Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo. |
Ngay sau khi kết thúc các hoạt động nghị viện đa phương và song phương tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Bỉ từ ngày 8-9/9.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo đã có cuộc trao đổi với TG&VN.
Đại sứ có thể cho biết mục đích, ý nghĩa và những nội dung quan trọng trong chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Bỉ lần này?
Chuyến thăm Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao ta sang châu Âu sau hơn 2 năm không có trao đổi đoàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thể hiện quyết tâm của cả hai phía duy trì quan hệ gắn bó, hỗ trợ nhau vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đây cũng là hoạt động đối ngoại quan trọng trong khuôn khổ các nỗ lực “ngoại giao vaccine” của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nhằm huy động tối đa nguồn lực quốc tế cho phòng chống dịch Covid-19.
Thứ hai, chuyến thăm được tiến hành vào thời điểm đặc biệt, khi cả EU và Việt Nam đều bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội/Nghị viện khóa mới, hai bên đang xúc tiến triển khai các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, nên càng có ý nghĩa quan trọng, giúp hai bên định hướng hợp tác thời gian tới hiệu quả, thực chất, gắn kết lợi ích và bắt kịp các xu hướng vận động mới của thế giới.
Thứ ba, chuyến thăm cũng đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với EU và Bỉ. Cơ quan lập pháp hai bên có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng pháp lý, giám sát hợp tác. Việc tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp sẽ giúp hai bên rà soát và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, tăng cường xây dựng lòng tin, giải quyết các vấn đề còn tồn tại và thu hẹp khác biệt.
Trên cơ sở tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm, các nội dung làm việc của đoàn lần này cũng rất thực chất. Chủ tịch Quốc hội sẽ gặp Lãnh đạo cấp cao của EU và Bỉ, làm việc với các Ủy ban, nhóm đảng trong Nghị viện EU và Bỉ, gặp doanh nghiệp, dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.
Trong các cuộc làm việc, hai bên dự kiến trao đổi về những bước phát triển gần đây của quan hệ giữa Việt Nam với EU và Bỉ, các biện pháp tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng mà EU, Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững, kết nối hạ tầng, khoa học kỹ thuật, hợp tác hậu dịch Covid-19…
Nhân chuyến thăm, dự kiến nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng, giá trị lớn sẽ được ký kết. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, như hợp tác ASEAN-EU.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thương mại hai chiều Việt Nam-EU vẫn đạt 50 tỷ USD năm 2020 (Việt Nam xuất khẩu 35 tỷ USD, nhập khẩu 15 tỷ USD), riêng 5 tháng cuối năm 2020 sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, kim ngạch tăng 4,5%, nửa đầu năm 2021 tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. |
Xin Đại sứ cho biết đánh giá về tình hình và triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và EU thời gian qua, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA)?
Quan hệ Việt Nam - EU thời gian qua đã có những bước tiến dài, được chính EU đánh giá là “hình mẫu” quan hệ với châu Á, trong đó đáng chú ý nhất là việc xây dựng được khuôn khổ vững chắc cho quan hệ thông qua một loạt cơ chế song phương và các thỏa thuận, hiệp định hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có EVFTA và EVIPA.
EVFTA là một trong những hiệp định hợp tác quan trọng nhất của Việt Nam với EU. Do đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao hàm rất nhiều nội dung hợp tác và các cam kết trong nhiều lĩnh vực, nên sẽ tạo động lực thúc đẩy hợp tác quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - EU.
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế, xã hội toàn thế giới. Năm 2020, khu vực EU bị ảnh hưởng nặng của dịch, đến năm 2021 dịch tại châu Á diễn biến phức tạp hơn, gây ra hệ quả xấu đến nền kinh tế, nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề khó khăn trong logistic…
Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thương mại hai chiều Việt Nam-EU vẫn đạt 50 tỷ USD năm 2020 (Việt Nam xuất khẩu 35 tỷ USD, nhập khẩu 15 tỷ USD), riêng 5 tháng cuối năm 2020 sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, kim ngạch tăng 4,5%, nửa đầu năm 2021 tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Cả Việt Nam và EU đều được dự báo đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm 2021-2022. Có thể thấy, EVFTA góp phần quan trọng giúp cả hai nền kinh tế duy trì và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giữ vững đà phát triển.
Về triển vọng hợp tác Việt Nam-EU, tôi cho rằng EU là đối tác quan trọng của Việt Nam cả về chính trị, kinh tế, an ninh, phát triển bền vững, khoa học công nghệ….
Riêng về kinh tế, EU có GDP hơn 15.000 tỷ USD, dân số 450 triệu người, sở hữu công nghệ cao, công nghệ nguồn. Nền kinh tế hai bên có tính bổ trợ lẫn nhau nên tiềm năng hợp tác kinh tế càng lớn, nhất là trong các lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Tuy nhiên, nhìn lại 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU, hợp tác kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
EU hiện mới có hơn 2.200 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 22 tỷ USD, chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua EVIPA, nhưng đến nay mới có 8/27 nước thành viên EU phê chuẩn hiệp định này.
Do vậy, nhiệm vụ quan trọng sắp tới là phải tiếp tục thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA, phối hợp triển khai hiệu quả EVFTA, đồng thời tích cực mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới dự Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, ngày 7/9 tại Vienna, Áo. (Nguồn: TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến có chương trình nghị sự bận rộn tại Bỉ. Đại sứ có thể cho biết thêm về các hoạt động trong chuyến thăm?
Ngoài mục tiêu làm sâu sắc quan hệ với EU và Bỉ và nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn tạo cơ hội quan trọng để thúc đẩy kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với EU và Bỉ, góp phần giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp diễn.
