📞

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần sự "thay máu" triệt để

20:24 | 19/01/2017
Nhận định về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung cho rằng có những điểm khá gần gũi với giáo dục của các nước phát triển như tăng quyền tự chọn cho học sinh, tăng quyền cho cơ sở giáo dục…

Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED) về những thế mạnh, hạn thế của dự thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung.
 

Theo dự thảo, mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình. Là một chuyên gia về giáo dục, Tiến sĩ có đánh giá như thế nào về dự thảo của chương trình giáo dục phổ thông mới?

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Qua những chia sẻ của GS. Nguyễn Minh Thuyết được báo chí đăng tải thời gian vừa qua, tôi khá tâm đắc với cách tiến hành và tinh thần mà ban soạn thảo chủ trương. Theo nhận định của tôi, những điều này khá gần gũi với giáo dục tại các nước phát triển.

Chẳng hạn, dự thảo thể hiện những điểm chủ chốt như tăng quyền tự chọn cho người học, tăng quyền cho cơ sở giáo dục, đề cao vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên, đề cao tinh thần thực học thực nghiệp, sự trải nghiệm sáng tạo, giáo dục tự chủ, tôn trọng sự khác biệt…

Tất nhiên, chúng ta còn phải chờ xem những điều tích cực này sẽ được thể hiện, triển khai thế nào trong nội dung chương trình tổng thể, của từng môn học và từng hoạt động trường lớp.

Theo tôi, học sinh cần được tôn trọng, được chủ động lựa chọn. Không chỉ vậy, các em cần một phương pháp giáo dục khác biệt hóa, không chỉ là theo đặc điểm của từng vùng miền mà còn phải tùy theo khuynh hướng, năng khiếu của từng học sinh…

Mục tiêu của giáo dục phổ thông trước hết là tìm cách phát triển từng học sinh về mọi mặt theo cách riêng của từng em. Để rồi đến tuổi trưởng thành, sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, các em trở thành những người trẻ tự chủ về trí tuệ, về cảm xúc và đạo đức, về thể chất và hành động.

Bên cạnh những ưu điểm, chắc hẳn dự thảo về giáo dục phổ thông mới cũng sẽ gặp những cản trở nhất định phải không, thưa ông?

Tôi theo dõi các bước đi của đợt đổi mới thì nhận thấy nhiều lực cản đến từ bên ngoài và cả bên trong nhà trường. Đó là sự phản đối của chính các giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục và của cả phụ huynh. Đây cũng là điều dễ hiểu vì không dễ gì để tất cả mọi người có thể chấp nhận sự thay đổi trong một sớm một chiều và cùng một lúc.

Khó khăn thứ hai đến từ những con người cũ với “hệ điều hành” cũ đã ăn sâu bám rễ trong cách suy nghĩ và hành động của họ. Những người này ở mọi cấp quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương và trong từng trường học.

Khi mọi cấp không thực sự thông suốt để thay đổi thì chương trình có hay mấy cũng không có hiệu quả. Điều này sẽ dẫn tới sự thay đổi nửa vời trong giáo dục. Vì vậy, tôi nghĩ ban soạn thảo chắc cũng đã tính toán và lường hết các khó khăn để có một chiến lược, một lộ trình hợp lý.

GS. Nguyễn Minh Thuyết từng cho rằng: “Nếu học sinh THPT tiếp tục học nhiều môn như hiện nay, các em không chỉ bị quá tải mà còn không có điều kiện để học sâu những kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với định hướng nghề nghiệp của mình”. Vậy Tiến sĩ có đề xuất, góp ý gì với dự thảo này?

Tạm thời tôi không có góp ý gì về nội dung, mà chỉ xin góp vài ý về cách thực hiện, về con đường nên đi.

Thứ nhất, tôi nghĩ cần thành lập một Hội đồng cải cách giáo dục quốc gia với nhiệm vụ soạn thảo, theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập với Bộ GD&ĐT. Trong đó, tập trung các chuyên gia (cả trong nước lẫn nước ngoài), các giáo viên, đại diện các nhà quản lý giáo dục địa phương, đại diện phụ huynh, các doanh nghiệp, thị trường lao động, các nhà hoạt động văn hóa xã hội.

Hội đồng này phải có cơ chế "mở" để báo chí và toàn dân theo dõi, phản biện và góp ý. Một Hội đồng độc lập như thế sẽ tránh được sự xô đẩy, khống chế, ảnh hưởng của các “lợi ích nhóm” đến từ kinh tế hay chính trị.

Thành phần của Hội đồng này đến từ các cấp, các giới khác nhau nên chúng ta sẽ tìm được sự đồng thuận như giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, giữa giáo dục và thị trường lao động…

Thứ hai, sự đổi mới có thành công hay không phụ thuộc vào các tác nhân bên dưới, trong các nhà trường như hiệu trưởng và giáo viên. Điều này cũng phải cần một sự “thay máu” triệt để và phải có một lộ trình hợp lý.

Tôi nghĩ, nên mạnh dạn sử dụng các giáo viên trẻ, những người được cài “hệ điều hành mới” hoàn toàn để làm nòng cốt ngay từ đầu, nhằm giảm tư duy và cách làm cũ.

Hãy tin tưởng ở giáo viên, trả lương bổng xứng đáng, tạo môi trường thuận lợi, không gian tự do để họ có thể sáng tạo và cống hiến. Tuy nhiên, cũng cho họ biết trách nhiệm của những “kỹ sư tâm hồn” trong sự tương quan với học sinh, các phụ huynh và cộng đồng. Nghề giáo, ngoài chuyện để kiếm cơm áo hằng ngày còn liên quan đến sứ mệnh giáo dục con người. 

Thứ ba, phải đổi mới căn bản trong các trường sư phạm, nơi đào tạo chính đội ngũ giáo viên tương lai. Ở đó, phải tập trung các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tâm huyết trong và ngoài nước để có thể thực hiện đào tạo con người cho các trường và nghiên cứu, phát triển những cái mới. Các trường đại học sư phạm phải luôn gắn liền với những trường phổ thông thực nghiệm để nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong ngành sư phạm.

Về lâu dài, những chuyên gia trong các trường này cũng như tại các viện nghiên cứu về giáo dục nên thường xuyên gặp gỡ, nói chuyện với giáo viên và phụ huynh tại các trường phổ thông. Qua đó, truyền đạt, cập nhật những điều mới, những kết quả nghiên cứu mới của thế giới về cách thức giáo dục. Khi họ thấy những cái lợi của đổi mới với chính con em của mình, họ sẽ ủng hộ và hợp tác…

Thứ tư, để sự đổi mới thành công thì không thể thiếu vai trò của truyền thông báo chí. Hệ thống truyền thông phải có trách nhiệm làm cho mọi thành phần dân chúng hiểu về sự quan trọng của cải cách giáo dục vì lợi ích của thế hệ trẻ và vì tương lai của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Theo phác thảo của chương trình giáo dục mới do GS. Nguyễn Minh Thuyết tổng chủ biên, ở lớp 10, học sinh vẫn được học đủ các môn. Ngoài ba môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. Như vậy, số lượng các môn ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.

Từ lớp 11 trở đi, học sinh cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Đối với lớp 11 và 12, số giờ mỗi môn ước tính tối đa là 5 tiết/tuần. Dự kiến có 3 nhóm môn học: một nhóm học 3 tiết/tuần, nhóm 4 tiết/tuần và nhóm học 5 tiết/tuần. Dự thảo này dự kiến sẽ được thực hiện từ năm học 2018-2019.