📞

Chưa kịp phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu lại 'hứng đòn' từ xung đột Nga-Ukraine

Diệu Linh 19:22 | 07/03/2022
Theo tờ The New York Times, căng thẳng Nga-Ukraine đang làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất mong manh sau “cú đánh” của đại dịch Covid-19.

Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine, một quốc gia rộng lớn nằm trên tuyến đường kết nối châu Âu và châu Á.

Trước tình hình này, nhiều chuyến bay đã bị hủy bỏ hoặc phải đổi tuyến bay, gây áp lực lên khả năng vận chuyển hàng hóa và làm gia tăng lo ngại về sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục xảy ra.

Xung đột Nga-Ukraine đang gia tăng áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu. (Nguồn: ETFTrends)

“Đổ thêm dầu vào lửa”

Nhiều sản phẩm nguyên, nhiên liệu đầu vào không được cung cấp kịp thời như hợp chất platinum, nhôm, dầu hướng dương, dầu thô và thép, khiến các nhà máy ở châu Âu, Nga và Ukraine có nguy cơ phải đóng cửa. Ngoài ra, căng thẳng leo thang còn làm cho giá năng lượng tăng vọt, đẩy chi phí vận chuyển lên cao hơn.

Các công ty toàn cầu cũng đang lo lắng khi phải cắt đứt giao dịch thương mại với các đối tác Nga để tuân thủ những lệnh trừng phạt sâu rộng nhất mà các nước phương Tây áp đặt đối với một cường quốc kinh tế lớn, kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh.

Sau hơn hai năm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch, những thách thức mới đang “khoét sâu hơn vào các mắt xích”, khiến quá trình vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ, chi phí giao hàng cao hơn. Hậu quả là các mặt hàng sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu đều tăng giá.

Mặc dù tác động kinh tế từ cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga vẫn chưa rõ ràng, song nhiều ngành công nghiệp đang phải lên phương án chuẩn bị cho các tình huống sẽ tồi tệ hơn.

Bà Laura Rabinowitz, một luật sư thương mại tại Công ty Greenberg Traurig, cho biết: “Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị tổn thương và căng thẳng vì đại dịch”.

Theo bà Rabinowitz, tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine đối với từng ngành công nghiệp sẽ khác nhau và phụ thuộc vào thời gian của cuộc đụng độ, nhưng chắc chắn chúng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn hơn, do chuỗi cung ứng vốn đã bị tổn thương.

Bà nói: “Vẫn còn tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các khu cảng biển ở Mỹ. Chi phí vận chuyển hàng hóa hiện rất cao và việc nhiều nhà máy tại châu Á phải đóng cửa để đối phó với dịch bệnh vẫn là một vấn đề”.

Những công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp như các nhà sản xuất ô tô đã và đang cảm nhận được một loạt tác động tiêu cực.

Nhà sản xuất Volkswagen đã thông báo ngừng sản xuất ô tô điện tại nhà máy chính của hãng này, nhưng đến ngày 1/3 lại tiếp tục thông báo sẽ tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy khác nữa trong những tuần tới, bao gồm cả nhà máy chính ở bang Wolsburg của Đức, do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào ở tất cả các khâu sản xuất.

Ukraine và Nga đều là những quốc gia quan trọng trong mạng lưới cung cấp hợp chất palladium và platinum cho thế giới. Các hợp chất này được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác của động cơ, cũng như nhôm, thép và chrome.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn đang thận trọng để mắt tới lượng dự trữ neon, xenon và palladium toàn cầu, vì vai trò thiết yếu của chúng trong những sản phẩm của họ. Các nhà sản xuất khoai tây chiên và mỹ phẩm có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu dầu hướng dương, mà phần lớn trong số đó được sản xuất ở Nga và Ukraine.

Thậm chí, tình trạng căng thẳng kéo dài có thể đe dọa đến vụ thu hoạch lúa mì vào mùa Hè tới đây tại cả Nga và Ukraine.

Lúa mì do hai nước này sản xuất là nguồn cung cấp chính nguyên liệu để sản xuất bánh mì, mì ống (pasta) và các loại thực phẩm đóng gói khác cho người dân sở tại và cả ở châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Giá lương thực thế giới đã tăng vọt do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nước nghèo hơn.

Ngày 1/3, “gã khổng lồ” vận tải biển toàn cầu Maersk thông báo sẽ tạm dừng tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Nga bằng đường biển, đường hàng không và đường sắt, ngoại trừ hàng thực phẩm và thuốc men. Ocean Network Express, Hapag-Lloyd và MSC, các hãng vận tải biển lớn khác trên toàn thế giới, cũng đã có các thông báo tương tự.

