kỳ. Đặc biệt, với việc đảm nhận “trọng trách kép” giúp cho tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và sẽ tạo thêm ưu thế cho quốc gia, nhất là khi phải đương đầu với các thách thức trong khu vực. Hà Nội dường như đã vạch ra được con đường đi đúng đắn, phù hợp riêng cho mình”.