Một nhà hàng McDonald’s tại thủ đô Moscow đã bị đóng cửa do lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. (Nguồn: WikiCommons) |
Cửa hàng McDonald’s đầu tiên chính thức có mặt tại Nga vào năm 1990, chỉ vài tháng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Đây cũng là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và vết thương lớn về ý thức hệ đang được chữa lành.
Giờ đây, mọi cửa hàng McDonald’s ở Nga đều bị đóng cửa do lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây khiến nhiều công ty, tập đoàn phải cắt giảm hoặc đình chỉ hoạt động để đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Kiev.
Quy mô của các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga được đánh giá là chưa từng có và tác động vô cùng lớn đến kinh tế toàn cầu.
Giám đốc điều hành của dịch vụ thông tin về chuỗi cung ứng Freightwaves Craig Fuller nhận định: “Nếu cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục lan rộng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với khả năng bị phân hóa, trong đó các liên minh địa chính trị, năng lượng và dòng chảy lương thực, hệ thống tiền tệ và các dòng thương mại có thể bị chia cắt”.
Vấn đề năng lượng
Những lo ngại về nguồn xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch khổng lồ của Nga bị gián đoạn đã khiến giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng vọt. Giá cước vận chuyển bằng tàu chở dầu đã tăng gấp ba lần do các chủ tàu cân nhắc nguy cơ mắc kẹt hàng hóa không thể tháo dỡ.
Tuy nhiên, cho đến nay, đã không có sự gián đoạn đáng kể nào đối với xuất khẩu của Nga. Mỹ, Anh và Australia đều đang cấm dầu nhập khẩu từ Nga, nhưng đây đều không phải là những thị trường quan trọng của Moscow.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới là thị trường quan trọng nhất của Nga do phần lớn đều phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Moscow. Cho đến nay, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các nhà sản xuất năng lượng của Nga nhưng vẫn tiếp tục mua sản phẩm của các nhà sản xuất này.
Việc tránh sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Nga không phải là điều dễ dàng. Khi quốc gia này hiện chiếm 12% thị phần toàn cầu.
Công nhân làm việc tại dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đoạn tại Lubmin, Đức. (Nguồn: AFP) |
Việc cắt đứt nguồn dầu mỏ từ Nga có thể không phải là một sự lựa chọn trong ngắn hạn. Việc thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga thậm chí còn khó khăn hơn khi EU đang chiếm hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Moscow. Các đường ống như Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), nối Nga và Đức là không thể thay thế.
Trong khi đó, giao thông đường biển đang bị hạn chế. Nếu các tàu chở dầu là các thùng thiếc khổng lồ thì các tàu chở khí hóa lỏng LNG là các két đông lạnh siêu làm mát giúp khí hóa lỏng ở âm 160 ℃ độ (-260 ℉). Có rất ít quốc gia tham gia “sân chơi” này và khối lượng khí đốt được vận chuyển trên toàn cầu chỉ chiếm khoảng 0,1% so với khối lượng dầu.
Chuỗi cung ứng lương thực
Năm 2020, Nga và Ukraine chiếm 25,6% xuất khẩu lúa mì toàn cầu (Nga 17,6%, Ukraine 8%), 23,9% xuất khẩu lúa mạch toàn cầu (Nga 12,1%, Ukraine 11,8%) và 14% xuất khẩu ngô toàn cầu (Ukraine 13,2% , Nga 1,1%).
Với việc giá năng lượng cao hơn làm gia tăng giá lương thực, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã phải lên tiếng báo động về tình hình an ninh lương thực ở khu vực châu Phi và Trung Đông.
Xuất khẩu lương thực của Ukraine đã phải tạm dừng . Không ai biết chắc chắn rằng vụ thu hoạch tiếp theo có thể bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh phân bón, thuốc trừ sâu và nguồn nhiên liệu khan hiếm. Nhiều nam giới tại các vùng nông thôn Ukraine đang bị triệu tập để tham gia cuộc chiến. Nguồn lương thực, thực phẩm từ các nông trại đang được chuyển hướng đến các thành phố bị bao vây và phục vụ cho quân đội. Các tuyến đường thương mại nối với các nước phương Tây cũng đang bị đe dọa tấn công.
Hiện tại, Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. Cùng với đó, Bộ Công Thương nước này cũng đã “khuyến nghị” tạm dừng xuất khẩu phân bón.
Nga là nhà sản xuất amoni nitrat lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Điều này sẽ có tác động đáng kể đối với các nhà sản xuất khẩu ngũ cốc lớn khác như Brazil, quốc gia đang nhập khẩu khoảng 85% lượng phân bón, chủ yếu từ Nga.
Dòng chảy thương mại
27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ và Canada đã đóng cửa không phận đối với máy bay Nga. Để trả đũa, Nga cũng cho đóng cửa không phận đối với máy bay đến từ 36 quốc gia. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng về chi phí vận tải.
Bộ phận vận tải hàng hóa của hãng hàng không Lufthansa của Đức ước tính, trở ngại này có thể khiến giảm 10% năng lực vận tải hàng không của hãng. FedEx đã buộc phải tính thêm khoản phụ phí chiến tranh.
Cuộc chiến còn gây tác động đáng kể lên “Con đường tơ lụa” mới từ Trung Quốc đến châu Âu. Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa dài nhất thế giới mà Bắc Kinh đã phải chi 900 tỷ USD để hoàn thành.
Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc qua các tuyến đường sắt vẫn còn hạn chế so với vận tải biển, nhưng đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng thời gian gần đây. Các tuyến đường sắt đã giúp giảm bớt áp lực lên các cảng của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, những áp lực này đã và đang gia tăng trở lại với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cảng lớn tại các thành phố như Thiên Tân, Thâm Quyến và Thượng Hải buộc phải đóng cửa.
Đường bay chính từ Trung Quốc đến châu Âu đi qua Nga và Belarus. Có một tuyến đường thay thế là đến Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan, nhưng tuyến đường này ít khi được sử dụng.
Tất nhiên, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục sử dụng các tàu container. Nhưng với mục tiêu địa chiến lược quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” là đảm bảo các tuyến đường thương mại an toàn trước hải quân Mỹ, những trở ngại trong dòng chảy thương mại có thể làm giảm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và các quốc gia NATO.