📞

Chương trình tuyên truyền và Tọa đàm trực tuyến ASEAN 2020 - Kết nối doanh nghiệp Việt

Nhóm PV-TGVN 15:18 | 13/11/2020
TGVN. Bên lề các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, chiều 13/11, tại Hà Nội, Báo TG&VN thực hiện Chương trình tuyên truyền và Tọa đàm trực tuyến ASEAN 2020 - Kết nối doanh nghiệp Việt.
Khách mời tham gia chương trình Toạ đàm.

Người dân và các nền kinh tế ASEAN đã và đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tác động của đại dịch Covid -19. Đại dịch đã phá vỡ các liên kết kinh tế toàn cầu, làm tê liệt sản xuất và đẩy việc kinh doanh đến bờ vực khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Khu vực kinh doanh với sự năng động, sáng tạo, đổi mới và sự say mê của mình sẽ là động lực chính trong việc xác định các biện pháp và các bước đi để phục hồi kinh tế và đảm bảo khả năng tự cường trong nền kinh tế.

Bên cạnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Ban Tổ chức có sáng kiến tổ chức Tọa đàm trực tuyến ASEAN 2020 - Kết nối doanh nghiệp Việt. Chương trình được phát trực tuyến trên Báo điện tử Thế giới & Việt Nam (www.baoquocte.vn)

Các khách mời tham gia phiên tọa đàm đầu tiên với chủ đề Phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp tình trạng mới và khả năng hợp tác cùng phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh-đầu tư trong khu vực ASEAN gồm: TS.Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC); Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ông Đặng Hoàng Linh – Giám đốc Chính sách công & Quan hệ chính phủ Gojek Việt Nam.

Trao đổi tại chương trình, TS.Võ Trí Thành đã đưa ra những đánh giá về sự thích ứng trước những bất ổn về môi trường kinh doanh, đầu tư và khả năng hấp thụ những cơ hội mới của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung, trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng với nền kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực ASEAN và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đại dịch buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về cách thức tiêu dùng, lối sống, công nghệ.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đặt ra rủi ro và sự bất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hiện có sự thích ứng tốt, linh hoạt với các chuyển biến mới, cũng như những khó khăn đó. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tự liên kết với các doanh nghiệp khác, như chia sẻ đơn đặt hàng, trả tiền hàng chậm…

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, tính nhân văn trong ứng xử với người lao động của doanh nghiệp cũng được đánh giá cao. Dù đại dịch khiến doanh số bán hàng bị giảm sâu nhưng tốc độ cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp tương đối thấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã luôn sẵn sàng tư duy vượt khó và tái cấu trúc doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi phương thức quản trị gắn với quá trình chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng để phù hợp xu hướng chuyển đổi phương thức kinh doanh.

Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong thời gian qua, VietinBank đã đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện các mặt hoạt động, đẩy mạnh số hóa các kênh cung ứng để đáp ứng đầy đủ và toàn diện nhu cầu của khách hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19.

"VietinBank tập trung phát triển các sản phẩm thanh toán trực tuyến hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian phong tỏa, cách ly do đại dịch Covid-19, góp phần hạn chế tiếp xúc đồng thời cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, cho mọi đối tượng trên cơ sở thuận tiện, an toàn, bảo mật", ông Nguyễn Khoa Đức Anh khẳng định.

Đại diện VietinBank cũng nhấn mạnh, mô hình kinh doanh của VietinBank được dịch chuyển từ tăng trưởng quy mô là chính, sang cải thiện chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ.

Chia sẻ về những chính sách của VietinBank nhằm hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Đức Anh cho biết, VietinBank đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thứ nhất, VietinBank triển khai đồng loạt các chương trình tín dụng, sản phẩm tín dụng, miễn giảm lãi, phí, cung cấp đa kênh thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tốt nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai, VietinBank đơn giản hóa thủ tục, trao quyền chủ động cho chi nhánh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay. Thứ ba, Ngân hàng đã chủ động cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Tại chương trình, ông Đặng Hoàng Linh – Giám đốc chính sách công & Quan hệ chính phủ Gojek Việt Nam nhận định rằng, dịch Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn nhưng cũng mang lại những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tiếp cận công nghệ và số hóa trong quá trình hoạt động.

Ông Linh cũng nói về mô hình kinh tế chia sẻ, một trong những mô hình kinh tế đang thể hiện được ưu thế trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Gojek Việt Nam nhấn mạnh, trong nền kinh tế chia sẻ và với mô hình như Gojek, trách nhiệm xã hội được doanh nghiệp lồng ghép trong cốt lõi hoạt động kinh doanh của mình bằng việc hàng ngày tạo ra những giá trị cho hệ sinh thái. Để rồi, đến lượt mình, những đối tác trong hệ sinh thái sẽ tiếp tục lan toả các giá trị cho chính cộng đồng, đồng thời tác động đến xã hội. Đây chính là mô hình “Tạo ra giá trị chia sẻ” mà Trường Kinh doanh Harvard đã đánh giá là làn sóng tiếp theo của đổi mới - sáng tạo và tăng trưởng trong năng suất lao động. Theo đó, doanh nghiệp và cộng đồng cùng tạo ra giá trị xã hội, góp phần tạo ra giá trị cho xã hội, cùng đồng thời gia tăng lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh.