📞
Kỷ niệm 75 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3 (1946-2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc ký hai Hiệp định quốc tế đầu tiên của Việt Nam năm 1946

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà 07:00 | 05/03/2021
TGVN. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, tôi có một vài suy nghĩ về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc ký hiệp định quốc tế đầu tiên của Việt Nam với Pháp tại Việt Nam và mối liên quan đến việc Người cũng trực tiếp ký bản Tạm ước ngày 14/9/1946 với Pháp nhưng ở trên đất Pháp.

Đây là điều rất đặc biệt trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại sau khi nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946

Về những diễn biến liên quan đến việc ký Hiệp định Sơ bộ và nội dung chủ yếu của Hiệp định, đã có nhiều công trình, bài viết ở trong nước và quốc tế đề cập. Trong bài viết này, tôi tập trung làm rõ thêm vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đàm phán đi đến ký Hiệp định Sơ bộ và mối liên quan đến bản Tạm ước mà Người cũng ký sau đó hơn 6 tháng.

Mọi người đều biết, tháng 6/1940, phát xít Đức tiến công, chiếm đóng nước Pháp. Tháng 9/1940, phát xít Nhật đưa quân vào Việt Nam và Đông Dương. Thực dân Pháp chống lại một cách yếu ớt, sau đó thỏa hiệp, đầu hàng Nhật. Sau 4 năm rưỡi cùng chung sống trong hoàn cảnh khá đặc biệt, phải dè chừng đối phó lẫn nhau, tối ngày 9/3/1945, để phòng trừ khả năng bị quân Pháp tại Đông Dương bí mật phối hợp với quân Đồng minh tiến công, phát xít Nhật đã ra tay trước, tiến hành đảo chính lật đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã thiết lập ở Việt Nam, Đông Dương trong hơn 80 năm, để độc chiếm Đông Dương.

Trước tình thế đó, ngày 12/3/1945, Đảng kịp thời ra Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nhận định tình thế cách mạng đã bắt đầu xuất hiện, phát động phong trào kháng Nhật cứu nước, tiến hành khởi nghĩa từng phần.

Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh sau khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki (ngày 6 và 9/8), bị Hồng quân Liên Xô tuyên chiến (8/8), sau đó đánh tan đạo quân chủ lực ở Mãn Châu trong chưa đầy một tuần lễ. Chớp lấy thời cơ đó, trên cơ sở đã chuẩn bị khá đầy đủ về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa đứng chân, Đảng đã phát động nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp trong hai ngày 14 và 15/8 đã xác định nhiệm vụ quan trọng của Đảng là chống lại mưu đồ khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương của thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Ngày 2/9/1945, trong buổi lễ tuyên bố độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp... Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp” (1) để bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được.

Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, được sự giúp đỡ trực tiếp của quân Anh, đêm 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai với mưu đồ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh.

Trước tình hình đó, ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, chỉ rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng” (2).

Trong thời gian này, thực dân Pháp vừa tiến công mở rộng chiếm đóng từ Sài Gòn ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, vừa khẩn trương tiếp xúc, đàm phán với quân Trung Hoa Dân Quốc đang làm nhiệm vụ tước vũ khí quân Nhật đầu hàng ở Bắc vĩ tuyến 16 để tìm cách đưa quân ra miền Bắc Việt Nam.

Ngày 28/2/1946, Pháp và Trung Hoa Dân quốc ký Hiệp định Trùng Khánh, theo đó, Trung Hoa Dân quốc đồng ý để cho quân Pháp ra miền Bắc làm tiếp nhiệm vụ tước vũ khí và hồi hương quân Nhật trên cơ sở phía Pháp thỏa thuận nhượng cho Trung Hoa Dân quốc một số quyền lợi về kinh tế. Ngay sau khi có hiệp định, hạm đội của Pháp rời Sài Gòn đi ra miền Bắc. Trước việc Pháp và Trung Hoa Dân quốc “bắt tay” nhau, tình hình trở nên rất cấp bách đòi hỏi Đảng ta phải có chủ trương đối phó.