Dự kiến trưa 9/9, Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và doanh nghiệp sẽ tiếp và làm việc với một số doanh nghiệp lớn của Bỉ và EU như DEME (năng lượng tái tạo), DEEP-C (cảng biển, kinh doanh khu công nghiệp), IPEI (cảng biển, logistics), Exxon Mobil, Orsted Đan Mạch, GC International Hà Lan, FESSI, Nike…
Ngoài ra, các đại diện Việt Nam sẽ tham gia ký kết nhiều thỏa thuận về đầu tư, hợp tác y tế với Bỉ và một số nước EU dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao.
Đại sứ nhận định như thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ thời gian qua và tiềm năng phát triển quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch?
Việt Nam và Bỉ chia sẻ nhiều điểm đồng, nổi bật nhất đều là “cửa ngõ” để thâm nhập các thị trường ASEAN và EU rộng lớn và năng động. Quan hệ Việt -Bỉ đã được nâng lên tầm cao mới thông qua việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp (2018) và trở thành đối tác tin cậy của nhau trong khuôn khổ EVFTA.
Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Bỉ tại ASEAN sau Singapore. Gần đây, làn sóng doanh nghiệp Bỉ đến Việt Nam cũng đang có xu hướng gia tăng mạnh, đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu như năng lượng tái tạo, cảng biển, hạ tầng cơ sở…
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), hai nước còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ trên mọi phương diện chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác tại các cơ chế đa phương và khu vực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực.
Kim ngạch thương mại Việt Nam-Bỉ tăng đều trong giai đoạn 2013-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Bỉ năm 2019 đạt khoảng 3,1 tỷ USD. Do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 chỉ đạt 2,7 tỷ USD. Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Italy). Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư ngày 24/1/1991. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Bỉ vào Việt Nam, tính đến tháng 7/2021, có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. |
Đại sứ quán - Phái đoàn đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU cũng như Việt Nam và Bỉ?
Là cơ quan đại diện của Việt Nam tại cả EU và Bỉ, Đại sứ quán - Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Bỉ thời gian qua.
Thứ nhất, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Đại sứ quán - Phái đoàn đã làm tốt nhiệm vụ tìm hiểu tình hình sở tại, nhất là những diễn biến nhanh chóng của chính trị, kinh tế, xã hội EU, ảnh hưởng của đại dịch, nắm bắt nhanh chóng những chiến lược, chính sách lớn của EU, đặc biệt là những chính sách có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Từ đó, Đại sứ quán đã tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển hợp tác toàn diện, sâu sắc với EU và Bỉ trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đóng góp vào những thành quả trong quan hệ.
Thứ hai, là cơ quan đại diện “tác chiến” tại địa bàn, Đại sứ quán - Phái đoàn đã trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao, tổ chức các cơ chế hợp tác và vận động ký kết, phê chuẩn các thỏa thuận, hiệp định quan trọng, gần đây nhất là việc vận động Nghị viện EU (EP) phê chuẩn EVFTA với một quá trình vận động bài bản.
Thứ ba, Đại sứ quán - Phái đoàn rất tích cực làm cầu nối của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tới EU và Bỉ, giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên liên kết với nhau, tìm kiếm và mở đường hợp tác trong những lĩnh vực Bỉ và EU có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, ngoại giao cảng biển, kinh tế số, biến đổi khí hậu...
Tin liên quan |
Đại sứ Paul Jansen: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ củng cố quan hệ Bỉ-Việt Nam |
Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vaccine để có thể tiếp cận vaccine Covid-19 một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Thời gian qua, Đại sứ quán - Phái đoàn tại Bỉ đã nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine như thế nào, thưa Đại sứ?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác giữa Việt Nam với EU trong ứng phó đại dịch được triển khai tích cực trên mọi cấp độ.
Lãnh đạo Cấp cao hai bên đã có những trao đổi thường xuyên thông qua nhiều hình thức nhằm tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu đẩy lùi đại dịch, cũng như bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với vị trí trung tâm châu Âu, việc triển khai ngoại giao vaccine là một trọng tâm ưu tiên của Đại sứ quán - Phái đoàn tại các cuộc tiếp xúc, làm việc với chính giới, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức hữu nghị, báo giới và người dân sở tại.
Qua mạng lưới đối tác và bạn thân thiết tại EU-Bỉ, Đại sứ quán - Phái đoàn đã tích cực vận động các cơ quan liên của EU, đặc biệt là Tổng vụ Đối tác Quốc tế (INTPA) và Cơ chế bảo hộ dân sự của EU (UCPM), góp phần đẩy nhanh việc vận chuyển vaccine mà các nước thành viên EU dành tặng Việt Nam qua COVAX và song phương.
Đến nay các nước thành viên EU đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine; EU cũng có nhiều chương trình hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống y tế, nước sạch, vệ sinh ứng phó với đại dịch.
Về phía Bỉ, là một đất nước từng chịu nhiều thiệt hại và mất mát do đại dịch Covid-19, Chính phủ, cộng động doanh nghiệp, các hội đoàn và nhân dân Bỉ đã dành những tình cảm đặc biệt cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam bằng các hình thức hỗ trợ vaccine và các vật dụng, thiết bị y tế thiết yếu để kịp thời vận chuyển theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhân chuyến thăm Bỉ-EU lần này.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Tăng cường quan hệ Việt Nam với EU, Vương quốc Bỉ; thúc đẩy hợp tác trong phòng chống Covid-19 Chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này góp phần triển ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sự ổn định và phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới Sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ ... |