📞

Chưa thể khiến Nga 'nản chí', phương Tây tính tung tiếp gói trừng phạt thứ 7?

Nga Đỗ 11:27 | 16/06/2022
Tổng lực tung "đòn trừng phạt" lên nền kinh tế Nga nhưng nhiều mục tiêu của phương Tây vẫn không đạt được. Sau gói trừng phạt thứ 6, EU đang tính chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 7.

Theo báo Độc lập của Nga, liên minh phương Tây nhiều khả năng sẽ gia tăng sức ép trừng phạt đối với Moscow.

Một số biện pháp trừng phạt đã được áp dụng, chẳng hạn như hạn chế đối với nguồn cung dầu sang châu Âu, sẽ được áp dụng hoàn toàn vào cuối năm nay, khi mà theo Liên minh châu Âu (EU), việc nhập khẩu tới 90% lượng dầu của Nga bằng tàu biển sẽ ngừng hoạt động.

Gói trừng phạt thứ bảy đang được chuẩn bị. Trong đó, Ba Lan đề xuất mở rộng lệnh cấm đối với tất cả các hãng vận chuyển và ngân hàng trong lĩnh vực năng lượng ở Nga.

Phương Tây nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt mới. (Nguồn: Reuters)

Nguy cơ lạm phát “nhập khẩu” kỷ lục

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đang thảo luận với châu Âu về các chế độ đặc biệt mới đối với việc mua dầu Nga. Thủ tướng Italy Mario Draghi đã kêu gọi các nước đang phát triển tham gia vào việc đưa ra các hạn chế đối với Nga.

Bà Elina Rybakova, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), cho biết sự sụt giảm xuất khẩu có thể phủ nhận những thành công đạt được trong quá trình phát triển kinh tế của Nga trong 15 năm qua.

Theo dự báo của Viện này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 sẽ giảm 15% (trong khi Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Phát triển Kinh tế dự đoán mức giảm là khoảng 8%). Năm 2023, xu hướng sụt giảm sẽ tiếp tục với mức giảm 3%, theo báo cáo của Viện IIF.

Tổ chức này cho rằng tiêu dùng tư nhân tại Nga cũng sẽ giảm, mặc dù triển vọng phục hồi được cho là sẽ tích cực hơn một chút do các hộ gia đình vẫn có thể tiếp cận với nguồn thanh khoản bằng đồng Ruble để duy trì sức mua. Đặc biệt, người dân Nga cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nghiêm trọng (28%) trong hoạt động nhập khẩu.

Theo giới chuyên gia, các lệnh trừng phạt do phương Tây áp dụng đối với Nga đã tạo ra một tình thế khó xử. Đó là Nga phải vừa đảm bảo duy trì các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, vừa không để xảy ra nguy cơ lạm phát “nhập khẩu” kỷ lục. Điều này khiến các dự báo về lạm phát ở Nga trở nên khó đảm bảo tính chính xác.

Sau khi hạ lãi suất cơ bản xuống mức 9,5%/năm vào cuối tuần trước, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho biết trong kịch bản cơ bản, lạm phát hàng năm ở Nga dự kiến sẽ đạt 14-17% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, người đứng đầu BoR, Elvira Nabiullina, nhận định rằng các yếu tố gây lạm phát còn bao gồm rủi ro từ việc các nhà sản xuất Nga đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Họ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong việc hoàn thiện chuỗi công nghệ, sản xuất và cung ứng. Nếu hàng tồn kho tiếp tục giảm và việc bổ sung vẫn khó khăn, điều này sẽ hạn chế năng lực sản xuất và có thể làm tăng áp lực lạm phát của nền kinh tế Nga.

Theo BoR, tình hình nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc tăng giá trong nước. Việc thiếu các mặt hàng nhập khẩu quan trọng sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong sản xuất, nhưng việc giao hàng, bao gồm cả theo tuyến nhập khẩu song song, có khả năng chịu tác động của lạm phát toàn cầu và phải chi trả quá nhiều cho dịch vụ hậu cần.

Tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), lạm phát hàng năm trong tháng Năm ước tính ở mức 8,1% - mức kỷ lục kể từ khi đồng Euro ra đời. Tại Mỹ, lạm phát hàng năm tăng nhanh lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, chạm ngưỡng 8,6% vào tháng Năm.

Ông Alexander Khaminsky, thành viên của Đại hội đồng Nước Nga kinh doanh, thừa nhận rằng kinh tế Nga đang ở trong tình trạng bị cô lập có điều kiện, nhưng tác động của lạm phát ở phương Tây chắc chắn vẫn sẽ ảnh hưởng đến Liên bang Nga.

Ông giải thích: “Ngay cả khi chúng ta đang nói về việc nhập khẩu song song, thì các sản phẩm nhập khẩu vào Liên bang Nga theo cách này sẽ luôn tăng giá tại các thị trường sản xuất. Theo đó, các sản phẩm sẽ đến Nga với giá cao hơn. Nhưng tác động sẽ được phân biệt tùy thuộc vào việc sản phẩm được nhập khẩu là linh kiện hay thành phẩm.

Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Nga, với giả định lạm phát vào cuối năm 2022 sẽ ở mức 14-17%, các chuyên gia lo ngại rằng xu hướng tăng giá ở Nga sẽ chậm lại hơn nữa và thậm chí có thể rơi vào tình trạng giảm phát trong những tháng tới.

