Các đại biểu thảo luận tại Phiên 1: ‘Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng’. (Ảnh: Bạch Dương) |
Chiều 22/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”, các đại biểu trong và ngoài nước đã tham gia 2 phiên thảo luận để bàn về tiềm năng, lợi thế của ngành Halal Việt Nam cũng như đề xuất hợp tác quốc tế để phát triển lĩnh vực này tại nước ta.
Phát huy nội lực
Tại phiên 1, dưới sự điều phối của ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các đại biểu tập trung thảo luận về tiềm năng và định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có khoảng 90.000 tín đồ Hồi giáo, sinh sống tập trung 14 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất tại tỉnh An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Ninh Thuận. Ðã có 4 tổ chức Hồi giáo (Islam) được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal.
Năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với 10 đối tác thương mại lớn là thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đạt 45,7 tỷ USD, trong đó một số thị truờng Hồi giáo khu vực Trung Ðông - châu Phi ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao như Bờ Biển Ngà (29%), Nigeria (23,6%), Thổ Nhĩ Kỳ (12%), UAE (5,9%).
Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm, nông sản top 20 thế giới (theo Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách); Có nhiều mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu top đầu thế giới như: gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá... Đây cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo; và nhiều trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như: cà phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm...
Lượng lớn nông sản thực phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal (chứng nhận VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO...) và được người Hồi giáo ưa chuộng.
Việt Nam hiện có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các doanh nghiệp dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên café... Đây là tiền đề để gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Halal thời gian tới.
Trao đổi tại phiên thảo luận, các đại biểu tới từ Hội đồng Halal thế giới (WHC), các nước Singapore, Indonesia đều nhận định rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu đa dạng các mặt hàng, nhất là nông lâm thủy hải sản, các sản phẩm ngày càng được nâng cao về chất lượng và đáp ứng những yêu cầu khắt khe của những thị trường nhập khẩu “khó tính”. Do đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn đối với các mặt hàng Halal.
Phát biểu trực tuyến, ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal thế giới (WHC) cho rằng, Hội nghị lần này là một dịp quan trọng trong lịch sử của ngành Halal Việt Nam. “Việt Nam là một quốc gia trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, và tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành đối tác chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal tới các quốc gia cũng như người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn thế giới”, ông Zafer Gedikli nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch WHC, mặc dù số người Hồi giáo tại Việt Nam chưa nhiều, song quốc gia Đông Nam Á này vẫn có cơ hội rộng mở và có tiềm năng thị trường to lớn trong ngành công nghiệp Halal.
“Vị trí địa lý nằm ở gần các quốc gia Hồi giáo như Malaysia và Indonesia cũng đem lại cho Việt Nam lợi thế rất lớn. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn và nhà hàng được triển khai sắp đặt”, Lãnh đạo WHC nói.
Theo ông Zafer Gedikli, để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp Halal, đối với các chủ doanh nghiệp, điều cấp thiết nhất là phải đào tạo nhân viên và tăng cường khả năng kết nối với khách hàng nhằm tăng cường nhận thức về ngành này. Bởi rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng thị trường Halal của Việt Nam là việc thiếu thông tin về yêu cầu của Halal và tình hình thị trường trong giới doanh nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Chính hạn chế này sẽ cản trở các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cần thiết để đạt chứng nhận Halal.
Ông Muhammad Faizal bin Othman, Phó Giám đốc Cơ quan phát triển Halal, Hội đồng Tôn giáo Singapore. (Ảnh: Bạch Dương) |
Trong khi đó, về quy trình cấp chứng nhận Halal, ông Muhammad Faizal bin Othman, Phó Giám đốc Cơ quan phát triển Halal, Hội đồng Tôn giáo Singapore chia sẻ, trên cơ sở 10 nguyên tắc, Singapore xây dựng quy trình cấp chứng nhận Halal 7 bước. Quốc gia này hiện không cấp chứng nhận cho sản phẩm của nước ngoài nhưng công nhận những chứng nhận của các tổ chức nước ngoài.
Năm 2024, Singapore công nhận hơn 100 chứng nhận của trên 50 nước trên toàn thế giới. Khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và Halal là ngành công nghiệp rất tiềm năng, đại diện Singapore mong muốn có thể ký Biên bản ghi nhớ với Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành, tổ chức các hội thảo, trao đổi chuyên môn.
Ông đề xuất có thể xem xét thiết lập nhóm công tác chung để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa hai nước. “Khi kết hợp kinh nghiệm của Singapore và tiềm năng của Việt Nam thì chắc chắn việc hợp tác sẽ mang lại hiệu quả cho cả hai bên”, đại diện từ Cơ quan phát triển Halal, Hội đồng Tôn giáo Singapore khẳng định.
Bà Zaidah binti Mohd Nor, Phó Vụ trưởng, Cục phát triển Hồi giáo Malaysia. (Ảnh: Bạch Dương) |
Cũng tại phiên này, bà Zaidah binti Mohd Nor, Phó Vụ trưởng, Cục phát triển Hồi giáo Malaysia cho biết, Halal là biểu tượng của an toàn chất lượng toàn cầu. Tại Malaysia, chính phủ không chỉ chịu trách nhiệm đối với ngành thương mại mà còn bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo họ được tiếp cận những sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về ngành Halal Việt Nam, bà Zaidah binti Mohd Nor nhận định, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có nhiều cơ hội để thúc đẩy ngành Halal với thế mạnh về các sản phẩm may mặc, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp.
