TPP đã chính thức có tên mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất, có giá trị như một tuyên ngôn rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích phát triển to lớn không thể thay thế, ngay cả khi không có Mỹ. Trong Tuyên bố chung khẳng định, các quốc gia thành viên CPTPP đã thống nhất duy trì ý tưởng và nội dung cơ bản của TPP làm định hướng và cốt lõi cho thoả thuận mới về thương mại tự do và liên kết khu vực, nhưng cho phép các thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng lợi ích trong bối cảnh mới.
Cái bắt tay đầy quyết tâm của Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khi thông báo về CPTPP tại APEC 2017, Đà Nẵng. (Nguồn: AP) |
CPTPP có gì mới?
Được biết, CPTPP có 8.000 trang, nhưng chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn thực thi. Mỗi quốc gia thành viên đều đã liệt kê danh sách giới hạn các điều khoản tạm hoãn của nước mình. Với những đóng góp xây dựng, nội dung của CPTPP về mặt bản chất vẫn giữ vững là hiệp định có chất lượng cao hơn và tiến bộ hơn so với các hiệp định hiện hành. Không chỉ là một hiệp định thương mại và đầu tư, mà là một hiệp định toàn diện và phát triển trong môi trường hội nhập, hai từ mới được bổ xung trong tên gọi là Tiến bộ và Toàn diện đã nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên.
Điều mà các nhà đàm phán CPTPP tâm đắc là những nội dung cơ bản nhất của TPP cũ vẫn được giữ lại, trong khi vẫn bổ sung được một số điều chỉnh nhằm vừa nâng cao chất lượng của thoả thuận, vừa tạo điều kiện cho việc thích ứng với tình thế mới khi không còn có sự tham gia của Mỹ. Cụ thể, quyết tâm của 11 thành viên vẫn là tiếp tục kiên định bảo đảm là một thỏa thuận chất lượng cao, nhưng vẫn có những điểm cân bằng mới đối với các quốc gia thành viên. Đồng thời, CPTPP vẫn tạo điều kiện để Mỹ có thể trở lại bất kỳ lúc nào mà không bị coi là yếu thế cũng như để “cửa ngỏ” cho các thành viên khác có thể xem xét tham gia nếu đáp ứng các nhu cầu đã được đề ra.
Như vậy, CPTPP vừa không phụ thuộc vào Mỹ, vừa để ngỏ cho sự trở lại của Mỹ, vừa có thể tự do giao thương trong Hiệp định, vừa song song phát triển hợp tác với Mỹ. Đây là cách tiếp cận thông minh và đúng đắn, cho thấy rõ nguyên tắc mà các thành viên đều hướng tới là linh hoạt chứ không cứng nhắc.
CPTPP còn được coi như đã đánh dấu bước chuyển mình của các nền kinh tế, dần vươn lên thế tự chủ hơn là phụ thuộc vào nước lớn. Khi không có sự tham gia của Mỹ, đương nhiên, CPTPP xét về địa lý, quy mô thị trường, tiềm lực kinh tế và khối lượng trao đổi thương mại đều không bằng TPP. Nhưng sự ra đời của CPTPP cho thấy không phải hoàn toàn như vậy, mà đúng hơn tình thế đã đẩy các đối tác phải tự tin và vững tâm hơn trong việc tự quyết định lấy tương lai của họ, nỗ lực hơn để gây dựng các mối quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, chứ không bị lệ thuộc và chi phối.
Cũng chính vì thế, CPTPP được cho là sẽ phải dùng "chất bù cho lượng", dùng hiệu quả thiết thực lâu bền, cân đối với những hạn chế hiện tại, không phải là thay thế TPP đơn thuần mà là sự phát triển TPP lên tầm vóc mới với chất lượng mới.
Liệu Mỹ có quay lại?
Bài phát biểu ấn tượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cho thấy rõ quan điểm của người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với bên ngoài. Không xa rời đường lối đã đặt ra ngay từ đầu, “không đâu bằng nhà mình”, nước Mỹ sẽ chọn mối quan hệ mà trước tiên phải có lợi cho nước Mỹ, bởi vậy, nếu CPTPP thật sự có lợi thì khả năng Mỹ tái tham gia là hoàn toàn có thể.
Giới quan sát còn nhận định rằng, TPP có Mỹ mang nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Việc tham gia hoặc ít nhất có một hình thức hợp tác phù hợp nào đó với CPTPP sẽ là yếu tố cực kỳ có lợi cho “giấc mơ” Ấn Độ - Thái Bình Dương mà ông Trump đã nhắc tới, hơn là đứng ngoài nhóm được coi như hợp tác cốt lõi ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, xu hướng tự do hóa thương mại được dự báo sẽ khiến các nước khó mà đứng ngoài cuộc. Tương lai CPTPP vì thế có thể không phải chỉ dừng lại ở 11 thành viên, vấn đề chỉ là mặt thời gian. Thời gian đủ để các thành viên trong cuộc giữ vững các ưu thế của Hiệp định và thời gian để các nước đang đứng ngoài cuộc thật sự nhìn thấy lợi ích mà CPTPP mang lại.
Cú đột phá chiến lược
Có thể nói, dù không nằm trong lịch trình chính thức của Tuần lễ Cấp cao APEC, nhưng tin tức về TPP lại được giới truyền thông ráo riết săn đón, doanh nghiệp và người dân chờ đợi. Họ mong chờ Hiệp định sẽ tạo thêm những cơ hội mới, công bằng, hấp dẫn trong tương lai. Bởi vậy, thông tin đính chính rằng Canada không rút khỏi TPP, đã thực sự giúp dư luận thở phào.
Giải thích về sự vắng mặt tại cuộc họp các nhà Lãnh đạo TPP có tính quyết định, Thủ tướng Canada Trudeau liên tục nhắc tới quan điểm của Canana rằng, họ tìm kiếm một thỏa thuận chuẩn mực cao, có lợi cho mọi người dân và sẽ không vội vã đạt được đồng thuận. Ông cũng không quên khẳng định, “còn nhiều việc phải làm”.
Đúng là còn nhiều việc phải làm để đưa CPTPP thành hiện thực, cả Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đều đã công nhận,
con đường để CPTPP có hiệu lực và duy trì là một hiệp định chất lượng cao còn dài. Dẫu sao đây vẫn là cú đột phá chiến lược không chỉ cho thương mại tự do trong khu vực. Với cú đột phá này, lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển được khẳng định. Đó là điều hết sức ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.