Tuần qua, Việt Nam rộn ràng sự hiện diện của các vị khách quý trên khắp thế giới đến dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các chuyến thăm song phương. Họ đến rồi đi, nhưng những hình ảnh để lại Việt Nam là rất riêng và đẹp.
Những ngày này, trên các diễn đàn truyền thông vẫn truyền nhau những tấm hình về khoảnh khắc đáng nhớ của một số lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Thủ tướng Australia chụp ảnh selfie với người dân Đà Nẵng. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Phút đời thường của chính khách
Trong số lãnh đạo các nền kinh tế APEC đến Việt Nam, có lẽ người ta dễ nhớ đến Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hơn bởi ông đã tranh thủ cùng đầu bếp người Australia gốc Việt Luke Nguyễn đi ăn sáng với món bánh mì tại một quán vỉa hè ở Đà Nẵng. Lý do ông Turnbull muốn thưởng thức bánh mì khi tới Đà Nẵng là do "bánh mì kẹp Việt Nam” là món ăn khá phổ biến ở Australia. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông Turnbull lại chọn bánh mì để thưởng thức, bởi Việt Nam là thị trường xuất khẩu các mặt hàng bột mì và thịt bò lớn thứ hai của Australia. Hơn nữa, bột mì là thành phần chính chế biến mì sợi và phần lớn bánh mì mà người Việt Nam thưởng thức hàng ngày.
Thủ tướng Australia đã gây ấn tượng mạnh bởi sự gần gũi khi vui vẻ chụp ảnh selfie cùng với người dân Đà Nẵng. Những cử chỉ đó của ông không chỉ chiếm được thiện cảm của người dân Đà Nẵng mà còn góp phần quảng bá các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Australia đang được sử dụng trong các món ăn tiêu biểu của Việt Nam và ở cả châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu như ông Malcolm Turnbull được gọi vui là “Thủ tướng thích selfie”, thì sự xuất hiện của “Thủ tướng soái ca” Justin Trudeau của Canada tại Việt Nam là một trong những từ khóa “hot” nhất trong khi diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC. Có thể nhận thấy rõ sức hút của nhà lãnh đạo trẻ này khi ông giản dị ngồi cà phê ở quán cóc vỉa hè cùng với một nhân viên của Lãnh sự quán Canada tại TP. Hồ Chí Minh hay khi vui vẻ trò chuyện cùng các sinh viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
-Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi cà phê vỉa hè. (Nguồn: Zing) |
Từng đến thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995, ông Trudeau đã có một Sài Gòn cũ cho riêng mình trong ký ức cùng với ba lô trên vai và chiếc xe đạp. Và nay, ông muốn quay trở lại, dạo phố và ngồi ở một góc vỉa hè để cảm nhận sự thay đổi của Thành phố.
Khi đến nói chuyện với các sinh viên, Thủ tướng Canada luôn tạo cảm giác thân thiện. Ông chia sẻ bản thân từng phải đối mặt với áp lực và kỳ vọng lớn của gia đình vào con đường chính trị bởi bố ông cũng là cựu thủ tướng. Thế nhưng, ông đã tìm ra con đường cho riêng mình và trở thành giáo viên. Ông Trudeau cho rằng, nếu không có khoảng thời gian để tìm ra hướng đi của mình thì ông sẽ không bao giờ trưởng thành như ngày hôm nay. Và đó là điều ông thấy phù hợp nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng hoa cho bé trai Việt Nam. (Nguồn: Zing) |
Ấn tượng Việt Nam của Tổng thống Mỹ
Có lẽ, sự hiện diện của Tổng thống Donald Trump tại Đà Nẵng là một trong những sự kiện được chờ đón của Tuần lễ Cấp cao APEC. Bởi đối với nhiều người dân Việt Nam, Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ vẫn là một hình ảnh mới mẻ, nhiều bất ngờ và người ta chờ đợi ông sẽ mang lại ấn tượng gì khi lần đầu đến Việt Nam.
Khác với các những người tiền nhiệm đã từng đến Việt Nam, Tổng thống Donald Trump không xuất hiện quá nhiều giữa đám đông. Thế nhưng, ông lại khiến người dân Việt Nam có tình cảm với bài phát biểu tại APEC có nói về ý chí độc lập và tinh thần yêu nước nồng nàn của người Việt Nam.
Đặc biệt, ông Trump là số ít các nhà lãnh đạo APEC dù thời gian bận rộn vẫn cập nhật thường xuyên trạng thái cảm xúc khi ở Việt Nam lên mạng xã hội. Tổng thống Mỹ đã viết trên Twitter: "Chúng tôi đã có một chuyến viếng thăm tuyệt vời đến Việt Nam. Cảm ơn Chủ tịch Trần Đại Quang". Thậm chí, ông Trump còn đăng tải lên tài khoản cá nhân của mình tới năm đoạn video được ông ưng ý nhất.