Các công ty quốc tế cũng đang cố gắng tuân thủ các biện pháp trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu do Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia khác đề ra, nhằm kìm hãm dòng chảy hàng hóa và tiền ra, vào Nga.

Jennifer McKeown, người đứng đầu mảng dịch vụ kinh tế toàn cầu tại Tổ chức Capital Economics, nhận định nền kinh tế toàn cầu dường như tương đối cách biệt với những căng thẳng đang xảy ra. Tuy nhiên, sự thiếu hụt một số nguyên liệu quan trọng như palladium và xenon, được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và ô tô, có thể làm tăng thêm các khó khăn mà những ngành công nghiệp này đang phải đối mặt.

Hiệu ứng domino

Chỉ vài ngày trước, các chính phủ phương Tây đã cấm một số ngân hàng Nga tham gia vào hệ thống thanh toán SWIFT, tạo ra sự hạn chế về khả năng hỗ trợ đồng Ruble của ngân hàng trung ương nước này, cắt đứt các chuyến vận tải chở hàng hóa công nghệ cao và đóng băng tài sản toàn cầu của các nhà tài phiệt Nga.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chỉ riêng hạn chế về công nghệ sẽ ngăn khoảng 1/5 lượng hàng nhập khẩu của Nga.

Tuy nhiên, Giáo sư về Chính sách thương mại tại Đại học Cornell, Eswar Prasad, cho biết tác động đối với thương mại từ biện pháp hạn chế tài chính có thể còn lớn hơn khi cắt đứt nhập khẩu và xuất khẩu của Nga sang gần như tất cả các đối tác thương mại lớn.

“Ngay cả khi các luồng thương mại vẫn có thể diễn ra trực tiếp giữa Nga và các đối tác thương mại, thì thực tế là các khoản thanh toán thường phải được thực hiện thông qua hệ thống tài chính do phương Tây thống trị và đồng tiền của phương Tây”, Giáo sư Eswar Prasad phân tích.

Trong một tuyên bố ngày 26/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU và các đồng minh đã “quyết tâm tiếp tục áp đặt chi phí lớn lên Nga” và việc ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT cũng sẽ ngăn chặn hoạt động thương mại của Nga.

Bà nói: “Việc loại các ngân hàng khỏi SWIFT sẽ ngăn họ tiến hành hầu hết các giao dịch tài chính trên toàn thế giới và chặn xuất khẩu, cũng như nhập khẩu của Nga một cách hiệu quả”. Hậu quả kinh tế của những động thái này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Nga chỉ chiếm chưa đến 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, vì vậy tác động đối với các nước khác có thể sẽ được hạn chế phần nào.

Tuy nhiên, đối với chính phủ và kinh tế Nga, vì phụ thuộc vào thương mại để tạo ra doanh thu nên tác động có thể sẽ rất thảm khốc. Tổ chức nghiên cứu Capital Economics ước tính, GDP của Nga sẽ giảm 5% trong năm nay, trong khi nếu thiếu Nga, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ sụt giảm 0,2 điểm phần trăm.

Theo bà Caroline Bain, người đứng đầu bộ phận kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, các biện pháp trừng phạt tài chính đang ngăn cản thương mại của ngành hàng kim loại và hàng hóa nông nghiệp, có khả năng làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn tồn tại sẵn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà viện dẫn việc Credit Suisse và Société Generale đã quyết định đình chỉ tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng hóa với Nga, cũng như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).

Bà nói: “Đã có khá nhiều hành vi tự xử phạt đang diễn ra. Rõ ràng là mọi người đang khá lo lắng về việc ký hợp đồng mua hàng hóa của Nga khi mọi thứ đều không chắc chắn”. Mặc dù các chính phủ chưa công bố nhiều thông tin chi tiết cụ thể về loại giao dịch nào sẽ được phép, nhưng bà Bain cho rằng: “Chúng tôi tự hiểu là tất cả các hoạt động thương mại ngoài năng lượng đều đang được nhắm mục tiêu”.

Ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine cũng có thể lan qua một số ngành hàng khác, do sự gián đoạn mạng lưới hàng không mà các công ty sử dụng để vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu.

Các cảng biển xung quanh khu vực Biển Đen đã đóng cửa, khiến hàng chục tàu hàng ngừng hoạt động. Ông Eytan Buchman, Giám đốc tiếp thị của tập đoàn Freightos Group, một nền tảng đặt dịch vụ vận chuyển kỹ thuật số, cho biết những tác động tức thời hơn có thể sẽ xảy ra đối với các chuyến hàng giữa châu Á và châu Âu, hiện phải chuyển hướng ra ngoài không phận Nga.

(theo The New York Times)