📞

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan dịp APEC

Nguyễn Hồng 06:00 | 16/11/2022
Chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Hội nghị cấp cao APEC 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân giúp tăng cường phát triển quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường với Thái Lan, đồng thời, thể hiện nỗ lực đóng góp của Việt Nam đối với APEC và cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Thái Lan dịp APEC. (Nguồn: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 16-19/11/2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên trong số lãnh đạo các nền kinh tế thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC 2022.

Không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan

Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao 6/8/1976. Trong những năm quan, quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực bất chấp dịch bệnh Covid-19. Thái Lan coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam.

Năm 2021, nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (6/8/1976-/6/8/2021), hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… cũng như tích cực thông tin tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan.

Hai bên thường xuyên duy trì hoạt động cấp cao và các cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và các Bộ, ngành.

Trong hợp tác kinh tế, Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đạt 18,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm 2022 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó ta xuất 5,6 tỷ USD, tăng 26,9% và ta nhập 10,5 tỷ USD, tăng 12,7%.

Về đầu tư, tính đến tháng 9/2022, Thái Lan có 670 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 13,093 tỷ USD, đứng thứ 9/139 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện khí nước, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ. Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Thái Lan, vốn đăng ký 32,8 triệu USD, đứng thứ 33/79 quốc gia/vùng lãnh thổ chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn bán lẻ.

Các lĩnh vực khác phát triển tốt đẹp, các cơ chế song phương về quốc phòng, an ninh, phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác đào tạo... cũng không ngừng được củng cố. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai bên hỗ trợ lẫn nhau cả trang thiết bị y tế và vaccine chống Covid-19.

Hiện hai nước đang thúc đẩy mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang Thái Lan. Hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tích cực. Trong 6 tháng năm 2022, Việt Nam đón hơn 39.679 lượt khách Thái Lan và khách Việt Nam đến Thái Lan là khoảng 130.000 người. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan.

Hiện nay, tại Thái Lan có khoảng hơn 100.000 Việt kiều đang sinh sống, hòa nhập tốt ở sở tại và hướng về quê hương đất nước.

Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó, Thái Lan coi trọng vai trò của ASEAN, phối hợp tốt trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, nỗ lực cùng các nước giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia tích cực trong nhiều cơ chế tiểu vùng như Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Mekong-Lan Thương, Mekong-Nhật, Mekong-Hàn Quốc, Mekong-Ganga (Ấn Độ), sáng kiến hạ nguồn Mekong-Mỹ (LMI) và Mekong và những người bạn (FLM) và đặc biệt là ACMECS.

Về Biển Đông, Thái Lan ủng hộ lập trường chung của ASEAN, thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, coi trọng việc khôi phục lòng tin, sự tin cậy giữa các quốc gia trong khu vực để tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại đây; thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử cho Biển Đông (COC).

Việt Nam - một trong những thành viên tích cực nhất

Ngày 15/10/1998, tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong 24 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do nước ta đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung. Cùng với đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí quan trọng trong APEC và được các thành viên đánh giá cao.

Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến của ta về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Với vai trò Phó chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.

Với việc Tầm nhìn được các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra tháng 11/2017, tại thành phố Đà Nẵng.

Năm 2022, tình hình khôi phục kinh tế hậu đại dịch diễn biến khả quan, chủ nhà APEC 2022 Thái Lan đề xuất chủ đề: “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.” (Open. Connect. Balance.) với Tầm nhìn về một APEC “Mở với tất cả cơ hội, Kết nối trên mọi phương diện, Cân bằng trên mọi khía cạnh”.

Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào 3 ưu tiên: Thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội; khôi phục kết nối trên mọi phương diện; thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.

Trong năm 2022, Việt Nam đã tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại – đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2022; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022; thúc đẩy đoàn kết và để cao vai trò của ASEAN.

Đồng thời, Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017.

Các Bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC nhằm nâng cao năng lực; chủ trì hoặc đồng chủ trì với một số thành viên các dự án về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, y tế biển, kết nối chuỗi cung ứng tự cường, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều hoạt động cả đa phương và song phương gồm cùng các nhà Lãnh đạo và Trưởng đoàn từ 21 nền kinh tế thành viên có 2 phiên thảo luận sâu về tình hình và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

Chủ tịch nước sẽ tham dự phiên đối thoại cùng các khách mời của Hội nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại và phối hợp hành động giữa APEC với các khu vực bên ngoài; làm diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 và sẽ cùng các nhà Lãnh đạo APEC đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện các Bộ, ngành Việt Nam đã tham gia các cuộc họp cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp để xây dựng văn kiện và chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao.

Có thể khẳng định, Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các Hội nghị, đề cao tinh thần đối thoại, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương, triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII; nỗ lực cùng các thành viên tìm kiếm giải pháp giúp Diễn đàn vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ các thành tựu và giá trị cốt lõi của hợp tác và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Qua Hội nghị, Việt Nam mong muốn gửi tới bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về nền kinh tế Việt Nam năng động, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững.