Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu đã họp tại Đức để thảo luận về các thách thức kinh tế và an ninh xuyên Đại Tây Dương khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng tới. Đây có thể là cuộc gặp cuối cùng của ông Obama với các nhà lãnh đạo châu Âu trước khi ông rời nhiệm sở. Nhiều nhà lãnh đạo dự định sẽ đưa ra tuyên bố báo chí sau cuộc họp.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel. (Nguồn: NBC News) |
Từ ngày 16/11, ông Obama đã tới Đức và đây là chuyến thăm cuối cùng của ông tới Đức trên vai trò Tổng thống Mỹ. Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama và Thủ tướng Angela Merkel đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề toàn cầu hóa cũng như hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào việc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với những nỗ lực hòa bình tại Ukraine, Syria, sự vững mạnh của liên minh NATO, các thỏa thuận thương mại, thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu và nhiều vấn đề cấp bách khác.
Tại một cuộc họp báo với Tổng thống Obama vào ngày 17/11, bà Merkel cho biết bà sẽ đón nhận chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump với một “tâm trí cởi mở”. Đức vẫn sẽ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ngay cả khi Tổng thống Obama rời Nhà Trắng. Ông Obama đánh giá cao bà Merkel và gửi lời cảm ơn bà về một “tình bạn sâu sắc”.
Ông Obama và bà Merkel đã xây dựng một mối quan hệ đối tác thân thiết trong những năm qua. Mối quan hệ này đủ mạnh để vượt qua vụ gián điệp Mỹ nghe lén điện thoại của bà Merkel. Ông Obama gọi bà Merkel "có lẽ là đối tác quốc tế thân cận nhất của tôi".
Viết trong một bài báo cho tạp chí Wirtschaftswoche (bằng tiếng Đức), hai nhà lãnh đạo lên tiếng ủng hộ Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Ngược lại, ông Trump là người chỉ trích kịch liệt các hiệp định thương mại tự do toàn cầu và hoan nghênh quyết định rời EU của Anh hồi tháng 6. Dù vậy, ông Obama và bà Merkel cho rằng: "Chúng ta có trách nhiệm với các công ty và công dân của chúng ta, và toàn thể cộng đồng thế giới, là mở mang và đẩy mạnh sự hợp tác", hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh.
Chiến thắng của ông Trump khiến nhiều người ở Đức cảm thấy bất an. Họ thấy có sự tương đồng ở châu Âu, nơi các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đang trở nên mạnh hơn.