Ngày 3/3, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương, nhận định: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình, biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng” (3).

Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương hòa hoãn với Pháp nhằm “Phá được mưu mô của bọn Tàu trắng (tức quân Trung Hoa Dân quốc - tác giả chú thích), của bọn phát xít, và của bọn Việt gian, bảo toàn được thực lực; dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới…” (4).

Tuy nhiên, Đảng cũng nhấn mạnh: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu (Chỉ thị in chữ nghiêng), mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” (5).

Đối với việc Pháp đưa quân ra miền Bắc, “Lập trường giảng hòa của ta đi với Pháp là độc lập nhưng liên minh với Pháp. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của dân ta “Chính phủ, quân đội, nghị viện, tài chính, ngoại giao” và “sự thống nhất quốc gia của ta”. Ta có thể nhận quyền đóng quân của Pháp trên đất nước ta, nhưng quyền ấy chỉ có thể tạm thời và có hạn…” (6).

Ngày 5/3/1946, hạm đội của Pháp đã ra đến vùng biển Hải Phòng, chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Tình hình rất khẩn trương. Lúc này, đại diện của Việt Nam và Pháp vẫn đang bàn thảo các điều khoản của bản thỏa thuận tạm thời. Sở dĩ quân Pháp phải đàm phán với ta mặc dù đã ký hiệp định thay quân với Trung Hoa Dân quốc, là vì phía Pháp biết rằng nếu cứ đổ bộ quân vào Hải Phòng mà không trao đổi trước với Chính phủ ta thì chắc chắn xung đột sẽ xảy ra bởi Chính phủ Hồ Chí Minh đã hiện diện và quản lý miền Bắc từ tháng 9/1945, trong khi đó sức mạnh quân sự của Pháp chưa đủ mạnh đến mức áp đảo. Pháp chọn cách đàm phán để đưa quân vào miền Bắc mà tránh được xung đột, sau đó sẽ lấn dần từng bước để đạt được mục tiêu cuối cùng là chiếm đóng toàn bộ Việt Nam, hoàn thành cuộc tái xâm lược.

Vấn đề khúc mắc gay cấn cuối cùng trong đàm phán Việt Nam - Pháp là tính chất của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía ta yêu cầu Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp, trong khi Pháp chỉ thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự trị.

Để phá vỡ bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáng kiến, đưa ra trao đổi và được sự nhất trí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng lấy cụm từ tự do làm giải pháp trung hòa cho quan điểm của hai bên. Phía Pháp chấp nhận.

Chiều ngày 6/3/1946, trước sự chứng kiến của đại diện ngoại giao Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân quốc, tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh, đại diện phía Việt Nam ký với Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ.

Một bản Phụ lục hiệp định về quân sự cũng được hai phía ký kết quy định cụ thể số lượng quân Pháp được vào miền Bắc là 15.000, số lượng quân Pháp đóng ở từng địa phương, thời hạn quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc là 5 năm, mỗi năm rút 1/5.

Nội dung quan trọng nhất của Hiệp định Sơ bộ là nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do (Etat Libre), có Chính phủ tự chủ (Self Gouvernment), có nghị viện, có quân đội, có tài chính riêng; ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp cam kết sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ (Bắc – Trung – Nam).

Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Hiệp định Sơ bộ là văn bản pháp lý đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trực tiếp ký với nước ngoài. Nước Pháp thực dân lần đầu tiên buộc phải thừa nhận Việt Nam là một nước tự do, có chủ quyền, sau hơn 80 năm vốn bị coi là thuộc địa của Pháp.

