Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn. |
Tài sản bằng tiền không phải là vốn quý nhất ở PNJ
Thời gian qua, thương hiệu PNJ luôn hiện diện trong top các giải thưởng về nhân sự và phát triển bền vững. Đây không phải sự ngẫu nhiên, thưa bà? Khái niệm nhân sự từ góc độ của bà như thế nào?
Với tôi, Nhân là người và Sự là sự việc. Nhân đại diện cho EQ, còn Sự là IQ. Nếu chỉ dùng Sự, tức là vận hành bộ máy bằng những khuôn thước chuyên nghiệp và quản lý bằng KPI…, chắn chắn không mang tới nhiều giá trị.
Cũng như chỉ điều hành bằng tình cảm cũng không thể xây dựng được một tổ chức mạnh, vững bền. Thực tế cho thấy tại sao Lý và Tình, Nhân và Sự phải luôn hoà quyện, song hành cùng nhau.
Tuy nhiên, con người mới chính là tài sản vô giá của một tổ chức. Tôi luôn tự hào khi nói với đối tác rằng: Con người và Văn hóa PNJ là thứ quý nhất, chứ không phải tài sản bằng tiền.
Như vậy có thể thấy, bà đã vận dụng linh hoạt khái niệm nhân sự trong điều hành đưa PNJ phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Vậy trong 35 năm phát triển của PNJ, dấu mốc quản trị nhân sự nào khiến bà nhớ nhất?
Đúng rồi, cái gì cũng bắt đầu từ gốc của nó. Thành công của PNJ ngày hôm nay cũng không phải là ngoại lệ.
Khi thành lập vào năm 1988, PNJ chỉ là một cửa hàng nhỏ với gần 20 con người. Khó khăn với chúng tôi là phần lớn nhân sự đều đang hoạt động trong khối hành chính sự nghiệp, không am
tường về nghề kim hoàn, lại được kết hợp làm việc với các nghệ nhân là những anh thợ ngày ngày cặm cụi với nghề, chưa bao giờ đứng trong tổ chức nào.
Thêm nữa, trong xã hội khi đó, việc kinh doanh này là một nghề khá nhạy cảm khi đất nước vừa bắt đầu Công cuộc Đổi mới, đang phải đối diện với vô vàn khó khăn.
“Viên gạch” đầu tiên trong quản trị nhân sự ở PNJ chính là hai chữ Niềm Tin. Tôi vẫn thường xuyên nói với các anh em như vậy. Nhưng chỉ Niềm Tin bằng lời nói thôi thì không ổn. Để mọi người chung sức đồng lòng, cống hiến cho công ty, phải đảm bảo được đời sống tinh thần và vật chất (ở mức tối thiểu). Nghĩ vậy, tôi mạnh dạn xin cơ chế với Nhà nước, cho phép Công ty hạch toán theo cơ chế Nhà nước nhưng vận hành như một cửa hàng tư nhân.
Bên cạnh đó, tôi luôn tìm hiểu, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của toàn bộ 20 anh chị em. Điều đó đã tạo ra bầu không khí rất nhân ái và mến thương như những người trong cùng một gia đình, tạo động lực giúp chúng tôi tin tưởng vững vàng vượt qua những khó khăn ban đầu.
Đến nay, thói quen đó vẫn trong suy nghĩ và hành động của tôi. PNJ hiện đã có hơn 7000 nhân viên, phát triển mạnh mẽ và mở rộng. Nhưng là người chèo lái PNJ, trách nhiệm người đứng đầu vẫn luôn nhắc nhở bản thân phải quan tâm sâu sát đến cả cuộc sống gia đình, tâm tư, những biến động đời thường của người lao động và truyền cái tinh thần chia sẻ đùm bọc nhau tới đông đảo nhân viên trong tập đoàn, nhất là lãnh đạo bộ phận phòng ban.
“Văn hóa doanh nghiệp cũng giống như gia phong của một gia đình, không phải có nhiều tiền là xây được. Nếu doanh nghiệp còn nhỏ thì cứ xây lên từ cái nhỏ, rồi khi lớn dần thì bồi đắp thêm cho thật vững chắc”. Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung |
“Nhìn thấy mình” để “nhìn thấy người”
Quản trị một đội ngũ hơn 7.000 người chắc chắn sẽ khó và khác so với 20 người, thưa bà?
Công tác nhân sự và quản trị nhân sự hiện đại có rất nhiều khía cạnh. PNJ luôn ý thức làm mới, nâng tầm để đúng với tầm vóc của Công ty và thông lệ thị trường.
Cứ 5 năm, chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc rà soát đánh giá lại những việc đã làm trong nhiệm kỳ vừa qua, định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ kế tiếp. Năm 2012, PNJ đã mời chuyên gia nước ngoài tư vấn thay đổi mô hình phát triển bền vững theo hướng bán lẻ chứ không phải tập trung vào sản xuất. Đó là một dấu mốc lớn. Năm 2017 lại một lần tái cấu trúc mạnh mẽ, hay còn gọi là F5 – Nhấn nút tái tạo.
