📞

Chủ tiệc cần làm gì để giảm "nóng" khi có tranh luận trong bữa tiệc?

N.L.T 11:01 | 09/01/2020
TGVN. Tranh luận nho nhỏ sẽ giúp “sưởi ấm” không khí bữa tiệc nhưng nếu gay gắt quá thì “cái nóng” lại làm hỏng cả bữa tiệc.    

Việc trò chuyện trong bữa tiệc thường dẫn đến tranh luận. Câu chuyện tại một bữa tiệc sẽ rất nhàm chán nếu mọi người đều đồng ý với nhau hoặc chỉ nói mãi chuyện xã giao. Các cuộc tranh luận nho nhỏ về các chủ đề khác nhau sẽ giúp bữa tiệc có thêm nhiều màu sắc, nhưng nếu tranh luận gay gắt quá thì sẽ làm hỏng cả buổi tiệc.

Vì thế, trách nhiệm của chủ tiệc là phải chú ý quan sát để có thể chuyển đề tài trước khi việc trao đổi đi quá mức cần thiết. Chủ tiệc có thể đề nghị rót rượu mời, cạn ly chúc sức khỏe để mọi người quên đi câu chuyện vừa tranh luận.

Trong trường hợp tranh luận, khi khách có những ý kiến trái ngược nhau, tốt nhất là chủ tiệc nên đứng trung lập, không nên cư xử để một bên nào có cảm giác yếu thế. Việc chủ tiệc tham gia không khéo léo đôi khi lại đổ thêm dầu vào lửa. Nếu buộc phải có ý kiến, chủ tiệc có thể nhẹ nhàng nói "theo tôi nghĩ...", như vậy sẽ khó làm phật lòng vị khách có ý kiến khác bạn.

Nếu trong bữa tiệc, khi thực khách quay sang nói xấu ai đó vắng mặt hoặc chế giễu, nói cay độc về nhau, thì chủ tiệc cũng nên khéo léo chuyển hướng ngay câu chuyện, tránh câu chuyện đi quá xa với mục đích của bữa tiệc.

Nhìn chung, "trời đánh tránh bữa ăn", việc tranh luận nho nhỏ trong bữa tiệc là nên có, nhưng đây không phải là nơi quyết định chân lý cho những tranh luận đó.

Trò chuyện trong bữa tiệc là hoạt động xã giao, thực khách dự tiệc là để thưởng thức những món ăn mà chủ tiệc muốn thiết đãi. Đừng để các vị khách đi dự tiệc nhưng ra về trong ấm ức hoặc phải chịu đói, bởi những cuộc tranh luận quá gay gắt.