📞

Chuyện chưa kể về việc dạy và học tại vùng Biển Hồ*

13:33 | 29/06/2018
Sáng nay, trời se lạnh, cái lạnh hiếm hoi của vùng Tây Bắc Campuchia – xứ sở của miền nắng, gió…Bước chân vào cửa lớp, tôi thấy từng tốp học sinh đang chụm đầu vào nhau, hí hửng tô vẽ gì đó. Tôi tới gần, thì ra các em đang vẽ thiệp Giáng sinh và năm mới tặng cô giáo. Có em đang mở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 để tìm chữ hoa viết tên tôi lên thiệp. Một mùa Noel nữa lại về và cái Tết cổ truyền của dân tộc cũng đã cận kề. Những kỷ niệm về ngày đầu đến với công việc này trong tôi lại ùa về…

Tôi nhận dạy tiếng Việt lớp 1 cho con em người Campuchia gốc Việt tại Siêm Riệp- nơi rất đông bà con gốc Việt sinh sống. Lớp học được cộng đồng người Việt ở đây mở đã được hơn 3 năm. Bà con và học sinh ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn về địa vị pháp lý cũng như trong cuộc sống mưu sinh, đặc biệt là ở khu vực Biển Hồ, nên trình độ nhận thức cũng còn hạn chế rất nhiều.

Gian nan việc gieo chữ, ươm mầm văn hóa

Tôi đi dạy với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ con em người Việt mình không quên tiếng mẹ đẻ và văn hóa của dân tộc mình. Tôi đã bắt đầu công việc này tiếp nối từ một cô giáo trẻ. Đến với nơi dạy học, tôi rất ấn tượng vì phòng học ở đây rất khang trang theo đúng nghĩa một trường tiểu học. Mỗi lớp học với gần 30 học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ 5-6 tuổi đến 15-16 tuổi. Có em đi học còn phải mang theo cả em nhỏ 2-3 tuổi để vừa học vừa trông em. Nhìn qua cách ăn mặc nhem nhuốc của các em tôi cũng đoán biết phần nào hoàn cảnh sống của chúng. Tôi chú ý quan sát giờ học của các em và điều đó đã làm tôi cảm thấy có chút gì đó hụt hẫng. Trong giờ học các em không tập trung, mỗi đứa một kiểu, đứa gác chân lên bàn, đứa thì quay ngang nói chuyện ồn ào, cô giáo ngồi trên dường như bất lực trước đám học trò.

Lễ Khai giảng năm học mới 2016-2017 của trường.

Buổi dạy đầu tiên của tôi, tôi yêu cầu các em về chỗ ngồi đàng hoàng và gọi từng em lên hỏi tên để làm danh sách lớp vì cô giáo trước không bàn giao lại danh sách. Điều làm tôi hơi choáng là khi hỏi tới, các em hầu như không biết mình họ gì và bao nhiêu tuổi. Đến lượt hỏi tên cha mẹ các em, có em hồn nhiên trả lời “cha em tên là cha”… Một nỗi buồn trào dâng trong tôi. Buổi lên lớp đầu tiên thật mệt mỏi bởi phải “la, hét” nhiều và tôi cũng cảm thấy lo lắng không mình biết sẽ bắt đầu từ đâu? Tôi cũng được cảnh báo rằng nhiều cô giáo trước đã bất lực và ngồi khóc vì đám học trò này.

Những ngày tiếp theo, tôi còn phải chứng kiến và phân xử nhiều cảnh bi hài như việc hai chú cháu trong lớp học đánh nhau, rồi cách hành xử của phụ huynh xồng xộc vào lớp học mắng nhiếc con, coi như không có sự có mặt của tôi. Tôi rất trăn trở và suy nghĩ, trường lớp ở đây tương đối đầy đủ nhưng học trò và phụ huynh học sinh sao lại như vậy? Và rồi tôi nhận ra rằng tôi đến đây không chỉ dạy tiếng Việt, mà còn phải dạy cho các em về cách sống, lối sống sao cho đúng với nét thuần phong mỹ tục của người Việt mình.

Tôi bắt đầu công việc đầu tiên là soạn ra một bản nội quy với hai phần rõ ràng, phần dành cho học sinh và phần dành cho phụ huynh học sinh. Bản nội quy tôi cẩn thận xin góp ý và sự thông qua của người đại diện phụ trách cộng đồng người Việt tại đây. Sau đó bản nội quy này được tôi dán ngay trước cửa mỗi lớp học. Tôi cũng đề nghị các lớp đọc trước lớp cho các em nghe và sau đó gửi về cho các bậc phụ huynh. Dẫu biết rằng có nhiều phụ huynh có thể không đọc được nội dung bản nội quy này, nhưng dù sao đây cũng là điểm tựa để chúng tôi bắt đầu một quá trình dạy học quy củ hơn.

