Đại biện lâm thời Australia tại Việt Nam Mark Tattersall trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Tối 29 /11 (giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quân sự Fairbairn ở thủ đô Canberra, bắt đầu thăm chính thức Australia (từ 30/11-3/12) theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Đại biện lâm thời Australia tại Việt Nam Mark Tattersall đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và bày tỏ tin tưởng vào những cơ hội hợp tác mới nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Xin ông đánh giá ý nghĩa chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Australia vào thời điểm này là điều đặc biệt ý nghĩa. Chúng ta đang tiến gần đến dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 và thật vui khi thấy một phái đoàn tầm cỡ và ý nghĩa như thế này đến Australia trước dịp kỷ niệm đó.
Đây cũng là cơ hội để hai bên nhìn lại những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong 50 năm qua và hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang thăm đất nước chúng tôi với tư cách là khách mời của Quốc hội Australia theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick và Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines. Đáng chú ý, ông là chức sắc nước ngoài đầu tiên được mời bởi Quốc hội Australia kể từ cuộc bầu cử Chính phủ mới của chúng tôi cách đấy 6 tháng.
Ngoài ra, trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ gặp gỡ một loạt nhà lãnh đạo cấp cao của Australia, bao gồm Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Giáo dục... cũng như tham dự chương trình liên quan đến giáo dục ở Melbourne.
Do vậy, đây chắc chắn là một chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa và sẽ tạo một nền tảng tốt để tăng cường quan hệ song phương đến năm 2023 và hơn thế nữa.
Vừa rồi, ông nhắc đến sự hợp tác nghị viện và lời mời của Quốc hội Australia dành cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Vậy hợp tác nghị viện giữa hai nước Việt Nam-Australia trong thời gian qua có những dấu ấn gì nổi bật?
Việt Nam và Australia đã có lịch sử hợp tác lâu dài giữa các cơ quan nghị viện hai nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng với những người đồng cấp Australia xem xét về tiến độ bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Quốc hội (ký năm 2013), cũng như thảo luận về các sáng kiến mới mà chúng ta có thể thực hiện trong những năm tới.
Tôi tin rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có thể thấy những tiến bộ đáng kể về hợp tác nghị viện giữa hai nước trong những năm gần đây.
Chúng tôi đã và đang làm việc với Quốc hội Việt Nam, trong đó có Ủy ban Kinh tế, về nhiều vấn đề, từ cải cách đến Luật Chống rửa tiền ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang làm việc với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội để nâng cao năng lực trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng và phát triển bền vững.
Ngoài ra, thông qua việc thành lập Trung tâm Việt Nam-Australia tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ xem xét đào tạo và nâng cao năng lực hơn nữa cho Quốc hội, bao gồm cả lĩnh vực quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trong những năm tới.
Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay quân sự Fairbairn, thủ đô Canberra, tối 29 /11. (Nguồn: TTXVN) |
Ngoại giao nhân dân luôn chiếm một vị trí quan trọng, lâu bền trong quan hệ Việt Nam-Australia. Về mối liên kết con người với con người giữa hai nước chúng ta, ông có thể chia sẻ điều gì?
Đúng vậy, mối liên kết con người với con người giữa Australia và Việt Nam vô cùng quan trọng. Trước hết, cộng đồng người Việt Nam ở Australia khá đông đúc và là một trong những cộng đồng người nước ngoài thành công nhất tại đây.
Để bạn dễ hình dung, tôi có thể khẳng định rằng, Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều đứng thứ tư ở Australia hiện nay. Do đó, Việt Nam luôn là một đất nước thực sự gần gũi, thân thiết với nhiều người Australia và điều đó cũng đóng góp vào tình hữu nghị tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta còn có câu chuyện phi thường về mối quan hệ giáo dục. Australia trao học bổng đầu tiên cho một sinh viên Việt Nam vào năm 1974, chỉ vài tháng sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đến nay, chúng ta có mạng lưới cựu sinh viên với hơn 80.000 người Việt Nam đã từng học tập tại các trường đại học Australia và trở về Việt Nam. Chúng ta cũng có 24.000 sinh viên khác hiện đang học tập tại Australia và được hưởng nền giáo dục đẳng cấp thế giới cũng như đóng góp vào sự sôi động của đất nước chúng tôi.
Đáng chú ý, bản thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng từng là cựu sinh viên của một trường đại học Australia, ông đã từng học tại Đại học Swinburne vào đầu những năm 2000. Do đó, mối liên kết giữa con người với con người luôn là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam.
Theo ông, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực hợp tác nào?
Tôi nghĩ rằng, có một vài lĩnh vực hợp tác song phương mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chú trọng trong chuyến thăm của mình.
Một lĩnh vực không thể không nhắc đến là giáo dục. Như trên tôi đã đề cập, thời gian qua, sức mạnh của các mối liên kết giữa hai nước đã được tạo dựng thông qua hợp tác giáo dục đối với cộng đồng người Việt Nam, cựu sinh viên của các trường đại học Australia.
Thêm vào đó, chúng tôi có lợi ích rất lớn từ các trường đại học Australia đầu tư tại Việt Nam. Như bạn đã biết, trường đại học nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam là RMIT. Các tổ chức và trường đại học khác của Australia cũng đang làm việc để tìm cách đầu tư vào Việt Nam. Đó là một lĩnh vực thú vị để hợp tác.
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một phái đoàn doanh nghiệp lớn và chúng ta sẽ xem xét cách thức để mở rộng mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Hai nước chúng ta may mắn khi có các nền kinh tế không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực.
Năm 2021, chúng ta đã công bố Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia (EEES) để trở thành top 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Hai nước đã đạt được tiến bộ thực sự đáng kể trong lĩnh vực đó với thương mại song phương tăng hơn 22% chỉ trong năm ngoái và trong lĩnh vực nông nghiệp tăng hơn 90%. Do đó, tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ thấy sự bùng nổ hơn nữa ở các lĩnh vực này trong tương lai.
Điểm cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là hợp tác về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Cả Việt Nam và Australia đều đã đưa ra những cam kết đáng kể về mức phát thải ròng bằng 0 tại COP 26 ở Glasgow (Anh).
Đồng thời, hai nước chúng ta cũng đều phải đối mặt với những thách thức khá giống nhau trong việc đáp ứng các cam kết đó. Vì vậy, Australia cam kết hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Xin cảm ơn ông!
Sự kiện Hội ngộ và tôn vinh đóng góp của cựu sinh viên trong quan hệ Việt Nam-Australia, ngày 25/11, tại Hà Nội. (Nguồn: ĐSQ Australia tại VN) |