Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 29 tại Bangkok từ ngày16-19/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đối ngoại cấp cao
Trong chuyến thăm Việt Nam từ 14-17/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; hội đàm, gặp gỡ báo chí với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ngày 19/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.
Chủ tịch nước đã dự lễ đón chính thức, hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha; hội kiến Nhà vua Maha Vajiralongkorn, Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Thái Lan; gặp gỡ lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như SCG, Amata, CP. Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ 350 doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam-Thái Lan; dự khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan và thăm, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, kiều bào tại Thái Lan.
Tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Phiên họp hẹp 1; dự phiên Đối thoại không chính thức giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời; dự cuộc ăn trưa làm việc giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời; dự Phiên toàn thể và Phiên thảo luận chuyên đề Đối thoại với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); dự Phiên họp hẹp 2 và dự Gala dinner do Thủ tướng Thái Lan và Phu nhân chủ trì.
Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Australia, Canada, Pháp, Chile, Peru; gặp Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia và Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc và lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đoàn lãnh đạo 3 tỉnh miền Trung Argentina gồm Cordoba, Santa Fe và Entre Rios. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong chuyến thăm chính thức Campuchia, từ ngày 19-20/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin; hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum; tiếp Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam Men Sam An; dự Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai Quốc hội... Đây là các hoạt động trong khuôn khổ chuyến tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 43, thăm chính thức Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Philippines của Chủ tịch Quốc hội, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch AIPA Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Philippines Juan Miguel Zubiri từ ngày 19-25/11.
Ngày 14/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tiếp Đoàn đại biểu Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào do đồng chí Phuvong Ankhamsen, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn.
Ngày 18/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thành phố Djerba, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18, theo lời mời của Tổng thống Tunisia Kais Saied. Phó Chủ tịch nước tham dự Lễ khai mạc và có các bài phát biểu tại các phiên họp, thảo luận của Hội nghị; tiếp xúc song phương với lãnh đạo, trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị.
Tiếp bà Katherine Brown, Thống đốc bang Oregon, Hoa Kỳ ngày 14/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tích cực, thực chất, đạt nhiều bước tiến trên các lĩnh vực, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, trong đó thương mại song phương đạt mức kỷ lục hơn 111 tỷ USD năm 2021.
Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao APEC 29 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; truyền đi thông điệp về quyết tâm của Lãnh đạo hai bên đưa quan hệ song phương phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.
Nhân dịp dự Hội nghị APEC 2022, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna, Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Justin Tkatchenko, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.
Chào Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ngày 15/11 tại Hà Nội, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Angola Domingos Vieira Lopes cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm cụ thể hóa mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế của Chính phủ Angola, trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực.
Ngày 14/11, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp bà Katherine Brown, Thống đốc bang Oregon, Hoa Kỳ nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ngoại giao song phương
Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC từ 16-19/11, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành chia sẻ với báo chí những nội dung xoay quanh chuyến đi "2 trong 1" này. Trả lời TG&VN, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura khẳng định, chuyến thăm sẽ tạo động lực to lớn cho quan hệ song phương giữa hai nước một cách toàn diện và sâu rộng. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá, đây là một chuyến thăm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai nước.
Trả lời phỏng vấn về ý nghĩa chuyến thăm chính thức Campuchia và dự AIPA-43 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ 19-22/11, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng khẳng định, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia.
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung trả lời về ý nghĩa, những nội dung trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern từ 14-17/11. Còn theo Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson, chuyến thăm là một minh chứng mới cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với cả hai nước.
Ngày 17/11, tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ mong muốn Đại sứ tiếp tục thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, trong đó có việc mở cửa hơn nữa thị trường Ấn Độ cho hàng nông sản của Việt Nam.
Tiếp ông Muraoka Tsugumasa, Thống đốc tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản) ngày 16/11, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa tỉnh Yamaguchi và Việt Nam.
Tại Tham vấn chính trị với Tổng Vụ trưởng, Tổng Vụ Song phương, Bộ Ngoại giao Bỉ Jeroen Cooreman trong khuôn khổ chuyến công tác Việt Nam ngày 15/11, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đề nghị phía Bỉ ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU với thủy, hải sản Việt Nam.
Hội đàm ngày 15/11, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Angola Domingos Vieira Lopes nhất trí cho rằng hai bên đẩy mạnh trao đổi thương mại, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương vượt 100 triệu USD trong những năm tới.
Ngoại giao đa phương
Quyền Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á -Thái Bình Dương (REPAP-OIF) Trần Thị Mai Yến đánh giá, là quốc gia thành viên rất tích cực trong OIF, việc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tunisia thể hiện tính trách nhiệm cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Còn Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá, điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với OIF.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 17/11, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ cải tổ HĐBA LHQ nhằm đảm bảo tính đại diện, dân chủ, minh bạch và hiệu quả để cơ quan này ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu.
Tại Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine của ĐHĐ LHQ ngày 14/11, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã nhấn mạnh ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là chấm dứt chiến sự, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng dân sự.
Từ ngày 14-18/11, tại Vienna, Áo, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức Cuộc họp định kỳ cuối cùng trong năm 2022. Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại IAEA làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.
Tin Người phát ngôn
Tại họp báo thường kỳ ngày 17/11, thông tin thêm về quá trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được hãng Milion (Pháp) đem ra đấu giá trong ngày 19/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp để ngừng việc bán đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã trao đổi với hãng đấu giá Millon và tham vấn với các tổ chức chuyên về di sản văn hóa nghệ thuật, cũng như các cá nhân có liên quan để tìm hiểu thông tin và thông báo cho các cơ quan liên quan trong nước, tạo thuận lợi cho việc đàm phán.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình thủ tục đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của Pháp.
Các hoạt động khác
Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và ứng viên sau đại học giữa Học viện Ngoại giao và Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) đã được tổ chức ngày 15/11, nhân chuyến thăm Việt Nam của TS. Kambiz Ghawami, Chủ tịch WUS.
Ngày 17/11, tại Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình - Phục hồi bền vững” đã chính thức bế mạc. Qua 2 ngày làm việc, với 1 phiên dẫn đề và 8 phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, các diễn biến gần đây ở Biển Đông, giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như yêu cầu đặt ra với hợp tác nhằm đảm bảo an ninh biển từ sự phát triển khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển biển hòa bình, bền vững.
| Viết sách để cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu thêm về biển đảo quê hương Ông Nguyễn Thanh Tòng, kiều bào Pháp, tác giả của cuốn sách Biển đảo quê hương đã có những chia sẻ sau khi đoạt giải ... |
| Ngày 17/11, tại Bangkok, Thái Lan, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có ... |
| Chat với 'thanh niên Cộng sản Anh' có tâm hồn Việt Trước khi gặp Kyril Ivan Whittaker, tác giả của bài viết học thuật về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trên Tạp chí Cộng sản ... |
| Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong tuần từ ngày 7-13/11. |
| Đường hướng, tác động từ chính sách đối nội, đối ngoại của nước lớn trong cục diện thế giới thay đổi Ngày 8/11, đã diễn ra hội thảo khoa học chủ đề: “Đường hướng và tác động của chính sách đối nội và chính sách đối ... |