📞

Chung một Vua Hùng, chung một tương lai

14:24 | 29/03/2013
Nhận lời mời của ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đoàn Nghị viên Hội đồng thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ do ông Al Hoang (hoàng duy hùng) dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, ông Hùng đã có buổi trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UB nhà nước về NVNONN trao tăng ông Hoàng Duy Hùng bức tượng Vua Hùng. (ảnh: UB NVNONN)

Xin ông cho biết vài nét về bản thân?

Tôi sinh năm 1962 ở Phan Rang. Bố mẹ tôi gốc ở Nghệ An, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Năm 1975, tôi theo bố mẹ sang Hoa Kỳ định cư với tâm tư "chống Cộng" rất sâu sắc. Vì thế, tới năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, tôi trở về Việt Nam theo con đường du lịch, với âm mưu là lật đổ Nhà nước này. Sau nhiều lần đi lại và hoạt động tại Việt Nam thì tới năm 1992, tôi bị bắt và bị giam tại nhà lao Chí Hòa 16 tháng.

Năm 1993, do những tiến triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nên tôi được trả tự do vì lúc đó, tôi là công dân Hoa Kỳ. Sau khi về Mỹ - tôi học Tiến sĩ Luật và trở thành luật sư. Tuy nhiên, không từ bỏ ý định cũ, đến năm 2001, tôi lại tìm cách xâm nhập vào Việt Nam theo con đường bất hợp pháp - qua Campuchia. Tôi trở về chỉ với mục đích gây ra một việc động trời là đánh bom ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi là một trong những đối tượng phản động được Bộ Công an Việt Nam theo dõi rất sát sao.

Chiều 24/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có buổi tiếp đoàn ông Hoàng Duy Hùng. Đoàn đã thăm Hà Nội, Phú Thọ và sẽ thăm Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… 

Khi vào được Việt Nam, tôi lên Đền Hùng khấn Vua Hùng phù hộ cho tôi được sáng suốt. Vậy là cái đêm tôi định hành động thì tôi lại có một suy nghĩ: Làm xong việc này thì mình định làm gì tiếp theo? Tôi không trả lời được. Tôi nghĩ, nếu tôi làm việc này thì sẽ có nhiều đồng bào của tôi bị thương vong. Tôi nghĩ mãi và không tìm thấy được lối thoát và chỉ khiến mình trở nên nổi tiếng với tội danh chống đối Nhà nước Việt Nam. Tôi quyết định dừng lại, không làm nữa.

Tôi rời Sài Gòn, sang Campuchia và trở lại Mỹ. Khi về tới sân bay tại Los Angeles, tình báo Mỹ đã đón tôi ở đó và mời vào phòng làm việc. Họ nói với tôi rằng: "Chớ làm chuyện đó một lần nữa vì đối với người Mỹ - đó chẳng khác nào hành động khủng bố. Việt Nam và Hoa Kỳ đã có mối quan hệ ngoại giao - anh nên tìm con đường khác để giải quyết vấn đề".

Tôi về suy nghĩ thì thấy đúng là con đường bạo lực chỉ làm tình hình xấu thêm. Thế giới toàn cầu hóa này không chấp nhận bạo lực. Mình phải làm gì để xây dựng cộng đồng người Việt tại đây phát triển mạnh mẽ hơn nhằm có đủ tiềm lực hướng về Việt Nam, làm thay đổi diện mạo quê hương bằng cách đóng góp tiềm lực kinh tế và tri thức. Tôi bắt đầu chuyển sang phương thức đối thoại.

Ông đã hiện thực hóa phương thức đó như thế nào?

Tôi ngẫm quan hệ cộng đồng cũng giống như cuộc sống gia đình. Hai vợ chồng dù có hợp nhau đến mấy cũng chỉ đồng thuận được 90 điểm, còn 10 điểm còn lại là phải tìm cách để hòa hợp. Quan điểm của tôi với Nhà nước Việt Nam có thể ban đầu chỉ giống nhau có 3 điểm, 97 điểm còn lại là chưa đồng thuận. Nhưng chúng ta hãy làm việc trên 3 điểm giống nhau, còn 97 điểm kia sẽ giải quyết dần bằng cách đối thoại. Mà đã mở cửa đối thoại thì phải chấp nhận sự khác biệt.

Sau đó, tôi tham gia hoạt động trong cộng đồng người Việt và trở thành Chủ tịch cộng đồng người Việt quốc gia. Năm 2009, tôi tham gia tranh cử và đắc cử ghế Nghị viên của thành phố Houston. Vì thế, tôi không chỉ đại diện cho cộng đồng người Việt ở đây mà còn đại diện cho thành phố Houston.

