📞

Chủ tịch WEF: Sự cấp thiết của việc định hình cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

17:20 | 21/01/2018
Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa có bài viết đề cập đến những thách thức lớn, bao gồm vấn đề khí hậu và công nghệ mới, nhân dịp phát hành cuốn sách mới của ông mang tựa đề "Định hình cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". 

Việc đăng tải bài viết của Giáo sư Schwab cũng như sự kiện xuất bản cuốn sách của ông diễn ra chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị thường niên WEF, từ ngày 22-26/1 tại Davos (Thụy Sỹ), với chủ đề "Xây dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt".

Giáo sư Klaus Schwab và cuốn sách "Định hình cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" của ông. (Nguồn: VOA)

Theo bài viết, thế giới cần thay đổi quan điểm và cách tiếp cận để phát triển một chương trình hành động nhằm cứu vãn hành tinh. Năm 2005, WEF bắt đầu thúc đẩy một cuộc đối thoại đa ngành và nhấn mạnh tiềm năng hợp tác công-tư để giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu cấp bách, như biến đổi khí hậu, an ninh nước, từng tồn tại sự thiếu hợp tác đáng kể giữa các bên liên quan có ảnh hưởng tới những vấn đề này.

Hiện nay, dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng một thập kỷ cam kết công-tư với quy mô lớn bao gồm tất cả các bên liên quan đã giúp tạo ra một kế hoạch hành động mới, mang tính hợp tác hơn, với việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạch định chính sách nói, suy nghĩ và hành động rất khác so với thời điểm cách đây 10 năm khi đề cập đến vấn đề bảo vệ tầng sinh quyển của Trái đất.

Ngày càng có nhiều người nhận thức được sức mạnh của các công nghệ mới nổi trong việc biến đổi nền kinh tế, xã hội và chính bản thân con người. Các cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông hiện nay thường tập trung vào các vấn đề đạo đức, các giá trị và tác động xã hội của các công nghệ mới. Giờ đây, chúng ta thường tự hỏi làm thế nào trí thông minh nhân tạo có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng đến chúng ta, nếu các loại tiền ảo hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy hòa nhập xã hội cũng như các hoạt động tội phạm, hay chúng ta lo lắng về việc phải rèn luyện loại kỹ năng nào để phát triển trong một thời đại mà công nghệ ngày càng phổ biến và mạnh mẽ hơn. Thuật ngữ "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã trở nên phổ biến, cho thấy mức độ của tất cả những thay đổi đã được tiến hành.

Tuy nhiên, chúng ta không có đến 1 thập kỷ trước mắt để thay đổi dần dần tư duy trước khi hành động và đáp ứng những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tốc độ, quy mô và phạm vi của những thay đổi được khởi động ngày hôm nay, cùng với thực tế là các doanh nhân, các xã hội và các nhà hoạch định chính sách lúc này đã tạo ra các quy tắc, tiêu chuẩn, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xung quanh các công nghệ mới. Điều đó có nghĩa nếu chúng ta không thay đổi tư duy kịp thời thì sẽ là quá muộn trong 10 năm nữa. Lúc bấy giờ, cấu trúc của các công nghệ mới sẽ ít nhiều được xác định và các quan điểm cũng như giá trị của những người đã tạo ra các công nghệ sẽ được tích hợp hoàn toàn vào nhiều công nghệ xung quanh chúng ta và sẽ trở thành một phần của chúng ta.

Tư duy và hành động xung quanh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một kiểu lãnh đạo mới, một cách tiếp cận mà được gọi là lãnh đạo hệ thống. Lãnh đạo hệ thống có nghĩa là khi nói đến các công nghệ mới, chúng ta không được dừng lại ở quan niệm về các công nghệ mới này mà còn cần xem xét cách thức các công nghệ mới này được dẫn dắt và quản lý ra sao, những giá trị mà các công nghệ này thể hiện và ảnh hưởng của chúng tới con người, từ tất cả các tầng lớp xã hội.

Cách suy nghĩ và hành động mới cần thiết cho tất cả các đối tượng, bao gồm các cá nhân, các lãnh đạo doanh nghiệp, những người có ảnh hưởng và các nhà hoạch định chính sách. Nhưng vai trò và quyền hạn khác nhau của các bên liên quan đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội khác nhau để các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân bước vào thời đại ngày nay.

Nhiệm vụ cấp bách nhất của các chính phủ là mở ra không gian cho những cách tiếp cận mới trong lĩnh vực quản trị công nghệ. Đặc biệt, các chính phủ cần phải chấp nhận khái niệm "quản trị công nghệ nhanh và phù hợp”, kết hợp tính linh hoạt, và khả năng thích ứng của chính các công nghệ và các bên tham gia trong khu vực tư nhân chấp nhận các công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc suy nghĩ về các quy định mới cần thiết tiềm tàng nhưng cũng còn cả việc tìm ra các cách thức mới để tạo ra và cập nhật các quy định theo thời gian thông qua việc cộng tác với các lĩnh vực khác.

Đối với các doanh nghiệp, chiến lược quan trọng nhất là thử nghiệm nhiều hơn, đồng thời đầu tư vào con người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn đang trong giai đoạn đầu và tiềm năng của các công nghệ mới vẫn chưa được lĩnh hội đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán một vài tính năng động của cuộc cách mạng, bao gồm thực tế là sự gián đoạn đang ngày càng gia tăng từ khu vực ngoại vi các ngành công nghiệp và các tổ chức. Chỉ bằng cách thử nghiệm trực tiếp với công nghệ, các tổ chức mới có thể khám phá những gì công nghệ có thể mang lại. Vì những thử nghiệm được tiến hành tốt hơn cả bởi những người gần gũi với doanh nghiệp, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nỗ lực được tiến hành một cách hài hòa để hoàn thiện đội ngũ nhân viên và áp dụng tư duy kinh doanh.

Cuối cùng, đối với các công dân, hành động quan trọng nhất là tham gia các vấn đề này và tiếng nói của họ cần được lắng nghe với tư cách của những cử tri, người tiêu dùng, nhân viên, thành viên của các tổ chức xã hội dân sự và lãnh đạo cộng đồng. Mỗi người cần có trách nhiệm với các thế hệ tương lai, để đảm bảo rằng họ có thể sống và tìm thấy ý nghĩa trong một tương lai công nghệ, cởi mở và bền vững.

 

(theo TTXVN)