📞

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất MSEAP 3

22:24 | 09/10/2018
Chiều 9/10 (giờ địa phương), tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu lần thứ ba (MSEAP 3).

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc tới Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc về lời mời và sự đón tiếp nồng hậu dành cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự “Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu” lần thứ ba tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một năm trôi qua kể từ khi Hội nghị MSEAP lần thứ 2 diễn ra tại Hàn Quốc, thế giới đã có những chuyển biến cả về chính trị và kinh tế. Nền kinh tế đã có sự phục hồi, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn địa-chính trị tại một số khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu.

Tình hình chính trị vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền, an ninh hàng hải, khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, chúng ta ghi nhận những nỗ lực gìn giữ hòa bình, hợp tác xoa dịu một số điểm nóng ở châu Á, Trung Đông, Bắc Phi, cùng những sáng kiến tận dụng các thành tựu vượt bậc về khoa học công nghệ để đưa nhân loại sang thời kỳ phát triển mới. Điều này phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của những người dân mà các đại biểu Quốc hội là người đại diện.

Khu vực Á Âu là nơi giao thoa giữa văn minh châu Á, châu Âu, thể hiện sự đa dạng vốn có về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và chính trị; cũng là nơi có nhiều lợi thế về tài nguyên và con người. Các quốc gia Á Âu ngày càng có nhiều sáng kiến hợp tác và hội nhập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự hội nghị MSEP3.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Liên minh Kinh tế Á-Âu, nhân tố chủ đạo thúc đẩy liên kết Á Âu tiếp tục đạt tăng trưởng tích cực, góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng chung cho khu vực Á Âu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hợp tác kinh tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, công bằng và cùng có lợi là điều kiện quan trọng để giữ môi trường hòa bình, ổn định nhằm vượt qua những thách thức để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Với tinh thần đó, hoan nghênh chủ đề của Hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở Á Âu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với vai trò của mình, các nghị sỹ sẽ đóng góp cho sự phát triển, thông qua các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các nguồn lực; đồng thời còn là cầu nối với người dân của mỗi quốc gia, thúc đẩy ban hành và thực thi các chính sách hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới và trong khu vực, sẵn sàng ủng hộ những hoạt động hợp tác với các nghị viện Á-Âu, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, góp phần hỗ trợ nhau đối phó với những thách thức toàn cầu, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng trên thế giới.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp nhằm kết nối cơ chế hợp tác nghị viện Á-Âu với các cơ chế hợp tác liên nghị viện, như: IPU, AIPA, APPF... mở rộng chương trình nghị sự, hướng tới thực thi có hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững như đã cam kết,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Chia sẻ Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn, chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào các tiến trình hội nhập khu vực và trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á Âu trên các lĩnh vực, nhất là đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số hóa, kết nối thông minh, phát triển bền vững, bao trùm...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội nêu một số ý kiến, trong đó đề cập tới việc tăng cường hơn nữa hợp tác Á Âu, đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi và dựa trên luật pháp quốc tế.

Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác Á Âu trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò tiên phong của các nước phát triển hỗ trợ, tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ủng hộ nỗ lực của các nước Á Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội đề cập đến việc tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu bật việc tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển.

Sau khi tiến hành Phiên họp toàn thể thứ hai với sự điều hành của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodi, Phiên họp toàn thể thứ ba với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang.

Tại các phiên họp toàn thể, lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước đã nêu ra nhiều vấn đề mang tính thách thức chung của khu vực và toàn cầu; kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề đặt ra nhằm hướng tới sự phát triển bền vững hơn, trong đó nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Nghị viện/Quốc hội các nước thông qua việc xây dựng luật pháp để triển khai thi hành trong thực tế.