TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng tặng quà cho kiều bào nghèo ở Campuchia | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia tại Siem Reap |
Với chủ đề “Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên lưu vực sông Mekong”, Hội nghị lần này là dịp để các nước cùng nhìn lại các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) trong bốn năm qua, xác định các lĩnh vực hợp tác phù hợp nhằm vượt qua những thách thức và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đối mặt nhiều thách thức
Lưu vực sông Mekong là một trong những khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại các quốc gia lưu vực Mekong, những thay đổi về đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tác động đến sinh kế của người dân, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực.
Bên cạnh đó, lưu vực sông Mekong cũng đang và sẽ đối mặt những thay đổi mạnh mẽ về môi trường do các công trình đập dòng chính được xây dựng sẽ gây ra những tác động đối với nguồn phù sa, thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học… của dòng sông.
Người đứng đầu Chính phủ và Trưởng đoàn các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng tại Hội nghị GMS-6 tại Hà Nội (Ảnh: Hồng Nguyễn) |
Được thành lập từ năm 1995 sau khi bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, MRC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực. Ủy hội tiếp tục là cơ chế duy nhất có chức năng xây dựng khung pháp lý và các quy định kỹ thuật cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các nước thành viên trong khai thác, bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong.
Trước những thách thức lớn mà lưu vực sông Mekong đang phải đối mặt, MRC đang thúc đẩy mạnh mẽ triển khai Kế hoạch Chiến lược chu kỳ 5 (2016-2020) gồm 7 kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD.
Mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược là nhằm thực hiện các ưu tiên của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiếp tục thực hiện chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia và các hoạt động cải tổ Ban Thư ký Ủy hội.
Việt Nam – thành viên tích cực và chủ động
Trong bài viết đánh giá về vai trò và lợi ích mà Việt Nam thu được qua các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng sông Mekong nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV) lần thứ 10 từ ngày 29-31/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi khu vực Mekong là “không gian an ninh và phát triển” trực tiếp của Việt Nam.
Một đoạn sông Mekong biên giới Thái Lan - Lào. (Ảnh chụp từ trạm ISS của NASA) |
Đối với Việt Nam, sông Mekong có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số. Với diện tích 40.000 km2, ĐBSCL chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với số dân trên 17 triệu người, hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đang thể hiện vai trò ngày càng chủ động và tích cực trong tất cả các khuôn khổ hợp tác Mekong, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.
Từ năm 2010, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao bốn năm một lần. Hội nghị cấp cao lần thứ Nhất được tổ chức tháng 4/2010 tại Hua Hin (Thái Lan). Hội nghị Cấp cao lần thứ Hai được tổ chức vào tháng 4/2014, tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam). |
Sau thành công của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mekong với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong” (TP. Hồ Chí Minh, 4/2014), năm 2015, Việt Nam đã tổ chức một phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 (Hà Nội, 3/2015) và Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình Nghị sự sau 2015” (Bến Tre, 6/2015).
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như GMS, Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) của Mỹ, hợp tác Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, hợp tác Mekong-Lan Thương.
Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Việt Nam chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương tại Trung Quốc.
Trong hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước thuộc các khuôn khổ hợp tác Mekong, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước thành viên MRC đàm phán và hoàn thành các quy định và thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước hiện tại, thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mekong để cụ thể hóa Hiệp định Mekong và trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước sông Mekong.
Theo quy định của Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của MRC (Thủ tục PNPCA), các quốc gia có các đề xuất sử dụng nước cần xem xét các quan ngại của những quốc gia chịu tác động. Các công trình thủy điện dòng chính cần tuân thủ quá trình Tham vấn trước theo Thủ tục PNPCA. Là quốc gia ở khu vực hạ lưu, Việt Nam đã yêu cầu các quốc gia thượng nguồn tuân thủ các quy định của Hiệp định Mekong và các văn bản liên quan.
Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên thúc đẩy để lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp MRC ra được Tuyên bố về quá trình Tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Beng nhằm xử lý các tác động xuyên biên giới của Dự án và nhất trí xây dựng một Kế hoạch hành động chung (Joint Action Plan). Trong đó, có các khuyến nghị thu thập số liệu bổ sung, điều chỉnh thiết kế công trình, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động, tăng cường trách nhiệm chia sẻ và cập nhật thông tin, đánh giá tác động lũy tích của công trình Pak Beng và các công trình thủy điện dòng chính khác, mở rộng việc giám sát chung tác động xuyên biên giới.
Ngoài ra, Việt Nam đã chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện dòng chính như: Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mekong đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (năm 2015); Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính (năm 2017). Kết quả nghiên cứu của các dự án trên sẽ là cơ sở khoa học khách quan để đánh giá các tác động và tìm ra giải pháp toàn diện, lâu dài, đáp ứng thỏa đáng lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với Hiệp định Mekong 1995.
Ở quy mô quốc tế, Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong Ủy hội sông Mekong tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì các mục đích phi giao thông thủy năm 1997. Việc tham gia của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang tích cực vận động các thành viên ASEAN và các nước khác xem xét tham gia Công ước, qua đó góp phần tăng cường các cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi cho việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong.
Việt Nam cũng tích cực tham gia hợp tác tại các tổ chức khu vực, quốc tế về nguồn nước cũng như tăng cường hợp tác Mekong với các đối tác như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Về hợp tác Mekong, Việt Nam cũng thường xuyên thúc đẩy hợp tác với 14 đối tác phát triển của Ủy hội sông Mekong.
Sau Hội nghị GMS 6 và CLV 10 được tổ chức thành công tại Việt Nam và trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2018, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba một lần nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực chung tay cùng các nước thúc đẩy phát triển bền vững khu vực sông Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Lào bên lề Hội nghị MRC Bên lề Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), tại Siem Reap, Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ... |
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, hôm nay (4/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn ... |
Thủ tướng sẽ dự hội nghị cấp cao ủy hội sông Mekong quốc tế lần 3 Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại ... |