Phó Vụ trưởng, Cục phát triển Hồi giáo Malaysia đề xuất các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như xây dựng các liên doanh để chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm…
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Trong phiên thảo luận thứ 2, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Phương Trà, Quyền Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, nhận định cơ hội và triển vọng của lĩnh vực này tại nước ta.
Các đại biểu thảo luận tại Phiên 2: ‘Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam: Cơ hội và triển vọng’. (Ảnh: Bạch Dương) |
Phát biểu tại đây, bà Safiah Kim Weon-suk, CEO Cơ quan chứng nhận Halal Hàn Quốc chia sẻ, tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp Halal đã chứng kiến những bước phát triển đáng chú ý trong những năm gần đây. Là một quốc gia được biết đến với quy trình sản xuất và đổi mới chất lượng cao, Hàn Quốc đã sớm nhận ra tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu. Chính phủ và Cơ quan Chứng nhận Halal Hàn Quốc luôn ưu tiên đảm bảo tiêu chuẩn Halal trong nhiều lĩnh vực.
“Chúng tôi tập trung vào các sản phầm thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm và dược phẩm, đồng thời đảm bảo tất cả các nhà sản xuất tại Hàn Quốc đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn Halal quốc tế. Cũng nhờ chứng nhận Halal mà sản phẩm của chúng tôi có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn như Đông Nam Á, Trung Động và xa hơn nữa là những nơi có nhu cầu mạnh mẽ về hàng hóa đạt chuẩn Halal”, bà Safiah Kim Weon-suk nói.
Bà Safiah Kim Weon-suk, CEO Cơ quan chứng nhận Halal Hàn Quốc. (Ảnh: Bạch Dương) |
Về cơ hội hợp tác cùng Việt Nam, CEO cơ quan chứng nhận Halal Hàn Quốc nhận định, Việt Nam hiện là một quốc gia với cộng đồng người Hồi giáo đang phát triển nhanh chóng và nhu cầu dành cho chứng nhận Halal cũng ngày càng gia tăng. Do vậy, những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal với Việt Nam đang trở nên rộng mở hơn bao giờ hết.
Theo bà, Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác trong các vấn đề cụ thể như cấp chứng nhận Halal, đồng bộ hệ thống chứng nhận Halal của hai nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia các thị trường quốc tế và củng cố những chuẩn mực về Halal.
“Cơ quan Chứng nhận Halal Hàn Quốc rất sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn với Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương vượt qua quy trình chứng nhận Halal phức tạp và đảm bảo sản phẩm của các doanh nghiệp sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”, CEO cơ quan chứng nhận Halal Hàn Quốc khẳng định.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Việt Nam có thể tăng cường thương mại song phương bằng thúc đẩy trao đổi những mặt hàng đã được chứng nhận Halal, đồng thời trao đổi chuyên môn và nâng cao năng lực.
“Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng Halal qua các chương trình đào tạo chung, hội thảo và hỗ trợ kỹ thuật. Bằng sự hợp tác, hai quốc gia có thể xây dựng một hệ sinh thái Halal mạnh mẽ tại Việt Nam, mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”, bà Safiah Kim Weon-suk khẳng định.
Trong khi đó, phát biểu trực tuyến, ông Muhammad Aqil Irham, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Indonesia (BPJPH), cho biết, về hợp tác Indonesia-Việt Nam trong lĩnh vực Halal, hiện đang có 2 cơ quan chứng nhận Halal của Việt Nam đã đăng ký chứng nhận và hợp tác chung, gồm Cơ quan Chứng nhận Halal Việt Nam tại Hà Nội và Dịch vụ Chứng nhận Halal Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“BPJPH rất hoan nghênh những sáng kiến sẽ giúp tăng trưởng sức tiêu thụ sản phẩm Halal và quảng bá sản phẩm Halal của hai nước trên toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp rất nên tham gia vào ngành Halal để có thể hưởng lợi từ sự hợp tác quốc tế và hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực này”, đại diện từ Indonesia nhấn mạnh.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Bạch Dương) |
Đại diện địa phương Việt Nam có ngành công nghiệp Halal phát triển, tại phiên thảo luận, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tỉnh hiện có quỹ đất dồi dào, giá đất cạnh tranh hơn so với mặt bằng giá đất của các tỉnh thành, gần với các cảng biển, cảng hàng không thuận lợi giao thương quốc tế; có lợi thế về ngành chăn nuôi (như dê, cừu); các sản phẩm nông nghiệp (như nho, điều, táo, bưởi…) đã được xuất khẩu sang một số thị trường Trung Đông.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận mong nhận được sự hỗ trợ của các bộ, cơ quan hữu quan trong và ngoài nước trong việc tiếp cận hiệu quả thị trường Halal toàn cầu và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển ngành Halal của tỉnh.