Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân cùng Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Singapore Tan Chuan-Jin và Phu nhân chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Đại sứ Jaya Ratnam, "quan hệ Singapore-Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1973… Ngoài mối liên kết kinh tế tuyệt vời và tầm nhìn chiến lược chung, mối quan hệ này còn bắt nguồn từ tình hữu nghị và tin cậy sâu sắc, được ủng hộ ở cấp cao nhất của cả hai bên".
Xin Đại sứ chia sẻ những nét nổi bật về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin, diễn ra chỉ 3 tháng sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc?
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/5, theo lời mời của người đồng cấp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là chuyến thăm cấp cao thứ hai giữa Singapore và Việt Nam kể từ đầu năm 2022.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước rất thành công của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore vào tháng Hai vừa qua. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Việt Nam tới Singapore kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, đầu tháng Năm, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã có cuộc trao đổi rất hiệu quả với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington D.C. Nhịp độ trao đổi cấp cao mạnh mẽ giữa Singapore và Việt Nam là sự trở lại cam kết rất tích cực giữa hai nước chúng ta trước đại dịch Covid-19, đồng thời là minh chứng cho tiềm năng to lớn trong việc làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ song phương.
Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin cùng đoàn đại biểu gồm 6 đại biểu Quốc hội Singapore vô cùng vinh dự khi được hội kiến các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sự hiếu khách và nồng hậu của Việt Nam dành cho đoàn thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa Singapore và Việt Nam, cũng như mối quan hệ thân tình giữa các nhà lãnh đạo của cả hai nước.
Trong bối cảnh cả Singapore và Việt Nam đang tìm cách phục hồi sau đại dịch và trong bối cảnh tình hình kinh tế và địa chính trị ngày càng phức tạp, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin là một dấu mốc quan trọng để cả hai bên củng cố nền tảng hợp tác hiện có và xác định các lĩnh vực mới để phát triển, đưa quan hệ song phương hướng về phía trước và phù hợp với nhu cầu của cả hai nước.
Điểm nổi bật chính trong chuyến thăm là tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa con người với con người. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác liên nghị viện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan nghị viện của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin cũng đã đến thăm Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An - trường đối tác của Trường Trung học Quốc gia Singapore trong Chương trình Trường học Kết nghĩa Singapore-Việt Nam, để chứng kiến những trao đổi giáo dục giữa chúng ta đã bền bỉ và thích ứng như thế nào trước những thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin tự chụp ảnh với các em học sinh trước Tượng thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Trước chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin cũng đã tham dự Lễ khai mạc SEA Games 31 và ủng hộ các vận động viên của Đội tuyển Singapore trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Olympic Quốc gia Singapore. Việc Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin có thể chứng kiến tinh thần thể thao và tình bạn thân thiết giữa các vận động viên Singapore và Việt Nam đã thêm một chiều sâu đặc biệt cho chuyến thăm.
Về khía cạnh này, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin còn là lời nhắc nhở kịp thời rằng ngoài mối quan hệ kinh tế tuyệt vời và tầm nhìn chiến lược chung, quan hệ Singapore-Việt Nam còn bắt nguồn từ tình hữu nghị và sự tin cậy sâu sắc, được ủng hộ ở cấp cao nhất của cả hai bên.
Đại sứ từng nhận định rằng Việt Nam là một điểm sáng về phát triển kinh tế khu vực.
