Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith. (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự Hội đàm còn có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Australia Đoàn Thị Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội, Nghị viện hai nước và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và thích ứng với đại dịch Covid-19 trong hoạt động của Quốc hội, Nghị viện.
Chúc mừng thành công và đánh giá cao những nỗ lực của Australia trong ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng Australia sẽ tiếp tục là quốc gia chống dịch hiệu quả hàng đầu thế giới và nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Australia đã cam kết dành 40 triệu AUD hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia liên tục phát triển tốt đẹp trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký kết năm 2013. Hai bên đã duy trì việc trao đổi đoàn các cấp, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động Nghị viện, tăng cường hiểu biết và thắt chặt hơn quan hệ hợp tác song phương; đồng thời tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Nghị viện Australia đều đã thành lập các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa hai nước. Quốc hội Việt Nam khóa XV sẽ sớm thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Australia để thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia cũng như hai nước.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp; Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác, giao lưu giữa các cơ quan chuyên môn, Nhóm nữ nghị sĩ, Nhóm nghị sĩ trẻ, Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội mỗi nước.
Hai bên tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của cơ quan lập pháp hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng thể chế và hệ thống pháp luật, khuôn khổ thể chế phù hợp với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam mong muốn tham khảo kinh nghiệm của Australia trong việc thiết lập các cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thúc đẩy các ngành kinh tế số, các mô hình kinh tế chia sẻ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn…
Trao đổi với Chủ tịch Hạ viện Australia về kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Quốc hội thích ứng với tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Quốc hội Việt Nam có kỳ họp được chia thành 2 phần, một phần trực tiếp và phần lớn còn lại là họp trực tuyến.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp không chỉ tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trực tuyến, mà còn phát thanh trực tiếp tới cử tri. Vì vậy, số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri hạn chế nhiều nhưng hiệu quả cao hơn gấp bội. Đó là lý do mà số cử tri đi bầu rất đông, tỷ lệ đạt hơn 99%, bầu một lần đủ số lượng đại biểu Quốc hội.
Để đạt được miễn dịch sớm trong cộng đồng thì kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó có Australia, cho thấy cần sớm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang đàm phán để tiếp cận nguồn vaccine và rất mong hợp tác với các nước để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine tại Việt Nam, bởi Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chủ tịch Hạ viện Australia quan tâm tới vấn đề công bằng và chia sẻ vaccine trên phạm vi toàn thế giới để những nước nghèo có thể tiếp cận với các nguồn vaccine.
Quốc hội Việt Nam đã có quyết định rất quan trọng và kịp thời trong việc phân bổ nguồn lực để Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine, đã bố trí khoản ngân sách khoảng gần 700 triệu USD trên cơ sở huy động nguồn lực của Nhà nước. Đặc biệt là tiết kiệm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành nguồn lực cho phục hồi kinh tế và cho chiến lược vaccine phòng Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith. (Nguồn: quochoi.vn) |
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith nhấn mạnh hoàn toàn nhất trí với những đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời đánh giá cao quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong thời gian qua và mong rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia sẽ được tăng cường trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Năm 2020, Nghị viện Australia gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Hạ viện Australia chỉ duy trì được việc họp trực tuyến trong một số cuộc. Hạ viện Australia đã phải có một số thay đổi về quy chế làm việc, thay đổi cách thức bỏ phiếu, biểu quyết ở nghị viện.
Chủ tịch Hạ viện Tony Smith cho biết, Thủ tướng Australia khi thảo luận với lãnh đạo các nước đã thể hiện rõ quan điểm vaccine phòng Covid-19 phải được thực hiện càng nhanh càng tốt để đất nước nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
Chiến lược vaccine hiện đang được triển khai rộng rãi ở tất cả các bang của Australia và Australia đang đặt ưu tiên cho người lao động thiết yếu được tiêm chủng trước.
Chủ tịch Hạ viện Tony Smith bày tỏ tự tin sẽ có nhiều người dân Australia được tiêm chủng, vì khi mọi người dân đều thấy được sự cần thiết của tiêm chủng thì sẽ tạo ra được phong trào chung. Australia đang hết sức nỗ lực thực hiện chiến lược tiêm chủng nhanh nhất có thể để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, ông Tony Smithmong rằng hai nước sẽ có những trao đổi hợp tác kỹ lưỡng hơn khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo còn trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong đó, vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định quan điểm nhất quán của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.