Thiệp chúc mừng nhân dịp Giáng sinh và năm mới do học sinh lớp 1 tự tay làm tặng cô giáo.

Thực hiện bản nội quy, việc đầu tiên là chúng tôi chấn chỉnh không cho phép học sinh nói tục, chửi thề và chơi những trò chơi phản giáo dục như cờ bạc, cá cược liên quan đến tiền… Kết quả ban đầu cho thấy học sinh giảm bớt những việc xấu này, nhưng chúng tôi cũng nhận được sự phản hồi, chỉ trích của một số phụ huynh và người lớn. Nhiều lúc căng thẳng đến mức tôi cảm thấy nản chí, chỉ muốn nghỉ dạy. Nhưng chính trong những lúc đó, hình ảnh những học sinh bé nhỏ của tôi phải nghỉ học còng lưng kéo xe ba gác đi lượm ve chai giữa trưa hè nắng ngắt, phải theo mẹ đi giặt đồ thuê để kiếm tiền… mà tôi đã tận mắt chứng kiến khiến tôi có thêm quyết tâm không nhụt chí. Tôi lại tiếp tục tự tìm tòi những phương pháp dạy dỗ các em sao cho hợp lý hơn.

Những trái ngọt đầu vụ

Ba tháng đầu năm học, tôi vừa dạy và dường như thêm cả la hét để các em tập trung nghe giảng. Chính vì vậy tôi bị ho, mất tiếng cả tháng trời mà vẫn không dám nghỉ. Tôi nhớ có lần vì gắng nói to, tôi bị ho rũ rượi phải gục mặt xuống bàn, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng một em học sinh nói “Tụi bay mất trật tự quá, cô giáo la tụi bay giờ ho quá kìa”. Lớp học đột nhiên im lặng. Tôi chợt nhận ra, đã có sự thay đổi trong các em.

Thời gian trôi đi, các từ, các câu trong bài học mà tôi giảng cứ ngấm dần vào tâm hồn các em. Trong các bài giảng, tôi thường lồng ghép những câu chuyện về lối sống, về cảnh đẹp của đất nước quê hương Việt Nam, về những phong tục tập quán của dân tộc như ngày Tết cổ truyền... Cứ thế, qua những câu chuyện và bài học, tôi khơi dậy và bồi đắp thêm những điều tốt đẹp, những giá trị tinh thần bất diệt của con người Việt Nam để gắnh nặng mưu sinh và hoàn cảnh sống của gia đình bớt đè nặng trong tâm hồn non nớt của các em.

Một ngôi trường bè nổi trên Biển Hồ vừa được khánh thành vào tháng 12/2016.

Kết thúc năm học, tôi thật vui và phấn khởi bởi cảm giác hụt hẫng ban đầu khi đến với công việc này đang dần tan đi. Trường lớp quy củ hơn, đặc biệt là tình cảm của các em học sinh và phụ huynh dành cho chúng tôi đang lớn dần. Các em hôm nay đã biết và hiểu hơn những tình cảm của chúng tôi và đáp lại tình cảm, sự quan tâm đó bằng tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh và năm mới do tự tay các em làm. Điều này làm tôi hết sức xúc động và trân trọng.

Tự bản thân chúng tôi có lẽ chưa dám nhận về mình danh hiệu là thầy cô giáo mà chỉ là những người đi gieo chữ, tiếp tục bồi đắp văn hóa Việt cho các em trong cộng đồng người Việt xa xứ. Chúng tôi, cũng như bao người con xa xứ, cũng phải đối diện với bộn bề lo toan trong cuộc sống mưu sinh. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn luôn tha thiết được giúp các em học sinh của mình có cuộc sống văn minh, hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, về lịch sử đất nước mình và sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình, khác hẳn với thế hệ cha, mẹ các em. Và để dù đi bất cứ đâu, ở bất kỳ nơi nào, các em cũng luôn ngẩng cao đầu vì mình là người Việt Nam.

Một năm mới đang đến, chắc rằng phố phường, bản làng quê hương Việt Nam đang đựợc chăng đèn kết hoa chào đón mùa Xuân mới với biết bao hy vọng về những điều tốt lành. Chúng tôi và các em học sinh ở đây cũng cùng tâm trạng như vậy. Giờ học của chúng tôi đã bắt đầu, các em đang đồng thanh hát vang: “Mở cửa ra cho ánh sáng vào phòng…”. Hy vọng ánh sáng bình minh trí thức ấm áp sẽ tiếp tục khai mở và bồi đắp hành trang cho các em học sinh nơi đây.

 (*Tác phẩm đã đoạt Giải Khuyến khích Giải thưởng

Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại 2017)

(Campuchia)