Năm 2010, Dân biểu Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh), đại biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Hoa Kỳ, đã nhận được lá thư của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, đề nghị ông đứng ra tổ chức một buổi đối thoại với người Việt ở hải ngoại. Ông Ánh không những khước từ lời đề nghị này mà còn công bố lá thư trả lời ông Thanh Sơn trên các diễn đàn truyền thông. Sau đó, ông Ánh không tái đắc cử dân biểu nữa thì với tư cách là Nghị viên người Việt ở Mỹ - tôi đã nói rằng, nếu ông Thanh Sơn đề nghị thì tôi sẵn sàng đứng ra tổ chức buổi đối thoại này.

Tôi đã cùng với Thị trưởng Houston tổ chức buổi tiếp Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và thu xếp buổi nói chuyện giữa Thứ trưởng Thanh Sơn với những người chống đối Nhà nước Việt Nam. Lúc đó xuất hiện nhiều dư luận nói rằng sao ông Thanh Sơn lại đi gặp những tên cầm đầu phản động, còn ông Hoàng Duy Hùng thì đi theo cộng sản rồi. Nhưng tôi không quan tâm đến việc ai theo ai - mà lúc đó tôi nghĩ, mình yêu nước phải cả bằng lý trí chứ không phải chỉ bằng con tim. Trong bối cảnh hiện nay của quê hương - những người Việt thực sự yêu nước phải làm sao để đóng góp, xây dựng cho quê hương ngày càng giàu mạnh.

Dân chủ không có nghĩa là đa đảng, đa đảng chưa chắc đã dân chủ và nhiều nước trên thế giới rất dân chủ mà không cần đa đảng. Đa nguyên chưa chắc đã dân chủ mà nhất nguyên cũng chưa chắc. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tôi muốn dùng từ hợp nguyên: Đó là tôn trọng sự khác nhau để có thể tồn tại và phát triển trong sự tổng hòa, gọi là hợp nguyên. Khi nhìn ngắm bản đồ Việt Nam hình chữ S - có thể thấy đường bờ biển của đất nước mình giống như trục Lưỡng nghi trong kinh dịch của người Việt cổ (Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái). Những người Việt ở trong nước và người Việt ở nước ngoài như hai thái cực Âm - Dương. Nếu hợp nguyên đúng thì có một thái cực đúng và dân tộc chúng ta mạnh, đủ sức chống lại những mưu đồ xâm lăng. Nhưng cũng có những người không hiểu điều đó.

Nhận lời mời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, tôi đã phải trải qua khá nhiều trở ngại. Thậm chí, có những người cực đoan còn đem bom đến đặt trước cửa nhà riêng của tôi ở Houston để hăm dọa, ngăn cản tôi trở về Việt Nam. Nhưng cuối cùng, tôi và Đoàn Nghị viên Houston đã có mặt ở Việt Nam ngày hôm nay. Tôi đến đây với tư cách là một Nghị viên thành phố - tôi nghĩ cả hai bên cần có những người trung dung để có thể đối thoại được với nhau.

Tôi là công dân Mỹ, tôi phải có trách nhiệm nhiều hơn với nước Mỹ . Nhưng tôi cũng là người Việt Nam, tôi có bổn phận hỗ trợ để đồng bào mình ở trong nước xây dựng quê hương. Trong chuyến đi này, chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với thành phố Đà Nẵng - một thành phố có nhiều nét tương đồng với Houston. Hai thành phố sẽ tiến tới kết nghĩa thành phố chị em và hỗ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... Và chuyến đi này là để thúc đẩy cho tương quan đó tốt đẹp hơn.

Ông có thể chia sẻ cảm tưởng của mình sau 3 chuyến trở về Việt Nam - với 3 tư thế khác nhau không?

Năm 1990, lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam. Khi đó, tôi thấy đất nước mình nghèo quá - nước mắt tôi đã ứa ra. Tôi lẳng lặng đi đến một chỗ kín đáo rồi quỳ xuống hôn đất. Khi đi tắm biển Phan Thiết, tôi ôm cát vào lòng, đúc cát vào tất cả các túi - giống hệt một đứa con nít. Đến khi tôi bị tù biệt giam ở Chí Hòa - 16 tháng đó dài đằng đẵng như một đời người. Khi ra tù, tôi tưởng mình sống lại một kiếp khác.

Năm 2001, tôi xâm nhập trái phép về trong nước. Cảm giác khi xâm nhập nó lạ lắm - cảm giác như quanh mình lúc nào cũng có hàng ngàn con mắt đang theo dõi. Nhìn thấy người dân nào tôi cũng cảm thấy là họ đang theo dõi mình.

Và lần này, tôi trở về với tư thế hoàn toàn thoải mái. Điều đầu tiên tôi làm trong chuyến trở về lần này đó là thăm đền Hùng và viếng các vua Hùng. Chúng ta đi ra ngoài, dù có là gì đi chăng nữa thì trong cơ thể chúng ta vẫn là dòng máu Việt Nam - về đến nhà là phải đến chào tổ tiên.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!

Khánh Nguyễn (thực hiện)