TIN LIÊN QUAN | |
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trồng lúa, nuôi tằm trong Hoàng cung | |
Cuộc đời Nhật hoàng thay đổi nhiều nguyên tắc Hoàng gia |
“Vâng, có lẽ hãng của tôi là hãng đầu tiên do một Việt kiều gây dựng được đón Nhật Hoàng đến thăm. Không có gì diễn tả được vinh dự này”, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch công ty sản xuất thiết bị y tế Metran trả lời phỏng vấn Zing.vn từ Nhật Bản. Hơn 4 năm sau cuộc gặp, dường như ông vẫn nguyên vẹn niềm tự hào và ấn tượng sâu sắc.
Được đón Nhật Hoàng đến thăm là một vinh dự lớn đối với ông Trần Ngọc Phúc. (Nguồn: NVCC) |
Những ngày đầu tháng 7/2012, người viết bài này khi đó đang ở Nhật Bản đã được chứng kiến báo chí, truyền hình Nhật Bản đưa tin đậm và cộng đồng người Việt xôn xao về sự kiện Nhật Hoàng đến thăm một công ty của người gốc Việt.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Đây là vinh dự rất lớn với cá nhân ông Trần Ngọc Phúc và với cả cộng đồng người Việt. “Với người Nhật, được gặp Nhật Hoàng đã là niềm vinh dự. Huống hồ một mình tôi đã được trực tiếp nói chuyện với Nhật Hoàng trong một tiếng rưỡi”, khi đó ông nói.
Ông Trần Ngọc Phúc du học Nhật Bản năm 1968. Ông cùng bạn bè lập Metran năm 1984 tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama (gần Tokyo) và nức tiếng với máy hô hấp nhân tạo cao tần số - sản phẩm kỹ thuật cao được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật.
“Sự kiện Nhật Hoàng ghé thăm Metran cũng là một minh chứng cho những gì chúng tôi đang làm”, ông mở đầu câu chuyện bằng niềm tự hào về thành công của mình. Nhưng cả câu chuyện sau đó với chúng tôi lại là những kỷ niệm của ông với một Nhà vua cao trọng nhưng phong thái rất ân cần, giản dị và uyên bác.
“Lúc đó Nhật Hoàng mới mổ tim được chừng một tháng. Để chuẩn bị cho chuyến thăm Metran, những người trong Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản đã tới để tập dượt mọi tình huống.
Chuyến thăm của Nhật Hoàng được chuẩn bị rất kỹ. (Nguồn: NVCC) |
Chính xác đến từng 10 giây
Những người tùy tùng biết rất rõ Nhật Hoàng đi đứng với tốc độ như nào, nên họ tập trước cho tôi. Họ dặn khi đi lên cầu thang dẫn lên văn phòng chính của hãng trên tầng hai, chỉ có tôi mới có quyền đi trước Nhật Hoàng một bước, vì có nhiệm vụ giới thiệu về hãng, còn những người tùy tùng phải đi sau. Khi đi xuống, cũng chỉ tôi mới được đi trước Nhật Hoàng một bước để lỡ Nhật Hoàng ngã, tôi phải để ý để đỡ Nhật Hoàng.
Mọi chi tiết trong lịch trình chuyến thăm của Nhật Hoàng đều được tính toán chính xác đến từng 10 giây. Đoàn xe chở Nhật Hoàng rời Cung và đỗ trước hãng của tôi chỉ sai 1-2 giây so với kế hoạch.
Nhật Hoàng xuống xe, bên đường bao người dân chào đón. Bên này không có chuyện bắt tay, mà chỉ cúi chào. Tôi giới thiệu bản thân mình, giới thiệu công việc của mình, giới thiệu với Nhật Hoàng chi tiết, mô phỏng máy hô hấp nhân tạo của Metran hoạt động như thế nào để cứu những cháu bé sinh thiếu tháng mà không để lại di chứng.
Ông Trần Ngọc Phúc đón Nhật Hoàng ở cửa vào công ty Metran. (Nguồn: NVCC) |
Khi rước Nhật Hoàng lên tầng hai, có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Tôi hơi lo là ở trụ sở hãng của tôi không có thang máy, cầu thang hơi cao, có thể Nhật Hoàng đi từ dưới lên sợ hơi mệt.
Ở nửa chừng cầu thang có chỗ hơi rộng rộng, tôi âm thầm để một cái ghế ở đó để Nhật Hoàng ngồi đó nghỉ. Nhưng lúc đến, Nhật Hoàng đi một mạch lên tầng 2. Lên đến nơi, Nhật Hoàng quay lại nói với tôi: “Tôi cảm ơn ông Giám đốc đã để cái ghế đó cho tôi”.
