📞

Chủ tịch JICA: Hiệu quả ODA giữa Nhật Bản và Việt Nam - thành công từ hai phía

18:14 | 11/09/2016
Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam còn ít so với một số nước như Indonesia, Myanmar hay Philippines nhưng lại mang đến những thành quả rất tích cực, đáng ghi nhận.

Nhật Bản hiện là nước có nguồn tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Nhật Bản không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn mà còn hỗ trợ nhiều công nghệ, kỹ thuật quý báu, trong nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu, môi trường…

Chủ tịch JICA Kitaoka Shinichi. (Nguồn: JICA)

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để hiểu rõ hơn về sự hợp tác ODA giữa Nhật Bản và Việt Nam thời gian qua cũng như định hướng của ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thời gian tới, nhân chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác phát triển giữa Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Kitaoka Shinichi: Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử tốt đẹp đã tạo nên mối quan hệ trong hợp tác phát triển cũng hết sức tốt đẹp. Điều này đã chứng minh bằng sự hợp tác có hiệu quả của hai bên trong suốt hơn 25 năm qua với nhiều kết quả thiết thực. Tuy sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam còn ít so với một số nước như Indonesia, Myanmar hay Philippines nhưng lại mang đến những thành quả rất tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể, hỗ trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam về thời gian mới 25 năm, chỉ bằng một nửa so thời gian hợp tác của Nhật Bản với Indonesia. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng ODA của Việt Nam tương đương như Indonesia.

Về phía Việt Nam, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất. Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam là viện trợ song phương. Trong viện trợ song phương, viện trợ của Nhật Bản chiếm tới chiếm 60% nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là cộng cả các nước viện trợ cho Việt Nam ở vị trí thứ hai, thứ ba hay thứ tư đều không bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong hợp tác ODA của hai bên?

Việt Nam là một ví dụ thành công điển hình khi cân bằng được phát triển trong cả hạ tầng cứng (cơ sở hạ tầng) và hạ tầng mềm (như bảo hiểm, y tế, giáo dục…).

Sự hợp tác hiệu quả nhất trong thời gian qua chính là sự hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đây là một minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả hợp tác trong thời gian qua. Chúng ta đã hợp tác trong các dự án như: Nhà ga hành khách số 2 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân…

Ngoài lĩnh vực cơ sở hạ tầng, những lĩnh vực khác như: nâng cao năng lực thể chế, y tế, đào tạo nhân lực... Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, thì việc thành lập trường Đại học Việt Nhật là minh chứng rõ nhất cho sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này.

Cầu Nhật Tân được coi là một trong những dấu án của viện trợ ODA Nhật Bản đối với Việt Nam. (Nguồn: ĐSPL)

Điều gì đã tạo nên sự hợp tác hiệu quả này, thưa ông?

Để mối quan hệ viện trợ tốt đẹp cần sự hợp tác của cả hai phía chứ không phải một chiều. Nghĩa là cả Nhật Bản và Việt Nam đều hết sức nỗ lực để đạt sự hiệu quả đó. Vì vậy, tại Nhật Bản, từ lâu chúng tôi không gọi là “viện trợ” nữa mà dùng từ “hợp tác”.

Ông có thể cho biết định hướng của ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thời gian tới?

Đây là lần thứ hai tôi tới Việt Nam. Tôi đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh của giao thông Việt Nam. Giao thông của Việt Nam hiện rất đông đúc và ngày càng nhiều ô tô thay cho xe máy. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Cụ thể như Việt Nam cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt đô thị…

Ngoài ra, Việt Nam là nước dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam cần được hỗ trợ để giảm thiểu tác động này.

Chính vì vậy, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp với việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông nghiệp, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

JICA cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề về năng lượng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. JICA cũng sẽ hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu các giải pháp lâu dài giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng mức đầu tư của dự án nhà ga T2 gần 900 triệu USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng. (Nguồn: BĐT)

Như trên ông đã nói, sự hợp tác hiệu quả thì cần sự nỗ lực ở cả hai phía. Vậy ông có kiến nghị gì để việc hợp tác trở nên hiệu quả hơn trong tương lai?

Trong thời gian qua, hai bên đã có sự hợp tác thành công một phần do tích cực trao đổi, chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau.

Sự hợp tác của hai bên thời gian qua là rất hiệu quả nhưng không phải không có những “nút thắt”. Vẫn có nhiều dự án hai bên chưa triển khai được, điển hình như dự án đường sắt Bắc Nam. Dự án này đã được trình lên Quốc hội của Việt Nam nhưng chưa được thông qua do Quốc hội còn lo ngại vì làm tăng nợ công của Việt Nam. Tôi nghĩ sự lo ngại này là vấn đề đương nhiên.

Do đó, tôi cho rằng, phía Việt Nam cần có những đề xuất, cụ thể về các phương án, nhu cầu hỗ trợ trong thời gian tới.

Ngoài ra, để hợp tác hiệu quả hơn, Việt Nam cũng cần đặt thứ tự ưu tiên đối với các dự án, dự án nào cần ưu tiên làm trước, dự án nào cần làm sau.

Xin cảm ơn ông!

(theo TTXVN)