📞

Chung tay bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19

Nguyễn Hoàng 19:55 | 31/05/2021
Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và lợi ích của trẻ em.
Thực tế đang chứng minh rằng tình trạng trẻ em mắc Covid-19 đang ngày càng tăng. (Nguồn: UN)

Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng trẻ em ít có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Nhưng thực tế đang chứng minh rằng tình trạng trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 đang ngày càng tăng ở một số nước, chẳng hạn như Brazil.

Theo báo Guardian (Anh), bà Fatima Marinho, bác sĩ cấp cứu và nhà dịch tễ học hàng đầu Brazil đang nhận thấy các triệu chứng Covid-19 ở trẻ em hoàn toàn trái ngược với các nhận định lan truyền khắp toàn cầu trong suốt đại dịch cho rằng trẻ em dường như không có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng.

Bác sĩ Marinho nói: “Đau cơ dữ dội, tiêu chảy, ho, đau bụng và phải nhập viện, mọi triệu chứng này đều xảy ra với trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Brazil”.

Tình hình dịch bệnh ở Brazil đang thay đổi, khi các ca bệnh nặng chủ yếu tập trung ở trẻ em. Theo dữ liệu mới nhất, 2.216 trẻ em từ 0 đến 9 tuổi tử vong vì Covid-19. Tổng cộng 1.397 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và trên 67.000 trẻ em từ 0 đến 9 tuổi nhập viện vì căn bệnh này.

Không được chủ quan

Tính đến ngày 28/5, Việt Nam có 198 trẻ em thuộc diện F0, chiếm khoảng 6% tổng số trường hợp mắc Covid-19; 3.915 trẻ em thuộc diện F1.

Theo BS.CKI Nguyễn Cát Phương Vũ – Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các tác nhân gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể. Trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.

Dù các thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Việt Nam thấp so với các nước, tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.

Về phòng ngừa Covid-19 cho trẻ em, BS Nguyễn Cát Phương Vũ chia sẻ: Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng Covid-19 dành cho trẻ, các biện pháp toàn diện theo khuyến cáo “5K” cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh là giải pháp giúp bảo vệ trẻ nhỏ trước mối nguy Covid-19.

Theo đó, trẻ có thể bị lây nhiễm Covid-19 thông qua các giọt bắn, qua các mầm bệnh tồn tại trong môi trường, trên các bề mặt mà trẻ vô tình tiếp xúc, sau đó xâm nhập vào cơ thể do thói quen hay mút tay, dụi mắt mũi…

Với các bé ở lứa tuổi mầm non, nếu vẫn đang đến trường cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Xây dựng cho trẻ các thói quen tốt như: không bò lê trên mặt sàn, không đưa tay lên mắt, mũi miệng… là những biện pháp góp phần bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh.

Trong giai đoạn chưa có vaccine cho trẻ, phụ huynh không nên quá hoảng loạn và lo lắng. Thay vào đó, cần chấp hành đúng các biện pháp cách ly như mang khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay và giãn cách xã hội; đồng thời nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người…

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 28/5 đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Đây là vaccine đầu tiên được "bật đèn xanh" cho độ tuổi này.

EMA cho biết vaccine của Pfizer "được dung nạp tốt" với thanh thiếu niên và không có "lo ngại lớn" nào về các tác dụng phụ. Quyết định trên được cho là sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu, khi Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay từ tháng 6 tới. Trước đó, Mỹ và Canada đã cho phép tiêm vaccine của Pfỉzer cho thanh thiếu niên.

Vì một tương lai tươi sáng

Trước tình huống khẩn cấp chưa từng có trong lịch sử và nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trẻ em Việt Nam vượt qua được giai đoạn này, có một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 28/5, Việt Nam có 198 trẻ em thuộc diện F0, chiếm khoảng 6% tổng số trường hợp mắc Covid-19; 3.915 trẻ em thuộc diện F1.

Thời gian tới, con số này có thể sẽ tăng khi lượng cách ly tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng. Những trẻ em trên đang phải điều trị tại các bệnh viện và cách ly tập trung tại các cơ sở, trong số đó nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trước tình trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 0-16 tuổi bị mắc Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Số lượng trẻ em được hỗ trợ sẽ theo danh sách trẻ em bị mắc Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ ngày 27/4 đến hết ngày 31/12/2021.

Định mức hỗ trợ tính theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, mức hỗ trợ là 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày. Nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (vận động và tích lũy năm 2021).

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đồng hành hỗ trợ trẻ em có thể liên hệ địa chỉ: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, số 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (8424) 37333094/37470037/37331223 Fax: 8424 38438537

Hotline: 092 9999 999

Website: http://www.nfvc.org.vn

Hoặc chuyển khoản theo số tài khoản:

001.0.00.0000355 tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam.