Chùm ảnh: Những 'dấu ấn Việt Nam' trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 36
Tuấn Anh - Nguyễn Hồng
22:33 | 25/06/2020
TGVN. Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày mai (26/6), nhiều Hội nghị đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, thể hiện đậm đà tính "gắn kết và chủ động thích ứng" của ASEAN cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực.
Mở đầu các cuộc họp liên quan Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, ngày 22/6 đã diễn ra Hội nghị trù bị quan chức cao cấp ASEAN do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam chủ trì trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.
Tại Hội nghị, các nước đã rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 36. Các nước nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN tiếp tục kiên trì với các mục tiêu và nguyên tắc của mình, phấn đấu vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết thống nhất và rộng mở hướng tới cấu trúc khu vực hoạt động dựa trên luật lệ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã cập nhật tiến độ triển khai các ưu tiên và sáng kiến trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và cảm ơn tinh thần xây dựng của các nước, hỗ trợ Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Cũng trong sáng 22/6, Hội nghị Quan chức cao cấp về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 28 đã được tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), Trưởng đoàn Quan chức cấp cao phụ trách Văn hóa-Xã hội ASEAN (SOCA) của Việt Nam cho biết, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH vinh dự giữ vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, trụ cột Văn hóa-Xã hội sẽ thúc đẩy các cuộc tham vấn, hướng tới các trọng tâm bao gồm: Lao động và phát triển nguồn nhân lực; phúc lợi xã hội; y tế, phát triển, truyền thông, văn hóa ASEAN, thanh niên, môi trường và biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Việt Nam sẽ đánh giá giữa kỳ về kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, là hoạt động quan trọng để đánh giá các kết quả đạt được cũng như các thách thức, đưa ra các khuyến nghị cho tất cả các cơ quan chuyên ngành, sự hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực, để có thể hoạt động hiệu quả, đạt được mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN tầm nhìn 2025.
Chiều cùng ngày 22/6, cuộc họp lần thứ 2 Nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) cũng đã được tổ chức do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chủ trì.
Tại cuộc họp này, ASEAN nhất trí thúc đẩy tiến độ triển khai 4 sáng kiến gồm Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quy chuẩn ứng phó với những tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Kế hoạch phục hồi hậu Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, chia sẻ lo ngại về một làn sóng thứ hai của dịch bệnh và đề nghị các nước cùng hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong triển khai kế hoạch khôi phục toàn diện sau đại dịch với đối tượng chính là những nhóm dễ bị tổn thương, doanh nghiệp nhỏ…
Trong chiều 22/6, Hội nghị Tham vấn chung ASEAN cũng đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tiếp tục chủ trì Hội nghị.
Đại diện cho Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã cập nhật cho các nước về chương trình nghị sự, chương trình hoạt động của các Hội nghị và danh mục các văn kiện dự kiến sẽ được các Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao.
Các nước ASEAN đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam cho các Hội nghị, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức bởi đây là lần đầu tiên một Hội nghị Cấp cao ASEAN chính thức và các Hội nghị trù bị được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến và tin tưởng với sự điều hành của Việt Nam, các Hội nghị này sẽ được tổ chức thành công.
Tiếp theo, ngày 23/6, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì đã diễn ra với sự tham dự của 15 bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý lời văn để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.
Chiều 23/6, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 23 đã được tổ chức do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Chủ tịch ASCC 2020 chủ trì và điều hành Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của chúng ta mang một ý nghĩa quan trọng khi kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân. Chính vì vậy, trong bối cảnh xã hội đang đổi thay với sự tiến bộ nhanh chóng, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, các Bộ trưởng tham dự Hội nghị cần chia sẻ ý kiến về những nội dung ưu tiên, các ý tưởng hợp tác và phục hồi hậu Covid-19 làm định hướng cho các hoạt động của Cộng đồng trong năm nay cũng như giai đoạn 5 năm sắp tới của ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, tự lực tự cường, bền vững và năng động nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025.
Tiếp theo các Hội nghị, ngày 24/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã chủ trì Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến Hội nghị không thể tổ chức trực tiếp theo kế hoạch. Tuy nhiên, điều này sẽ không gây ảnh hưởng đến nỗ lực chung của các quốc gia trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự ưu tiên tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, tình hình khu vực và thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp do sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt của các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn cực đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoà bình và ổn định trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mong muốn, thông qua Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các giải pháp để thúc đẩy những ưu tiên chung, đặc biệt là những vấn đề mà các nước trong khu vực và trên thế giới cùng quan tâm.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 21, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Hội nghị đã kiểm điểm tình hình hoạt động của các cơ quan trực thuộc, rà soát tiến độ triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025 và trao đổi các định hướng, biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị - an ninh ASEAN trong thời gian tới. Các Bộ trưởng cũng hài lòng ghi nhận công tác triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025 tiếp tục đạt nhiều tiến triển.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 26. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác, nỗ lực đạt được các mục tiêu đã đề ra trên tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng".
Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 đã thông qua 6 Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN và các trụ cột Cộng đồng trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; chấp thuận việc bổ nhiệm Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Chính trị-An ninh nhiệm kỳ 2021-2024.
Chiều 25/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN tại các đầu cầu mỗi nước.
Sau khi đi kiểm tra các địa điểm là đầu cầu truyền hình trực tuyến tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác chuẩn bị, từ cơ sở vật chất kỹ thuật, đường truyền, công tác đảm bảo an ninh.
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật để các đại biểu dự hội nghị có thể dễ dàng phát biểu thảo luận. (Nguồn: VGP)
Theo chương trình dự kiến, ngày mai sẽ diễn ra nhiều phiên quan trọng: Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; Phiên họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN về nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số; Cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Liên nghị viện ASEAN; Đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN với thanh niên ASEAN; Đối thoại giữa lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Họp báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.