📞

Chút kinh nghiệm từ "đại dịch của năm"

11:30 | 08/01/2015
Sau những tháng ngày hoảng loạn, rốt cuộc thế giới cũng đã thôi ầm ĩ vì Ebola từ cuối tháng 10! Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến ngày 22/12/2014, thế giới đã ghi nhận 19.440 trường hợp mắc Ebola, trong đó 7.582 trường hợp tử vong1.
"Mặt tui khi đi ngang qua Bệnh viện Cơ đốc nè"! (Tên bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi bệnh nhân Duncan chết vì Ebola.

Tại châu Phi, tử vong nhiều nhất là tại Liberia với 3.376 người trên 7.830 trường hợp mắc, Sierra Leone với 2.556 cho dù có đến 8.939 trường hợp mắc và Guinea là 1.586 dù chỉ có 2.571 trường hợp mắc. Trong phần còn lại của châu Phi, mức độ lây nhiễm và thiệt hại không đáng kể. Ở Mali, chỉ có tám trường hợp mắc, sáu trường hợp tử vong. Còn ở Senegal chỉ một trường hợp mắc nhưng không ai bị tử vong.

Bên ngoài châu Phi, chỉ ở Mỹ có một trường hợp duy nhất tử vong trên tổng số bốn trường hợp mắc! Ngoài Tây Ban Nha có một trường hợp mắc, trên thế giới tuyệt nhiên không có nước nào khác ghi nhận có người mắc Ebola.

Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một bài viết ngày 12/12/2014(2) , giải thích rằng tử vong cao ở Guinea, Liberia, Sierra Leone là do hệ thống y tế yếu kém, đặc biệt thiếu cán bộ y tế có trình độ, hệ thống giám sát dịch tễ và thông tin không thỏa đáng. Một vấn đề lớn khác là việc giáo dục về y tế lại có phần hạn chế, nên sự tiếp cận và tham gia của cộng đồng cũng hạn chế theo mà thêm lây lan…

Giáo dục, thông tin (đừng dùng chữ thông tin tuyên truyền) về dịch tễ là điều mà ngay cả tại Mỹ cũng đã có lúc nhường chỗ cho những la "oai oái" về cái chết của bệnh nhân đầu tiên tên Duncan, nào là "trong sự bất lực của bệnh viện", rồi đến trường hợp nữ y tá Nina Phạm, rồi thì chuyện một nữ y tá khác cũng bị nhiễm ở bệnh viện này đã "khơi khơi" bay từ Dallas đi Ohio rồi bay về! Cũng may là cơn hốt hoảng đại chúng ở Mỹ cũng đã kịp kết thúc sau những ngày căng thẳng đầu tháng Mười khi báo chí khai thác quá đậm, gieo nỗi kinh hoàng tập thể: Ebola, không có thuốc chữa!

Đại hốt hoảng vì đại dịch Ebola đã lan qua Việt Nam đợt thứ nhất với những bài báo dịch từ tiếng nước ngoài "Không có thuốc chữa" đã càng lan đậm đợt thứ nhì giữa tháng Mười với việc bệnh nhân gốc Việt Nina Phạm. Thêm "mắm muối" là những tin "râu ria" gây thêm lo lắng như Chó cưng của nữ y tá nhiễm Ebola không bị giết (songkhoe.vn,15/10), Nina Phạm truyền Ebola cho bạn trai? (songkhoe.vn, 21/10). Chính quyền Obama phải dành hết tháng Mười để lãnh đạo cuộc chiến chống Ebola cả ở nước ngoài nơi Mỹ gửi quân đến hỗ trợ, lẫn ở trong nước, ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 4/11. Và rồi, đến thứ hai 22/10, CNN "tỉnh ra" để thú nhận rằng: "Trong khi mối đe dọa của Ebola là rất có thực ở châu Phi, thì cơn sợ hãi hoang tưởng dấy lên tại Mỹ là không có thực. Số trường hợp mắc Ebola được ghi nhận ở Mỹ có thể đếm bằng tay và vẫn còn thừa nhiều ngón! Thật là lố bịch!". Một sự xả-súp-bắp cần thiết để tạo không khí ổn định cho đảng cầm quyền tranh cử.

Chính vì thế, Tiến sĩ Kieny, người phụ trách toàn thể vấn đề hệ thống y tế và đổi mới của WHO, nhấn mạnh nay đã đến lúc phải thay đổi! Tất nhiên là "củng cố các hệ thống y tế. Nhưng, quan trọng hơn việc chỉ đơn giản tăng cường năng lực hiện có dành cho Ebola, các nước cần phải tạo ra các hệ thống tích hợp co dãn có thể chủ động đáp ứng được với bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai". Đây hẳn là một nhắc nhở cho những hệ thống y tế đã từng "rần rần" mua sắm thiết bị, như thể mỗi dịch tễ, mỗi loại virus lại đòi phải sắm thiết bị mới đúng tên dịch đó, virus đó!

Dịch tễ, cần phải "sống còn" đề phòng, song cũng đừng để "thần hồn nát thần tính"!

Danh Đức

1. Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

2. Dr Marie-Paule Kieny, Assistant Director-General, Health Systems and Innovation,WHO, Ebola and health systems: Now is the time for change

http://www.who.int/mediacentre/commentaries/health-systems-ebola/en/