Không chỉ vậy, tới Hà Nội trong chuyến thăm chính thức chiều 11/11, Tổng thống Mỹ đã livestream (quay và phát trực tiếp) hình ảnh sân bay Nội Bài. Ông còn nhận được cảm tình của người dân khi bất ngờ bước đến tặng hoa cho bé trai Việt Nam 11 tuổi - thành viên nhỏ tuổi nhất ra đón Đoàn ở Sân bay.
Khi phu nhân trải nghiệm văn hóa Việt
Với các phu nhân lãnh đạo các nền kinh tế APEC, họ có cách riêng để hưởng trọn những ngày đặc biệt ở Việt Nam. Vào một ngày đẹp trời, họ đã khoác lên vai chiếc khăn lụa Mã Châu do chính tay bà Nguyễn Thị Hiền - Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng và khám phá những sắc màu văn hóa Việt tại Quảng Nam.
Ở phố cổ Hội An - Di sản văn hóa được UNESCO công nhận vào năm 1999, các phu nhân cùng dạo phố Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những khu phố minh chứng cho sự phát triển phồn thịnh của Hội An, bước chân qua Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An và ghé lại khu phố An Hội – nơi hình thành từ một bãi bồi trên sông Thu Bồn, hiện đã được quy hoạch thành chợ đêm Nguyễn Hoàng… Tại đây, các phu nhân đến từ Singapore, Peru, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, cũng như chứng kiến cuộc sống bình yên, giản dị của những người dân địa phương. Đặc biệt, lần đầu họ được tìm hiểu về nghề điêu khắc tre, nghệ thuật gấp lá dừa, món ăn Chí Mà Phù, đậu hũ truyền thống của Việt Nam.
Dừng chân bên khung thêu của một nghệ nhân nghề thêu Hội An, các phu nhân APEC đã bày tỏ thán phục về sự sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam. Khi đến Làng lụa Hội An tham quan và được chạm tay vào các sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam, họ ngạc nhiên biết rằng, ngay từ thế kỷ XVI-XVIII đã từng có một con đường tơ lụa trên biển mà thương cảng Hội An là bến đỗ của các thương thuyền Âu, Á.
Phu nhân trải nghiệm văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Lúc tham quan khu trưng bày các nghề truyền thống như nghề gốm, mây tre đan, làm nón, làm đèn lồng... tại khu nghỉ dưỡng Nam An (Đà Nẵng), bà Lynda Babao O’neill - Phu nhân Thủ tướng Papua New Guine rất thích thú với trò chơi dân gian truyền thống nặn tò he của Việt Nam. Đón nhận món quà tặng là một to he hình con rồng, bà Lynda Babao O’neill cho biết, bà đã lên kế hoạch cho chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới cùng gia đình. Đó sẽ là cơ hội tiếp theo để bà được đi đến nhiều nơi, hiểu biết sâu hơn về Việt Nam và sự tương đồng văn hóa giữa hai nước.
Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Kim Jung-sook cũng cảm thấy thú vị khi có được một ngày trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Đi tới đâu, bà Kim Jung-sook cũng nở nụ cười trên môi, đặc biệt là lúc được xem các thiếu nhi Việt Nam biểu diễn văn nghệ và ngắm nhìn các thiết kế áo dài truyền thống của Việt Nam theo các phong cách: áo dài xưa, áo dài cận đại, áo dài thổ cẩm, áo dài hiện đại.
Bà Kim Jung-sook cũng đã tới thăm làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) và tham gia hoạt động vẽ tranh nhằm khích lệ tinh thần người dân địa phương. Đúng như biệt danh được người dân Hàn Quốc trao tặng là "Bà Jung-sook thân thiện”, khi bước vào cổng làng, bà đội nón lá Việt Nam và mặc áo phông với dòng chữ "Hàn Quốc - Việt Nam, Nghệ thuật cho cộng đồng tốt đẹp hơn".
Tại Tam Thanh, Bà Kim Jung-sook đã đến thăm một số nhà dân, ngắm nhìn những bức bích họa nhiều màu sắc và cùng các em nhỏ tô màu cho những con cá gỗ rồi gắn tác phẩm lên bức tường làng trên con đường dẫn ra biển. Bà còn gửi tặng màu nước cho các em thiếu nhi địa phương với mong muốn các em sẽ phát triển được niềm đam mê mỹ thuật.