Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc Phiên họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, Chủ tịch Đại hội đồng Santiago Irazabal Mourão khẳng định, khóa họp lần này đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ông cũng rất hài lòng với những kết quả đạt được cho đến nay.
Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 của UNESCO Santiago Irazabal Mourão và Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân. |
Những kết quả lịch sử
Trong Đại hội đồng lần thứ 41 này, UNESCO đã đạt được những kết quả mang tính lịch sử, với việc thông qua một số biện pháp, quyết định và nghị quyết quan trọng. Trong đó, ông Mourão cho rằng, có 2 nghị quyết rất có ý nghĩa đối với tất cả các thành viên của tổ chức.
Đầu tiên là nghị quyết liên quan đến vấn đề đạo đức của trí tuệ nhân tạo. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì văn kiện này sẽ hướng dẫn các quốc gia thành viên có cách quản lý các quy định và nguyên tắc để phát triển một lĩnh vực cần thiết cho tương lai của nền văn minh nhân loại.
"Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta và sẽ tiếp tục là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, khuyến nghị về đạo đức của trí tuệ nhân tạo là nền tảng để chúng ta tiến lên phía trước", Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO nói.
Thứ hai là khuyến nghị về khoa học mở. Nghị quyết này sẽ cho phép các thành viên có thêm nhiều cơ hội để trao đổi thông tin khoa học. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, thế giới đã nhận ra được khoa học mở có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc phát triển vaccine ngừa Covid-19, giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng to lớn này.
Những thành tựu này chỉ có thể thực hiện được một phần lớn nhờ vào khoa học mở, giúp đem đến nhiều cơ hội để các nhà khoa học có thể thúc đẩy việc trao đổi thông tin.
Các thành tựu này sẽ được lưu giữ trong ký ức nhân loại và hội nghị lần này sẽ được ghi vào lịch sử của UNESCO như một trong những hội nghị quan trọng nhất, đem lại những kết quả có ý nghĩa nhất.
Việt Nam - Thành viên tuyệt vời
Đánh giá về những cơ hội và thách thức mà UNESCO đang phải đối mặt, ông Mourão cho biết, năm 2021 là kỷ niệm 75 năm thành lập UNESCO.
Trong năm qua, đã có nhiều ý tưởng và đề xuất nhằm cải thiện tình hình phát triển của các nhóm dân cư và cộng đồng. Chính tại nơi đây, UNESCO đã ươm mầm ý tưởng giáo dục phổ cập, hòa nhập và ngày nay ý tưởng này trở thành cơ sở cho sự tiến bộ xã hội, là nơi để khoa học phát triển vượt bậc.
Đây cũng là lần đầu tiên Đại Hội đồng nghĩ đến tình trạng của nước và các đại dương. Hiện nay tổ chức đang khởi động "thập kỷ vì đại dương" để bảo tồn di sản khổng lồ này.
"UNESCO không chỉ bảo tồn các tòa nhà, các công trình kiến trúc tôn giáo mà còn bảo tồn nét văn hóa truyền thống và hằng ngày của xã hội chúng ta", ông nhấn mạnh.
Khi nói về việc Việt Nam lần thứ 5 được bầu làm Ủy viên Hội đồng chấp hành của UNESCO, ông Mourão khẳng định, UNESCO rất vui mừng được đón Việt Nam trở lại Hội đồng chấp hành.
"Việt Nam mang đến cho chúng tôi sự phong phú về văn hóa, về lịch sử, về những góc nhìn khác nhau của một xã hội. Đối với UNESCO, sự đa dạng văn hóa, các ý tưởng và các cuộc tranh luận là nền tảng cơ bản cho sự phát triển. Góc nhìn riêng của Việt Nam chắc chắn sẽ làm phong phú thêm các cuộc tranh luận, cũng như các nhận định và giải pháp sẽ được trình bày ở các diễn đàn của UNESCO", Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO nói.
Việt Nam là một đất nước giàu có và rất tuyệt vời, nhưng cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức chung. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có những giải pháp riêng để giải quyết vấn đề chung và ông Mourão tin rằng, UNESCO rất muốn lắng nghe, học hỏi các kinh nghiệm này.