IAEA xác nhận Iran làm giàu uranium vượt giới hạn trong JCPOA (Nguồn: AP) |
Tuyên bố của Iran hôm 7/7 về việc sẽ nâng cấp độ làm giàu urani lên cấp độ tinh khiết hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu để làm nguyên liệu cho nhà máy điện của nước này, làm gia tăng căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Iran đưa ra quyết định này một năm sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Trong nhiều tuần qua, Iran liên tục cảnh báo châu Âu về việc nước này sẽ bắt đầu rút khỏi thỏa thuận do tác động từ chiến dịch trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn Tehran xuất khẩu dầu mỏ và nhắm vào các quan chức hàng đầu.
Kế hoạch hành động chung toàn diện
Vào năm 2015, Iran kí kết thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc. Thỏa thuận này - với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) có được sau các cuộc đàm phán bí mật được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama tổ chức với Iran sau khi Tổng thống Hassan Rouhani, một người theo quan điểm ôn hòa, lên nắm quyền.
Iran đã đồng ý hạn chế làm giàu urani dưới sự giám sát của thanh tra Liên hợp quốc để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Các doanh nghiệp quốc tế đã “đổ xô” tới Iran để ký kết nhiều thương vụ, tiêu biểu nhất là thương vụ trị giá nhiều tỷ USD với Airbus và Boeing.
Vào năm 2018, Tổng thống Trump - người từng tranh cử với cam kết hủy bỏ thỏa thuận này bởi nó không giúp giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay ngăn chặn Iran can dự vào các cuộc xung đột khu vực - đã rút Mỹ khỏi JCPOA. Việc này đã làm gián đoạn các thương vụ quốc tế được hứa hẹn và là một đòn giáng vào nền kinh tế vốn suy sụp của Iran. Sau đó, chính quyền Mỹ ra tuyên bố bất kì quốc gia nào nhập khẩu dầu thô của Iran sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Iran đẩy nhanh việc làm giàu uranium. (Nguồn: BBC) |
Dự trữ urani của Iran
Cơ sở làm giàu urani chính của Iran nằm dưới lòng đất ở Natanz thuộc tỉnh Isfahan, miền Trung nước này, được bao quanh bởi súng phòng không. Iran còn một lò phản ứng hạt nhân khác đang hoạt động ở Bushehr, được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga từ năm 2011. Tại nhà máy điện nguyên tử Bushehr, Tehran hiện phải mua các thanh nhiên liệu uranium đã được làm giàu cấp độ 20% của Nga để sử dụng.
Theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ được phép dự trữ dưới 300 kg urani được làm giàu ở mức thấp, so với 10.000 kg urani được làm giàu ở mức cao hơn mà Iran từng sở hữu. Hiện nay, thỏa thuận cho phép Iran làm giàu urani tới mức 3,67%, chỉ đủ để cung cấp cho nhà máy điện nguyên tử thương mại.
Còn để chế tạo được vũ khí hạt nhân, urani cần được làm giàu tới 90%. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, một khi một quốc gia đã làm giàu urani đến khoảng 20% thì thời gian đạt đến mức 90% chỉ còn một nửa. Trước đây, Iran đã từng làm giàu urani đến mức 20%. Các quan chức Iran cho biết, nước này đã tăng lượng urani được làm giàu ở mức thấp lên gấp 4 lần và vượt qua giới hạn 300 kg hôm 1/7.
Các máy li tâm của Iran
Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ được phép vận hành 5.060 máy li tâm mẫu IR-1 đời cũ. Máy IR-1 được chế tạo dựa trên một thiết kế của Hà Lan những năm 1970 mà nhà khoa học người Pakistan A.Q.Khan đã sử dụng để xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân của Islamabad và sau đó bán cho Iran, Libya và Triều Tiên.
Iran có khả năng chuyên môn để xây dựng và vận hành các phiên bản tối tân hơn có tên IR-2M, IR-4 và IR-6 ở Natanz, nhưng đã phải dừng lại theo thỏa thuận hạt nhân. Iran cũng từng đình chỉ hoạt động nhiều máy li tâm như một phần trong thỏa thuận.
Từ chương trình “Nguyên tử cho hòa bình” đến siêu mã độc Stuxnet
Chương trình hạt nhân của Iran thực chất bắt đầu với sự trợ giúp của Mỹ. Trong khuôn khổ chương trình “Nguyên tử cho hòa bình”, Mỹ đã cung cấp cho Iran một lò phản ứng thí điểm năm 1967, dưới thời vua Iran Mohammad Reza Pahlavi.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Iran mở rộng chương trình hạt nhân, gồm việc mua các trang thiết bị của nhà nghiên cứu Khan. Theo như đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran “dường như đã có được thiết kế” của một quả bom và các nghiên cứu về kíp nổ.
Đến tháng 8/2002, các cơ quan tình báo phương Tây và phe đối lập của Iran đã phát hiện một nhà máy hạt nhân bí mật ở Natanz. Cho đến nay, Iran vẫn phủ nhận việc chương trình hạt nhân của nước này phục vụ mục đích quân sự.
Iran đã dừng việc làm giàu urani vào năm 2003 nhưng 3 năm sau lại tiếp tục hoạt động dưới thời của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người theo quan điểm bảo thủ. Sau đó, các cường quốc đã thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Trong năm 2010, siêu mã độc Stuxnet, được nhiều người cho là phát minh chung của Mỹ và Israel, đã lây nhiễm vào hệ thống máy tính điều khiển các lò hạt nhân của Iran, gây hư hại hàng nghìn máy ly tâm. Sau đó Iran đã khắc chế được virus này.