Theo chuyên gia Natalya Milchakova, dự báo này có vẻ thực tế vì nhập khẩu hiện đã giảm. Mặc dù các yếu tố ủng hộ lạm phát có khả năng xuất hiện trở lại vào cuối năm, nhưng điều này sẽ là do Nga tăng dòng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng trong quý IV/2022, lạm phát tiêu dùng có thể bắt đầu tăng trở lại, nhưng không nhiều như quý đầu tiên của năm.

Đồng thời, theo chuyên gia Natalya Milchakova, việc khôi phục nhập khẩu đương nhiên sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ và phần nào làm suy yếu đồng ruble. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán thời điểm và bản chất của tác động này, cũng như hậu quả đối với giá sản xuất trong nước.

Nga vẫn "sống khỏe"

Theo chuyên gia Valery Mironov, khi nói về tác động của lạm phát toàn cầu đối với kinh tế Nga, điều quan trọng cần lưu ý là thời kỳ lạm phát có thể kéo dài, vì tổng gánh nặng nợ trong nền kinh tế toàn cầu đã cao quá mức.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố khó đoán định tác động đến lạm phát từ nội bộ kinh tế Nga. Chẳng hạn, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Nga sẽ cần nguồn tài chính dồi dào. Điều này dẫn đến rủi ro lạm phát ở mức độ nhất định.

Tuy nhiên, nếu không có dòng vốn nước ngoài do ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận, chính phủ chỉ có thể dựa vào các khoản vay trong nước. Do vậy, việc duy trì lạm phát thấp là điều quan trọng, nếu không sẽ có một cuộc khủng hoảng mới về trái phiếu chính phủ ngắn hạn.

Phản ứng của toàn bộ người dân Nga là điều bất ngờ đối với phương Tây. Theo những người khởi xướng lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc từ chối cung cấp dịch vụ thẻ ngân hàng, đóng cửa doanh nghiệp, cấm cung cấp hàng loạt cho Nga, cắt đứt quan hệ khoa học và kinh tế lẽ ra đã làm gia tăng sự bất bình ở người Nga.

Nhưng hiệu ứng hóa ra lại ngược lại. 3/4 dân số Nga ủng hộ chính sách của đất nước, ngay cả khi các lệnh trừng phạt đã gây thiệt hại cho họ. Ngoài ra, một mục tiêu khác của lệnh trừng phạt - "ngừng cung cấp tài chính cho bộ máy quân sự Nga" - cũng không đạt được.

Năm 2022, các biện pháp trừng phạt không chỉ nhằm vào các chính trị gia, các doanh nghiệp quốc phòng và việc cung cấp một phần công nghệ, như trường hợp của năm 2014, mà còn nhằm vào người dân nói chung.

Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế cơ hội du lịch nước ngoài của hàng triệu người Nga do lệnh cấm bay đối với các máy bay Nga có nguy cơ bị bắt giữ. Một số quốc gia thuộc liên minh phương Tây đã ngừng cấp thị thực cho người Nga.

Nguồn cung hàng tiêu dùng, thiết bị gia dụng giảm. Khả năng thanh toán bằng thẻ ngân hàng đã bị chặn. Một trong những mục tiêu của các biện pháp trừng phạt rộng rãi như vậy là kích động sự bất mãn của người dân đối với chính phủ. Và mục tiêu này, rõ ràng, đã không đạt được.

Điều này được chứng minh qua kết quả của các cuộc điều tra xã hội học gần đây. Trung tâm Levada (được Bộ Tư pháp đưa vào danh sách các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một cơ quan nước ngoài) cho biết, lo ngại của người Nga về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã giảm bớt, cú sốc đầu tiên từ việc áp đặt cấm vận khốc liệt đã qua đi. Trong cuộc thăm dò hồi tháng 3/2022, 53% công dân bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt ở một mức độ nào đó. Đến cuối tháng Năm, con số này chỉ còn 38%.

Người dân cho rằng giá cả tăng cao là hậu quả chính của các lệnh trừng phạt chống Nga. Khoảng 19% người Nga được khảo sát lo ngại về sự biến mất của các loại hàng hóa cụ thể. Các công dân của Liên bang Nga cũng đang lo lắng về sự đóng băng dự trữ của Nga ở nước ngoài với số tiền lên tới 300 tỷ USD.

Trong khi đó, giới trẻ lo ngại hơn về những hạn chế trong hoạt động của thẻ Visa và Mastercard, cũng như sự "ra đi" của các thương hiệu phương Tây khỏi đất nước. Đồng thời, 3/4 số người được hỏi (75%) tin rằng Nga nên tiếp tục chính sách của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt.

Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Romir, chỉ số phản ánh đánh giá của người Nga về tình hình kinh tế trong nước đã tăng 7 điểm phần trăm từ ngày 30/5 đến ngày 5/6. Trong bối cảnh đó, theo tính toán của các chuyên gia thuộc Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á, trao đổi thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc có thể đạt mốc 200 tỷ USD vào năm 2024.

Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc các sản phẩm dầu mỏ, thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân, cá, sản phẩm trong ngành chăn nuôi gia súc… Đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng cường cung cấp thiết bị, phụ tùng thay thế, ô tô và đồ dùng gia đình, để thay thế các sản phẩm từ Liên minh châu Âu.

Giám đốc điều hành bộ phận thị trường Capital Univer Capital Artem Tuzov đánh giá, các biện pháp trừng phạt nhằm thay đổi chính sách của Nga đối với Ukraine đang không phát huy tác dụng.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy lệnh trừng phạt không có tác động tiêu cực đáng kể đến người dân Nga và nền kinh tế Nga. Do đó, không nên mong đợi những thay đổi trong chính sách của Nga đối với Ukraine từ các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

(theo Độc lập)