Nhưng đôi khi không cần đến con số 5 năm, chỉ cần nhận thấy phải thay đổi là PNJ sẽ làm. Ví như trong năm 2018 và 2019, chúng tôi thực hiện một cuộc tái cấu trúc giữa nhiệm kỳ. Điều này xuất phát từ năm 2017, sau khi lần đầu tiên nghe tới khái niệm “blockchain”, “4.0” tại Hội nghị cấp cao APEC Việt Nam tại Đà Nẵng, tôi nghĩ phải cử người đi học ngay, đi trước đón đầu để làm chuyển đổi số sớm. Chúng tôi liên tục đào tạo. Từ Chủ tịch, thành viên HĐQT, Ban Điều hành cho đến từng cá nhân đều học kiến thức để bắt kịp với tiến độ biến hóa của nền kinh tế số thế giới.
Điều quan trọng là cần có tầm nhìn chiến lược. Cuối năm 2019 và đầu 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta mới thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Hiện tại, chính phủ đang đẩy mạnh triển khai công cuộc chuyển đổi số. Hơi thở chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các bộ ngành, đơn vị, tổ chức…
PNJ tự hào là đã nắm bắt xu thế và đi trước nhiều năm.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung tham gia Ngày hội văn hoá của PNJ. |
Có thể nói, tư duy nhạy bén, đón bắt cơ hội cùng sự mạnh mẽ, quyết đoán trong cải tổ chính là những yếu tố giúp PNJ vượt “bão” thành công thời gian qua?
Đúng như vậy. PNJ dù cũng phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng đã bước qua mọi thứ dễ dàng hơn và có thể cất cánh phát triển rất nhanh.
Cho đến hôm nay, công cuộc tái cấu trúc đó vẫn tiếp diễn. Và từ đó PNJ đã được vinh danh nhiều giải thưởng liên tục. Hầu như các giải thưởng uy tín nào thì PNJ cũng đều đạt cả. Đặc biệt là các giải thưởng về nhân sự, về quản trị Công ty, phát triển bền vững hay văn hóa doanh nghiệp.
Trên hành trình rất dài với nhiều biến động như vậy, chắc hẳn bà đã đúc kết cho bản thân nhiều điều về công tác quản trị nhân sự?
Tôi nghĩ rằng, muốn có một tổ chức tốt, trước hết lãnh đạo phải tài, phải luôn luôn nhìn thấy chính mình, tức là chính trực với bản thân. Trong từng giai đoạn, nhận thức được sự thiếu hụt để bổ sung, học hỏi nâng tầm lãnh đạo quản lý.
Cái mình làm được trong quá khứ không có nghĩa sẽ có được trong tương lai. Vì thế hãy không ngừng xây dựng nội lực, từ đó mới đủ sức lan tỏa đến đội ngũ lãnh đạo kế cận. Đồng thời mình cũng phải có sự chia sẻ, huấn luyện, đào tạo làm sao để đội ngũ của mình cũng phải có tư duy “nhìn thấy mình”, nghĩa là đào sâu vào sự chính trực.
Giá trị lớn nhất của “người PNJ” đó là Chính Trực. Trên hết là Chính trực với chính mình.
Chỉ khi có kỹ năng “nhìn thấy mình” với một sự thẳng thắn, trung thực, khi đó ta mới có thể “nhìn thấy người” với một tâm trí thông tuệ.
Khi đã đặt mục tiêu “trồng người” trong một tổ chức, thì trước hết người lãnh đạo phải “rèn mình”, phải quay về vun xới, chăm bẵm cho Thân – Tâm – Trí của mình trước tiên.
Chia sẻ để cùng chạm đến những không gian mới
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, PNJ cũng dành nhiều tâm sức cho hoạt động xã hội. Điều này cũng là “tôn chỉ” của PNJ?
Quan tâm cùng phát triển, đặt lợi ích của khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp - Đó là giá trị đã đi từ những năm tháng đầu đời của PNJ. Từ đó, mình nghĩ mình làm tốt cho riêng mình không thôi là chưa đủ mà còn phải chia sẻ với xã hội.
Hơn 15 năm qua, PNJ luôn duy trì và phát triển văn hoá mỗi nhân viên PNJ tự nguyện trích lương mỗi quý đóng góp vào quỹ từ thiện chăm lo cho cộng đồng. Tất cả các thành viên trong ngôi nhà chung đều tâm niệm hướng tới cộng đồng chứ không phải là hoạt động bề nổi của tổ chức.
Lớn hơn những giá trị vật chất còn là sự chia sẻ về trí tuệ, kinh nghiệm, tinh thần của thành viên PNJ đối với cộng đồng.
Nhiều người hỏi vì sao chị Cao Thị Ngọc Dung lại đưa những bí kíp quản trị doanh nghiệp ra cộng đồng như vậy, nhẽ ra phải giấu đi chứ. Nhưng PNJ tâm niệm, những gì mình làm được thì nên chia sẻ để mọi người cùng có kinh nghiệm, rút ngắn được thời gian trên hành trình đi đến đích của họ.
Vì vậy, các lãnh đạo của Tập đoàn có thể đi chia sẻ, đào tạo ở nhiều nơi, với rất nhiều tổ chức, nhiều môi trường khác nhau. Sự sẻ chia này như một nghĩa vụ tự thân, không phải giữ kẽ hay giấu giếm.
Xin cảm ơn Bà.
| Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố bền chặt, hiệu quả, thực chất hơn Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật ... |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đoàn công tác của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của Keidanren và Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong ... |