Hoạt động cập nhật kiến thức dành cho cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế, ngày 31/3/2016. |
Ngày 31/3, Chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng ngoại giao kinh tế và tham vấn địa phương, doanh nghiệp của Ban Chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế đã được tổ chức dành cho gần 80 đại diện là thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế và các cán bộ chủ chốt tại các đơn vị trong Bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì chương trình với sự tham gia của nhiều diễn giả tên tuổi trong nước và quốc tế như Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - Victoria Kwakwa; Giáo sư Trường Quản lý Nhà nước J.Kennedy - Đại học Harvard Arne Westad; Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - Nirukt Sapru; Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên; Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành…
Chia sẻ những vấn đề quan tâm chung
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của các chủ đề được thảo luận tại Hội thảo. Thứ trưởng cho rằng năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng trong việc chủ động, tích cực triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XII vừa qua.
Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia cùng các thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế đã trao đổi, thảo luận sôi nổi để có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn về những cơ hội, thách thức, nhiệm vụ và cách thức triển khai công tác Ngoại giao Kinh tế trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016-2020. Bà Victoria Kwakwa đã chia sẻ với các cán bộ Bộ Ngoại giao về dự án “Việt Nam đến năm 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện về cơ hội và thách thức phát triển dài hạn của Việt Nam. Bà Kwakwa cho rằng, bên cạnh chính sách phát triển kinh tế nhanh và mạnh mẽ, Việt Nam cũng cần đặc biệt quan tâm tới các chính sách bảo đảm công bằng trong phát triển và cơ hội tiếp cận dịch vụ cơ bản cho mọi người nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Giáo sư Đại học Harvard Arne Westad chia sẻ về các chính sách kinh tế và đối ngoại mới của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Ông nhận định, Trung Quốc cần Đông Nam Á nhiều hơn là Đông Nam Á cần Trung Quốc và tin tưởng rằng quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN hoàn toàn có thể cùng phát triển bổ trợ cho nhau, tạo yếu tố cộng hưởng để đưa nền kinh tế các nước Đông Nam Á trở thành trọng tâm, động lực phát triển kinh tế thế giới trong 20 năm tới.
"Chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng ngoại giao kinh tế và tham vấn địa phương, doanh nghiệp của Ban Chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế" thường niên do Bộ Ngoại giao tổ chức kể từ năm 2013 nhằm cập nhật kiến thức, tìm hiểu nhu cầu, định hướng hợp tác và các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, qua đó có cơ sở hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. |
Về lĩnh vực tài chính - tiền tệ, các diễn giả cùng chia sẻ quan điểm Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên, cải thiện thị trường tài chính vốn bị bóp méo trong nhiều năm qua để hướng tới phát triển bền vững và trở thành động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Mặc dù vậy, các học giả đều cùng quan điểm nợ công và thâm hụt ngân sách là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới và chỉ có đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng kinh tế thị trường triệt để và xây dựng nhà nước pháp quyền mới đảm bảo tận dụng được tốt nhất cơ hội hiện nay.
Nét mới trong Chương trình cập nhật kiến thức Ngoại giao Kinh tế năm nay là Ban Tổ chức đã mời Giám đốc Điều hành Amcham - Herb Cochran; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam JBAV - Shimon Tokuyama; Uỷ viên Hội đồng Eurocham - Miguel Garrido và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam như BIDV, FPT, Viettel, Vingroup, May 10... tọa đàm về những cơ hội, thách thức trong việc Việt Nam chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng và triển khai các Hiệp định thương mại tự do đã ký, cũng như yêu cầu phối hợp đối với Bộ Ngoại giao trong hoạt động ngoại giao kinh tế.
Đại diện các Hiệp hội thương mại Amcham, Eurocham, Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao đã tạo cơ chế kết nối giữa các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam để chia sẻ những vấn đề quan tâm chung. Các hiệp hội cũng “hiến kế” cho Bộ Ngoại giao những điểm quan trọng Việt Nam cần tập trung cao hơn nhằm tận dụng tốt nhất và hiệu quả nhất những cơ hội do đầu tư nước ngoài mang lại. Các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ chính sách đầu tư và những chuẩn bị của mình khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được triển khai, đồng thời đề xuất hướng hợp tác, hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.
Góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo vị thế mới
Xác định rõ hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại luôn dành ưu tiên cao phục vụ phát triển kinh tế. Sát cánh cùng các bộ, ban ngành phụ trách kinh tế đối ngoại, ngành Ngoại giao đã kiên trì tham mưu từ góc độ đối ngoại, vận động chính trị - ngoại giao thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các FTA mang tầm khu vực và liên khu vực.
Riêng năm 2015, Việt Nam đã kết thúc quá trình đàm phán hai FTA thế hệ mới gồm TPP và FTA với Liên minh châu Âu, ký hai FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có 15 thành viên Nhóm G20 đóng góp gần 90% GDP toàn cầu và hơn 80% tổng thương mại thế giới. Việc tham gia ngay từ đầu vào TPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và đi đầu trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy các lợi ích phát triển sát sườn của đất nước, đồng thời chủ động đóng góp vào việc xây dựng một cấu trúc khu vực ổn định, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng của Việt Nam nói riêng và các nước vừa và nhỏ nói chung. Trong 5 năm qua, Việt Nam cũng đã vận động thêm được 38 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng con số các nước đã công nhận đến nay lên 59 nước.
Để đạt được những thành tựu đó, ngành Ngoại giao đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và doanh nghiệp. Từ năm 2011-2015, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 120 hội nghị, tọa đàm, lớp tập huấn nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho trên 6.000 lượt cán bộ đối ngoại địa phương và các doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Những hoạt động đa dạng nói trên đã giúp doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ hơn về những cơ hội và thách thức do tiến trình hội nhập quốc tế mang lại, từ đó nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế từ cấp trung ương đến địa phương.
Từ góc độ kinh tế, những thành tựu của hội nhập kinh tế quốc tế đã làm thay đổi diện mạo kinh tế đối ngoại của đất nước. Nếu như vào thời điểm 1986, hàng hóa Việt Nam mới chỉ có mặt ở 33 thị trường, thì đến nay hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Báo cáo của các tổ chức uy tín cho thấy, năm 2015, Việt Nam đã tăng 3 bậc về môi trường kinh doanh, 12 bậc về khả năng cạnh tranh toàn cầu và 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm trước. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 18.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 270 tỷ USD, tạo ra gần 3 triệu việc làm ổn định với thu nhập cao hơn mức trung bình cả nước. Đồng thời, Việt Nam cũng đã đầu tư ra bên ngoài với gần 1.000 dự án có tổng số vốn khoảng 20 tỷ USD. Tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nhà tài trợ quốc tế cam kết dành cho Việt Nam đến nay đã lên đến 90 tỷ USD, trong đó vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,98 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã cam kết.
Bên cạnh đó, lợi ích vô hình nhưng không kém phần quan trọng là tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện đã góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong bàn cờ chiến lược khu vực và quốc tế.