Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tưởng nhớ đến sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một hoạt động thiết thực nhằm đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu kiều bào, những người luôn mong được một lần đặt chân đến Côn Đảo, nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc...
Đồng thời, hoạt động này nhằm khơi dậy lòng tự hào của thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống yêu nước và bất khuất của dân tộc ta.
Cùng với các hoạt động tâm linh, trong chuyến về nguồn này, đồng bào, chiến sĩ và du khách trong và ngoài nước sẽ được biết đến Côn Đảo nói riêng và Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, không chỉ là mảnh đất kiên cường, anh dũng trong kháng chiến mà còn là địa danh nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, một điểm du lịch kỳ thú đang thu hút nhiều dự án đầu tư lớn.
Đại lễ cầu siêu tại Nghĩa trang Hàng Dương và Cầu tàu 914 không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Ngoài việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, biết ơn các bậc cha anh đã hy sinh giành độc lập tự do cho đất nước thì đây còn là hoạt động thể hiện rõ tôn chỉ mục đích của các tổ chức Phật giáo, đó là “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Hơn 200 tăng ni, phật tử trong nước và các tăng ni, phật tử sinh sống tại nước ngoài cùng thực hiện Đại lễ cầu siêu này.
Trong chương trình nghệ thuật Huyền thoại Côn Đảo, là những bài ca đi cùng năm tháng, nhằm ca ngợi cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta; ca ngợi tinh thần bất khuất của các chiến sĩ trong lao tù bị địch tra tấn dã man nhưng giữ vững lòng kiên trung đối với Đảng, với cách mạng...
Ngoài ra còn có bài hát ca ngợi tinh thần lao động hăng say của công nhân, nông dân, trí thức trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt chương trình nghệ thuật có giao lưu với các nhân chứng lịch sử, cựu tù chính trị như: bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; đại diện người dân đã sinh sống nhiều năm tại Côn Đảo…
*
Đối với mỗi người dân Việt Nam, cái tên Côn Đảo luôn gợi nhớ về một thời đau thương và hào hùng của dân tộc. Côn Đảo đã trở thành mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc, bởi chính ở nơi hải đảo xa xôi này, suốt 113 năm (từ 1862-1975), với 53 đời chúa đảo cai trị nhà tù Côn Đảo, với hệ thống trại giam tàn khốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, khoảng 20 ngàn người Việt Nam đã chết và chôn cất tại đây.
Trên mảnh đất Côn Đảo hiện còn chứa đựng biết bao sự kiện, chứng tích lịch sử về một thời hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cũng chính ở nơi đây, nhiều người con ưu tú của dân tộc, những chiến sĩ cách mạng giàu lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong… Đặc biệt là Võ Thị Sáu, người con gái của quê hương Đất Đỏ, người anh hùng được ví như ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong lòng nhân dân cả nước.
Giờ đây, bất cứ ai đến Côn Đảo, thăm Nghĩa trang Hàng Dương, thăm hệ thống nhà tù tại đảo như Chuồng cọp, Chuồng bò, xà lim, Bãi đập đá của tù khổ sai, Cầu tàu 914… đều không khỏi rùng mình trước những tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời khâm phục trước khí phách kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh dưới ách ngục tù của kẻ thù.
Vì những lý do như vậy, kể từ sau ngày giải phóng đến nay, lần đầu tiên một lễ cầu siêu và chương trình nghệ thuật có quy mô lớn được tổ chức tại Côn Đảo đã đáp ứng được tình cảm, tâm nguyện từ lâu của nhân dân cả nước để tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ mãi nằm lại ở Côn Đảo. Qua đó giới thiệu với đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu nói chung, không chỉ là mảnh đất kiên cường, anh dũng trong kháng chiến mà giờ đây đã trở thành địa danh nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, một “thiên đường du lịch” và nhiều dự án đầu tư lớn.
Cúc Dân