Tôi bất ngờ. Thường những người quá nổi tiếng, thì những người xung quanh có làm gì cho họ, họ cũng coi như chuyện thường thôi. Nhưng không ngờ Nhật Hoàng đã biết tâm tình của tôi.
Một chuyện nữa. Trong 15 phút cuối cùng của chuyến thăm, Nhật Hoàng có cuộc đối thoại với mười mấy nhân viên của Metran. Nguyên tắc là không ai được hỏi Nhật Hoàng, chỉ Nhật Hoàng hỏi thì được trả lời thôi. Trong nhóm các nhân viên của tôi, có một người hiện đã làm giám đốc. Ông là người Nhật, nhưng từ nhỏ ở Canada nên không bị ảnh hưởng của nền giáo dục Nhật thuần túy.
Nhật Hoàng có hỏi: “Tại sao ông làm công việc này?” Ông ấy đáp đây là công việc ông phụng sự cho nhân loại được. Ông còn nói thêm, tuần sau vợ ông sẽ sinh con và ông thấy rất an tâm vì được sinh con ở Nhật. Nhật Hoàng đã nói chúc mừng ông. Với người Nhật, em bé sinh ra mà được Nhật Hoàng chúc mừng là điều vô cùng vinh dự.
Một Nhật Hoàng bác học
Thêm một chuyện nữa, Nhật Hoàng có hỏi tôi tại sao làm công việc này, thì tôi có nói thật ra ngành học của tôi ban đầu là để sản xuất xà bông. Hồi đó, ở Nhật ô nhiễm môi trường vì dùng nguyên vật liệu từ dầu khí. Tôi muốn noi gương Nhật để về xây dựng đất nước, nhưng những cái ô nhiễm thì tôi không muốn đem về đất nước mình – Việt Nam.
Bởi vậy, tôi có nói rất cụ thể rằng tôi muốn học cách dùng những nhiên liệu thiên nhiên như dầu dừa để làm xà phòng. Nhật Hoàng liền nói: “Ồ, như vậy rất tốt. Ở Malaysia cũng trồng dừa để lấy dầu làm xà bông, mỹ phẩm... Nhưng bây giờ họ phá rừng để trồng dừa rồi làm dầu, cái đó lại không tốt cho môi trường”.
Tôi rất ngạc nhiên vì một người không phải chuyên môn học như mình, mà cuộc nói chuyện không phải nội dung sắp đặt trước, nhưng Nhật Hoàng nói chuyện rất am tường. Tôi thấy Nhật Hoàng rất bác học.
Tôi tốt nghiệp đại học, phải thực tập trong hãng nào đó để thành nghề và đem về Việt Nam. Nhưng lúc đó ở Nhật khủng hoảng kinh tế. Công ty định nhận tôi để đào tạo lại không nhận tôi nữa, nên tôi chuyển qua ngành làm dụng cụ y khoa. Đó là nhân duyên.
Câu chuyện cứ cuốn đi. Khi những người tùy tùng trong cung nhắc đã đến giờ hồi Cung, Nhật Hoàng vẫn say sưa nói với tôi những điều không nằm trong chương trình.
Đối với ông Trần Ngọc Phúc, Nhật Hoàng là người cao trọng, nhưng phong thái rất ân cần, giản dị và uyên bác. (Nguồn: NVCC) |
Kể từ sau chuyến thăm của Nhật Hoàng, mọi người nhìn tôi với con mắt khác ngày xưa. Trong các buổi gặp gỡ bạn bè đại học, hay đi họp với các công ty khác, khi có người Nhật nào có thái độ hơi coi thường tôi, những người khác sẽ nói: “Không, ông Phúc là người rất nổi tiếng, vì Nhật Hoàng đã đến thăm hãng Metran và đã nói chuyện trực tiếp với ông trong 1 tiếng rưỡi”.
Họ không thường đem chuyện này ra nói, nhưng khi họ thấy ai đó không biết đến tôi, họ lại mang chuyện Nhật Hoàng ra nhắc nhở cho những người kia biết rằng tôi không phải là người thường.”
Ông Trần Ngọc Phúc kết thúc câu chuyện với phóng viên bằng nụ cười đôn hậu.
Chuyện tình đẹp 60 năm của vợ chồng Nhật Hoàng Akihito Gặp gỡ nhau ở trên sân tennis 60 năm về trước, ông Akihito đã đem lòng yêu mến bà Michiko và quyết tâm cưới cô ... |
Việt Nam hoan nghênh Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới thăm Sáng 14/9, Nhật Bản công bố thông tin Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có thể thăm Việt Nam vào mùa xuân năm 2017. |
Một doanh nhân Việt được Nhật Hoàng đến thăm Đó là ông Trần Ngọc Phúc, một doanh nhân Việt định cư tại Nhật, người đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều thiết bị ... |