TIN LIÊN QUAN | |
Đảng, Nhà nước luôn chú trọng thu hút, kết nối trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài | |
Kiều bào - nguồn lực của thời đại công nghiệp 4.0 |
Lần đầu tiên, một diễn đàn kết nối quy mô có sự tham dự của hàng trăm kiều bào cùng đại diện các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước tổ chức tại một tỉnh miền Trung. Hội nghị đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương đối với nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Những “cầu nối” năm châu
Diễn ra trong ba ngày (27-29/12) tại Nghệ An, điểm nổi bật của Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương lần này là phiên họp với hai chuyên đề "Đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương, đất nước" và "Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển". Đặc biệt, gần 20 tham luận và các ý kiến hết sức tâm huyết của kiều bào đã được trình bày, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết tồn tại, giúp địa phương phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế.
Tại đây, kiều bào đã có nhiều kiến nghị đóng góp, trao đổi, xây dựng cho hoạt động của hội đoàn NVNONN; kinh nghiệm tổ chức các hoạt động gắn kết kiều bào, hướng về quê hương đất nước; đề xuất phương hướng, biện pháp nhằm thu hút kiều bào về đầu tư, kinh doanh và làm việc với các địa phương. Đáng chú ý là chia sẻ của Giám đốc khu vực Vancouver của Tổ chức Canada-Vietnam Society Đinh Kim Nguyệt khi cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho bà con kiều bào khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam được hưởng chính sách quốc tịch linh hoạt - có thể nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài đang có.
Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở Nghệ An. (Ảnh: Quỳnh Dương) |
“Qua Hội nghị, các địa phương đã xây dựng được một mạng lưới liên kết với các hội doanh nghiệp và doanh nhân NVNONN, từ đó tìm hiểu thêm nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư từ nước ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, tạo nền tảng vững chắc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của đất nước” - Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị. |
Trong tham luận "Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Australia và các doanh nghiệp Australia với thị trường Việt Nam", Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Việt Nam tại Sydney Trần Đăng Huệ đề nghị các địa phương nên tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ giới thiệu tiềm năng của tỉnh, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư cũng như thiết lập đầu mối liên hệ chiến lược với các tổ chức, công ty xúc tiến thương mại- đầu tư hay cá nhân có uy tín tại Australia để triển khai các hoạt động kết nối lâu dài.
Bàn về các công trình văn hóa của địa phương hiện nay, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga Nguyễn Huy Mỹ cũng nhấn mạnh đến việc cần có các chính sách, biện pháp kêu gọi và khuyến khích kiều bào bỏ vốn đầu tư vào các địa điểm có tiềm năng du lịch.
Nhận thấy rõ, nhiều cá nhân kiều bào sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ cho các địa phương. Trong khi Hội trưởng Hội người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) Vũ Văn Long khẳng định có thể làm cầu nối hỗ trợ về kỹ thuật chế tạo xe hơi thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Hồ Văn Lâm cũng bày tỏ Hiệp hội sẽ làm cầu nối giúp đỡ các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, thương mại trên đất Thái.
Đầu tư cho Bắc Trung bộ
Một thành công của Hội nghị năm nay là Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) đã công bố thành lập Chi hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khu vực Bắc Trung bộ do ông Nguyễn Công Chính (Việt kiều Đức), Ủy viên Ban thường vụ BAOOV làm Chi hội trưởng.
Việt kiều từ các nước về tham dự tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Linh) |
"Các tỉnh miền Trung của Việt Nam có lợi thế rất lớn trong việc phát triển các cảng biển để xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới. Đây vốn là nhu cầu của các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Lào. Để tận dụng lợi thế này, chúng tôi đề nghị Nhà nước Việt Nam có các chính sách khuyến khích, thu hút kiều bào đầu tư, góp sức vào lĩnh vực này" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân NVNONN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Hồ Văn Lâm. |
Được biết, những mục tiêu đầu tiên được Ban chấp hành Chi hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khu vực Bắc Trung bộ đề ra là khai thác trí tuệ và kinh nghiệm của kiều bào toàn thế giới để kết hợp với doanh nghiệp địa phương đầu tư phát triển khu vực Bắc Trung bộ. Những việc làm cần thiết khác là kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp địa phương theo các mô hình liên doanh, liên kết, nhà đại diện, nhà phân phối; hợp tác với doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực: Nông-lâm nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ; công nghiệp 4.0...
Cũng theo ông Nguyễn Công Chính, BAOOV sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong các dự án đầu tư, cũng như sẽ xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo về quản trị logistic, đồng thời hiết lập các nhóm công tác giữa các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam.
Phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây
Đây là nội dung chính của Hội thảo chuyên đề “Chiến lược logistics phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối Lào với khu vực cảng biển Bắc Trung Bộ” đã được Chi hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khu vực Bắc Trung bộ tổ chức ngay trong khuôn khổ Hội nghị.
Đặc biệt, tại cuộc hội thảo được kết nối online với cộng đồng kiều bào này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng đã chia sẻ về trăn trở của một số kiều bào đối với sự phát triển của Nghệ An – một trong những trọng điểm kinh tế của đất nước. Theo ông Peter Hồng, khi mà hành lang kinh tế Đông - Tây được tổ chức ở quê Bác một cách bài bản, đây sẽ là nơi để phát triển nguồn lực, cũng như tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Ngọc Mỹ cũng cho rằng: “Việc phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhưng cơ hội đó thành công hay không phải có doanh nghiệp mới làm được. Để hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Bắc Trung bộ phát triển xứng tầm với khu vực và quốc tế, cần sự kết hợp hai bên: doanh nghiệp trong nước và doanh nhân Việt kiều”.
PGS.TS Thái Văn Vinh - trường Công nghệ thông tin kinh doanh và Logistic, Viện Đại học Công nghệ Hoàng Gia Melbourne (Australia) đề xuất đến chính sách và kế hoạch hành động như đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu kết nối các cảng biển và cửa khẩu có thể với hình thức công tư hợp doanh. Ông cũng đề cập đến việc thiết lập ủy ban chung nhằm giám sát và xử lý các vấn đề đồng bộ hóa thể chế xuyên quốc gia ở cấp tỉnh, nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu và cảng biển...
Có thể nói, tất cả những ý kiến quý giá này sẽ đóng góp tích cực vào “ngân hàng ý tưởng” phục vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước và các địa phương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước.
“Hiện có 13 dự án của các doanh nghiệp kiều bào về đầu tư tại tỉnh với tổng vốn đăng ký khoảng 5.641 tỷ đồng. Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về tỉnh khoảng 500 triệu USD. Chúng tôi xác định kiều bào là nguồn ngoại lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của địa phương và luôn hoan nghênh, chào đón, cam kết đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư kiều bào về đầu tư tại Nghệ An” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa. |
Chú trọng xây dựng một network trí thức người Việt ở nước ngoài Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, ... |
Kiều bào cùng đổi mới sáng tạo ở nước nhà Các chuyên gia trí thức kiều bào vừa có cuộc gặp gỡ tại TP. Hồ Chí Minh với mục đích “Kết nối và đổi mới ... |
Khi trí thức kiều bào hiến kế Câu chuyện này đã được nhắc đến từ lâu nhưng lần đầu tiên ở Việt nam đã có một diễn đàn chính thức để những ... |