📞

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

PGS. TS. Trần Minh Trưởng 14:00 | 01/12/2021
Baoquocte.vn. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị, gần gũi và lâu đời, được xây đắp bởi nhiều thế hệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có nhiều cống hiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 11/1956. (Ảnh tư liệu)

Đặc biệt, trong những năm đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam và Trung Quốc còn nằm dưới sự thống trị áp bức của chủ nghĩa thực dân, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người cộng sản Trung Quốc thiết lập mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng lực lượng cách mạng và tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc ở mỗi nước.

Trong tư duy cách mạng của Người, “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới” và “Thật phi lý nếu nghĩ rằng Việt Nam lại có thể tồn tại biệt lập với các nước láng giềng”. Trong những năm 1925-1927, năm 1929-1933, năm 1938-1940, hoạt động của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Việt Nam trên địa bàn Trung Quốc đã có sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc.

Chính nhờ sự giúp đỡ chí tình và đầy trách nhiệm đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam có điều kiện tuyên truyền, giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; tiến hành mở lớp đào tạo lực lượng cán bộ cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Đó là tiền đề cơ sở, là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đối với nước láng giềng Trung Quốc, vừa là nước lớn, vừa là quốc gia có chung đường biên giới, có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, phải tạo lập nên mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Người nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc “như môi với răng, môi hở thì răng lạnh”, vì vậy ngay trong thời gian đầu tiên hoạt động ở Trung Quốc (1925-1927), Người đã viết một loạt bài phản ánh về tình hình Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc.

Tháng 8/1938, sau bốn năm ở Liên Xô, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Diên An (Thiểm Tây, Trung Quốc). Người được các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ, mời Người làm việc trong Bộ Tư lệnh Bát lộ quân (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).

Tại đây, tháng 7/1939, trong Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (từ Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc cho biết, những người cộng sản Việt Nam đã sáng tác bài hát “Giúp Trung Quốc là tự giúp mình” để giáo dục và cổ vũ quần chúng hợp tác với nhân dân Trung Quốc đang kháng Nhật.

Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc”, nói về sự đoàn kết, ủng hộ Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Trong đó có đoạn: “Trung - Việt, khác nào môi với răng, Nhớ rằng môi hở thì răng buốt, Cứu Trung Quốc là tự cứu mình”.

Khi Việt Nam mới giành được độc lập, trong bản “Thông cáo” về chính sách đối ngoại đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Với Trung Quốc, Việt Nam chủ trương thành thật hợp tác trên tinh thần bình đẳng “thắt chặt tình thân ái khiến hai dân tộc Việt - Hoa tương trợ mà tiến hóa”, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, theo đề nghị của của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tư lệnh Biên khu Việt - Quế (Vân Nam - Quảng Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam phái lực lượng vũ trang giúp Trung Quốc xây dựng khu giải phóng ở Ung - Long - Khâm, giáp biên giới Đông - Bắc Việt Nam, thông ra biển, tạo điều kiện khuyếch trương lực lượng, đón đại quân tiến xuống phía Nam.

Một số đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam do đồng chí Lê Quảng Ba, Chu Huy Mân... chỉ huy phối hợp với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (từ tháng 6-10/1949). Bộ đội Việt Nam phối hợp với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiêu diệt được nhiều đồn bốt, mở rộng Biên khu Điền Quế, Việt Quế và các khu căn cứ Tả Giang, Thập Vạn Đại Sơn. Cuối tháng 10/1949, bộ đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ và rút về nước.

Trong chiến dịch này, bộ đội Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ quốc tế, cùng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diệt và làm tan rã nhiều đơn vị quân Quốc dân đảng, giải phóng làng xã, thị trấn, phá tan âm mưu cấu kết giữa Quốc dân đảng Trung Quốc với quân viễn chinh Pháp ở biên giới Việt - Trung. Hình ảnh, việc làm và chiến công của chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế đã để lại tình cảm tốt đẹp còn lưu mãi trong lòng nhân dân Trung Quốc.

Khi bộ đội Việt Nam rút về nước, có cán bộ Giải phóng quân Trung Quốc nói: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, đem mồ hôi xương máu giúp chúng tôi trong lúc khó khăn. Các đồng chí đã để lại những tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế. Cảm ơn cách mạng Việt Nam, tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai đỡ gánh cho cách mạng Trung Quốc. Thật là cao thượng”.

Ngày 5/1/1950, trong buổi tiếp đại diện Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”.

Hoạt động, hợp tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam với những người bạn Trung Quốc, với Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho việc xây dựng quan hệ hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Tình đoàn kết, hữu nghị đó càng được bối đắp trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực, hiệu quả về mọi mặt của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Trải qua thời gian và lịch sử, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Trung ngày càng được thắt chặt và nâng lên tầm cao mới.

Quan hệ hữu nghị, gần gũi, giữa hai dân tộc láng giềng Việt-Trung là nhờ có sự chỉ đạo và những hoạt động không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự ủng hộ, nhất trí của các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là sự đồng tình của nhân dân hai nước.

Hiện nay, trong giai đoạn lịch sử mới, thế giới bước vào thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, quan hệ hữu nghị Việt-Trung được hai Đảng và nhân dân hai nước xác định là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ “ và tinh thần “4 tốt”.