Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại châu Âu lần này sẽ tạo những dấu mốc mới với những “kết quả vượt mong đợi” và những “dự án giá trị lớn được ký kết”.
Trong khi dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện còn diễn biến phức tạp, việc Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và các chuyến thăm song phương cho thấy một quyết tâm rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam, vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế.
Các hoạt động ngoại giao vaccine, tìm các nguồn cung trang thiết bị y tế cũng là một trọng tâm trong chuyến công tác châu Âu lần này của Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, ngày 7/9. (Ảnh: TTXVN) |
Kết quả vượt mong đợi
Thủ đô Vienna của Áo, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam (từ 5-7/9), là trung tâm lớn thứ ba thế giới về ngoại giao đa phương (bên cạnh New York ở Mỹ và Geneva ở Thụy Sỹ) với nhiều trụ sở lớn của Liên hợp quốc và thế giới.
Hội nghị WCSP5 tổ chức tại Áo lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của IPU, làm sống động, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có hai bài phát biểu quan trọng gửi gắm thông điệp từ thực tiễn của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh ba điểm: người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia; thực hiện công bằng vaccine cho mọi người, củng cố hệ thống y tế tự cường, hợp tác sản xuất vaccine; Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.
Bên lề Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã có 12 cuộc tiếp xúc với các đoàn đại biểu Quốc hội châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Cuba…; các cuộc gặp với Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Chủ tịch Quốc hội còn dành thời gian gặp gỡ các Đại sứ Việt Nam tại 6 nước châu Âu gồm Áo, Hungary, Ba Lan, Czech, Đức và Slovakia cùng đông đảo đại diện kiều bào ta tại các nước này, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo và tiếp nhiều doanh nghiệp Áo.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên, với khoảng 20 hoạt động trong hai ngày, chuyến thăm làm việc tại Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thành công “vượt mong đợi”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli. (Nguồn: TTXVN) |
Những thỏa thuận giá trị
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (8-9/9) được đánh giá là diễn ra vào “thời điểm đặc biệt”, khi cả EU và Việt Nam đều bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội/Nghị viện khóa mới, với các Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo, quan hệ Việt Nam - EU thời gian qua đã có những bước tiến dài, xây dựng được khuôn khổ vững chắc cho quan hệ thông qua một loạt cơ chế song phương và các thỏa thuận/hiệp định hợp tác quan trọng.
Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thương mại hai chiều Việt Nam - EU vẫn đạt 50 tỷ USD.
"Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đây là phái đoàn nước ngoài lớn nhất đến thăm Bỉ. Chúng tôi hy vọng, tình hữu nghị giữa hai sẽ được tiếp tục được củng cố, hợp tác trên các lĩnh vực được tăng cường". (Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen) |
Trong khi đó, Việt Nam và Bỉ chia sẻ nhiều điểm tương đồng, đều là “cửa ngõ” để thâm nhập các thị trường ASEAN và EU rộng lớn, năng động. Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bỉ tại ASEAN.
Trên cơ sở tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc làm việc với Lãnh đạo cấp cao của EU và Bỉ, các Ủy ban, nhóm đảng trong Nghị viện EU và Bỉ, một số doanh nghiệp lớn của Bỉ, dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.
“Nhân chuyến thăm, nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng, giá trị lớn được ký kết”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết.
Dấu mốc hợp tác mới
Chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (10-11/9) là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 28 năm, tạo dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước; thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Bắc Âu và Baltics.
Trong hơn 4 thập niên, Phần Lan luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác ưu tiên phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển không hoàn lại không điều kiện với tổng giá trị hơn nửa tỷ Euro ở những lĩnh vực hết sức thiết thực như xây dựng hệ thống nước sạch, xóa đói giảm nghèo, khai thác và bảo tồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo….
Theo Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm, ngoài việc duy trì củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, lãnh đạo Việt Nam và Phần Lan sẽ trao đổi nhằm khai thác hiệu quả hơn tính bổ sung giữa hai nền kinh tế.
“Các cuộc tiếp xúc dày đặc của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác với các Lãnh đạo cao nhất của Phần Lan, các vùng kinh tế sôi động, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy để nhiều dự án được triển khai trong thời gian tới”, Đại sứ nói.
***
Với ba điểm đến trong bảy ngày, chuyến công tác châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là sự kết hợp đối ngoại đa phương và đối ngoại song phương, ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước; qua đó góp phần xây dựng quan hệ ở cấp lãnh đạo chủ chốt của nước ta với các nước, thúc đẩy mở rộng đối ngoại nhân dân và triển khai ngoại giao vaccine.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng góp phần thực hiện ngoại giao phục vụ kinh tế, thúc đẩy việc thực thi EVFTA, vận động nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA; giúp khẳng định chủ trương của Việt Nam duy trì môi trường ổn định, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch. Những kết quả của chuyến thăm cũng là sự triển khai thiết thực Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Tại Vienna, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi tuyên bố tặng Việt Nam ba bộ trang thiết bị theo công nghệ nguyên tử chẩn đoán Covid-19 sớm trị giá gần 500.000 USD; một doanh nghiệp nghiên cứu về y tế của Israel hoạt động tại Áo tặng Việt Nam 1,5 triệu kít xét nghiệm nhanh Covid-19 trị giá 6 triệu Euro… Trang Die Meinung (Áo): Chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, tăng cường hợp tác đa phương và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Brussels, bắt đầu thăm làm việc với EP và Vương quốc Bỉ Sáng 8/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam ... |
| Chủ tịch Quốc hội thăm EU và Bỉ: Nhiều dư địa phát triển quan hệ, nhiều thỏa thuận sẽ được ký kết Theo Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo, chuyến thăm làm ... |