Hợp tác kinh tế là nền tảng của mối quan hệ song phương. Người Singapore và các công ty Singapore tiếp tục coi Việt Nam với sự phát triển sôi động và tiềm năng như một điểm đến đầu tư do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là điểm rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì điều đó cho thấy Việt Nam đang sẵn sàng trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực có ý thức để tạo thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam và mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này tạo dựng niềm tin trong chính đất nước Việt Nam cũng như khu vực nói chung, cho thấy sự cởi mở của chúng ta đối với thương mại và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chính vì những lý do này mà Singapore liên tục là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào Việt Nam, kể cả trong bối cảnh đại dịch. Mạng lưới 10 Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) trên khắp Việt Nam tiếp tục là biểu tượng quan trọng thể hiện sự tin tưởng của Singapore vào tiềm năng của Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách nâng cấp và đa dạng hóa các VSIP để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo Đại sứ Jaya Ratnam, Singapore sẽ tiếp tục tìm cách nâng cấp và đa dạng hóa các VSIP để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Hướng tới tương lai, Việt Nam cũng đã ưu tiên tăng trưởng và phát triển nền kinh tế số để thích ứng và làm đòn bẩy trước các gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra. Đây là lĩnh vực mà Singapore và Việt Nam có cùng quan điểm. Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số được ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore đầu năm nay sẽ giúp hai bên triển khai hợp tác trong lĩnh vực này.
Chúng tôi cũng mong muốn phối hợp cùng nhau để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, an ninh mạng, dòng dữ liệu xuyên biên giới và thành phố thông minh.
Điều này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế của mỗi nước mà còn thu hút nhiều đầu tư hơn trong khu vực và tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu. Tiềm năng và tương lai của hợp tác kinh tế Singapore-Việt Nam thực sự rất tươi sáng!
Singapore và Việt Nam có thể hợp tác trong các hiệp định cũng như các sáng kiến kinh tế đa phương như thế nào, thưa Đại sứ?
Với tư cách là các quốc gia thành viên ASEAN, việc Singapore và Việt Nam tham gia các hiệp định kinh tế đa phương thể hiện cam kết của chúng ta đối với thương mại tự do và phát triển nền kinh tế của mỗi nước. Ví dụ, chúng ta đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chúng ta cũng là hai nước ASEAN duy nhất có FTA với Liên minh châu Âu.
Chúng ta nên tận dụng các thỏa thuận này và các nền tảng mà các thỏa thuận tạo ra để đảm bảo rằng khu vực của chúng ta vẫn có tính cạnh tranh. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển nhanh chóng, chúng ta cũng nên tiếp tục hướng tới tương lai và khám phá nhiều quan hệ đối tác hơn với khu vực và xa hơn nữa, trong các lĩnh vực như FinTech, giải pháp số và nền kinh tế xanh.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. |
Song song với việc tham gia các hiệp định đa phương, Singapore cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, để đảm bảo rằng bước tiến của chúng ta luôn bền vững và liên tục nâng cao trình độ người dân nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay.
Tôi vui mừng chia sẻ rằng Việt Nam là đối tác số một của Chương trình Hợp tác Singapore (SCP) và chúng tôi mong muốn mở rộng một số chương trình SCP, đặc biệt là khi biên giới đã mở cửa trở lại sau đại dịch.
Trong bối cảnh hai nước sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023, Đại sứ có thể chia sẻ những trọng tâm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, công nghệ và giao lưu nhân dân?
Quan hệ Singapore-Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1973. Năm 2023, chúng ta không chỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà còn kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Chúng ta có thể đạt được những tiến bộ đáng kể như vậy là nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo hai nước, chương trình nghị sự song phương tiến bộ và mối quan hệ giao lưu nhân dân đặc biệt.
Trước sự đánh giá cao và coi trọng của Singapore đối với Việt Nam, nhân dịp này, chúng tôi hy vọng sẽ duy trì động lực trao đổi cấp cao sang năm 2023, đặc biệt là khi biên giới của chúng ta đã mở cửa trở lại mà không cần xét nghiệm trước khi bay ở cả hai nước.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc kỷ niệm dấu mốc quan trọng này.
Điều quan trọng là phải thể hiện toàn bộ phạm vi hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và chúng tôi rất mong đợi một loạt sự kiện thú vị sẽ được tổ chức để kỷ niệm dịp trọng đại này.
Xin cảm ơn Đại sứ!