Ngay sau khi Hiệp định được ký, quân Pháp đã đổ bộ vào Hải Phòng. Trước sự kiện đó, các lực lượng phản động lên tiếng xuyên tạc tinh thần, nội dung của Hiệp định, vu cáo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bán nước, rước quân xâm lược vào miền Bắc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng không nắm rõ tình hình, cũng cho là Đảng hữu khuynh, nhân nhượng Pháp quá nhiều…

Sự thật không phải như vậy. Phát biểu ngay sau khi ký Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Chúng tôi không thoả mãn vì chúng tôi chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng rồi chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn” (7).

Ngày 7/3, phát biểu với nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ thêm về Hiệp định; nêu bật ý nghĩa, lợi ích của việc ký Hiệp định, yêu cầu đồng bào bình tĩnh, đoàn kết, đề cao cảnh giác để tránh mắc mưu kẻ thù.

Ngày 9/3/1946, ba ngày sau khi ký Hiệp định, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Hoà để tiến. Chỉ thị khẳng định đây là thắng lợi bước đầu, là giải pháp mang tính tình thế của Đảng, cần tận dụng thời gian hoà hoãn để tiếp tục xây dựng thực lực để mau tiến tới giành độc lập hoàn toàn. Chỉ thị giải thích lý do ký Hiệp định, hoà với Pháp để “Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động…” (8).

Ký Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946

Hiệp định Sơ bộ chỉ là thoả thuận tạm thời, quan hệ giữa hai nước phải do một hiệp định chính thức quy định. Vì thế, Hiệp định Sơ bộ có lưu ý hai nước Việt Nam và Pháp cần tiếp tục đàm phán để ký hiệp định chính thức. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tìm mọi cách hoà hoãn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

Sau khi Hội nghị trù bị Việt - Pháp (từ 19/4 đến 10/5) tại Đà Lạt tan vỡ do lập trường hiếu chiến, thực dân của phía Pháp, phía Việt Nam đã chủ động tổ chức một phái đoàn Quốc hội mới của Việt Nam sang thăm thiện chí, hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5.

Tiếp đó, ngày 31/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp. Cùng đi có Phái đoàn đàm phán Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Trong gần 100 ngày ở trên đất Pháp (tính từ khi tới Pháp bằng máy bay quân sự Pháp ngày 12/6, đến khi rời Pháp bằng tàu chiến ngày 18/9/1946), một thời gian dài kỷ lục ngoại giao quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhân vật trong Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, các nhà hoạt động văn hoá, khoa học, nghệ thuật nổi tiếng; tổ chức nhiều cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nhằm nêu rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam, không muốn chiến tranh với Pháp. Người còn theo dõi sát, tích cực chỉ đạo Đoàn đàm phán Việt Nam tại cuộc đàm phán chính thức với Đoàn đại biểu Pháp tại Fontainebleau.

Sau hơn hai tháng đàm phán (từ 6/7 đến 10/9), Hội nghị Fontainebleau không đi đến kết quả do phía Pháp không thực tâm đàm phán, đoàn Việt Nam lên đường về nước. Tình hình tại Việt Nam ngày càng căng thẳng, nguy cơ nổ ra xung đột ngày càng rõ rệt. Để cứu vãn tình thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nán lại nước Pháp thêm ít ngày, trực tiếp gặp và đàm phán với Mariuyt Moutet, Bộ trưởng Bộ nước Pháp ở Hải ngoại (thường gọi là Bộ Thuộc địa). Đến đêm ngày 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với M. Moutet bản Tạm ước (Modus Vivendi) về quan hệ Việt Nam – Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet ký Tạm ước về quan hệ Việt Nam - Pháp tại Paris ngày 14/9/1946.

Trong bản Tạm ước, hai bên cam kết đình chỉ mọi xung đột để làm giảm tình hình căng thẳng, tạo thuận lợi để mở lại cuộc đàm phán vào đầu năm 1947. Việt Nam tiếp tục nhân nhượng, đảm bảo cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hoá ở Việt Nam. Phía Pháp nhận thi hành một số nội dung như: thả chính trị phạm và tù binh; nhân dân Nam Bộ được quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại. Việc ký Tạm ước là bước nhân nhượng cần thiết nhưng là nhân nhượng cuối cùng của Việt Nam để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, vãn hồi hoà bình.

Một số nhận xét

Năm 1946 là một năm đặc biệt trong lịch sử đất nước và cũng là năm đánh dấu vai trò quan trọng đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, xã hội, thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, cụ thể, với kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong hoạt động đối ngoại trong năm đầu của chính thể dân chủ, cộng hoà. Điều này thể hiện rõ qua các sự kiện được Người tiến hành theo phương châm chiến lược “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tối cao của Đảng, Chính phủ đã trực tiếp tham gia gặp gỡ, đàm phán và ký hai hiệp định quốc tế đầu tiên của Việt Nam với các đại diện của Chính phủ Pháp. Mặc dù cả hai Hiệp định rốt cục không ngăn chặn được chiến tranh nổ ra nhưng đã góp phần quan trọng đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, tranh thủ thêm thời gian để nhân dân ta xây dựng thực lực cho đất nước. Điều này cho thấy Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng hai Hiệp định này đến mức nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951): Hơn một năm tạm hoà bình đã cho chúng ta thời gian xây dựng lực lượng căn bản.

Mặc dù hai hiệp định quốc tế này đều mang tính chất sơ bộ, tạm thời trong quan hệ hai nước, làm cơ sở cho việc ký một hiệp định chính thức, nhưng nó phản ánh một chủ trương nhất quán của Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không muốn chiến tranh, tìm mọi cách bảo vệ nền hoà bình mới giành được nhưng phải là nền hoà bình trong độc lập, tự do thực sự. Các chủ trương, đàm phán, ký kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện phản ánh rõ chủ trương đối ngoại của Đảng, thông qua các văn kiện, chỉ thị rất kịp thời và chính xác của Đảng, điều này được minh chứng rõ trước và sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký vào hai hiệp định này trong bối cảnh tình hình rất khó khăn, cấp bách, vừa do phía Pháp gây sức ép bằng sức mạnh quân sự, vừa trong bối cảnh các lực lượng phản động ra sức xuyên tạc, chống phá, vừa không có được sự hiểu rõ, đồng cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân (9). Đây thực sự là một mẫu mực trong đàm phán, ký kết hiệp định ngoại giao quốc tế của nhà ngoại giao không chuyên Hồ Chí Minh để đưa lại lợi ích cao nhất cho đất nước.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sang Pháp hoạt động liên tục, không mệt mỏi trong một thời gian dài như vậy, bất chấp hiểm nguy, cách trở, chính là để tìm kiếm hoà bình, để cho nhân dân ta, dân tộc ta có cơ hội được sống trong hoà bình, độc lập, tự do sau đêm dài bị áp bức, thống trị, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng và bài học kinh nghiệm quý về kết hợp giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn như vậy.

Qua chuyến đi của Người, chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội, cuộc đàm phán của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Pháp, trung tâm sự kiện, văn hoá, văn minh của thế giới, đã làm nhân dân Pháp và nhân dân thế giới hiểu rõ thêm về đất nước, con người Việt Nam yêu hoà bình nhưng kiên quyết bảo vệ cuộc sống trong độc lập, tự do, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực.


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 3.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945-1947), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 26.

(3) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, trang 43, 44.

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, trang 45.

(5) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, trang 46.

(6) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, trang 46.

(7) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1977, trang 379.

(8) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, trang 49.

(9) Trong Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I (tháng 11/1946), đồng chí Trần Huy Liệu, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban giải phóng dân tộc do Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra; Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời vào Huế dự Lễ thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã chất vấn công khai Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nhân nhượng của Việt Nam đối với Pháp. Dẫn tư liệu trong phim kỷ niệm 70 năm Ngày bầu cử Quốc hội khoá I (6/1/1946).

Viện Lịch sử Đảng