TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh mạng | |
Mỹ - Nhật Bản: Mối quan hệ đồng minh không thể tách rời |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến công du 2 tuần (từ ngày 3-16/12) tới các nước đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Chuyến công du lần cuối trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng của ông Carter được cho là mang sứ mệnh quan trọng. Đó không chỉ là lời chào tạm biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ, củng cố quan hệ với các nước, mà còn nhằm trấn an các đồng minh trong bối cảnh các nước này đang lo ngại về chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao đổi với Tướng Jerry Martinez, Tư lệnh Sư đoàn Không quân số 5, tại sân bay Yokota (Nhật Bản), ngày 5/12. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Mỹ duy trì cam kết
Theo lịch trình, ông Carter sẽ tới Nhật Bản, Ấn Độ, Bahrain, Israel, Italy và Anh. Đây đều là các quốc gia nằm trong số những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, Trung Đông và châu Âu. Tại Tokyo, ông Carter khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật và sự hiện diện của 50.000 lính Mỹ tại đây. Lực lượng này được duy trì nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và những động thái ngày càng cứng rắn của nước này tại châu Á – Thái Bình Dương, cũng như mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Sau Nhật Bản, ông Carter sẽ thăm Ấn Độ, một đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ tại châu Á. Ông Carter sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa hai bên, trong đó có thỏa thuận trao đổi thông tin thương mại hàng hải giữa hai nước trước khi ông Obama rời nhiệm sở.
Bên cạnh đó, tại các điểm dừng chân tiếp theo ở Trung Đông và châu Âu, vấn đề cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay tương lai Liên minh châu Âu (EU)… cũng sẽ được ông Carter đề cập đến với lãnh đạo các nước chủ nhà.
Nhìn chung, thông qua chuyến đi dài ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Mỹ sẽ nhấn mạnh các ưu tiên của nước này, cam kết với các đồng minh từ châu Á sang châu Âu rằng: dù là chính quyền nào, Washington vẫn sẽ duy trì các mối quan hệ gắn bó với các đồng minh.
Chuẩn bị cho tương lai mới
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những nỗ lực của Bộ trưởng Carter trong chuyến đi nói trên sẽ bị hạn chế và thiếu sức mạnh. Bởi lẽ, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama chỉ còn hơn một tháng tại nhiệm. Trong khi đó, những phát biểu không giống ai khi tranh cử và các động thái bất ngờ gần đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình chuyển giao quyền lực đang khiến thế giới nói chung, các đồng minh của Mỹ nói riêng, khó đoán định được tương lai chính sách của Mỹ. Vì vậy, các đồng minh càng tỏ ra lo ngại hơn, đặc biệt với những đối tác phụ thuộc nhiều vào chiếc ô an ninh của Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã khiến các đồng minh châu Á “đứng ngồi không yên” khi nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả thêm tiền nếu muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại các nước này. Ông Trump cũng tuyên bố các đồng minh Nhật, Hàn nên tự trang bị vũ khí hạt nhân hơn là dựa vào ô hạt nhân của Mỹ.
Mới đây, việc ông Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nói chuyện qua điện thoại với người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn… mà không tham khảo hoặc bất chấp lời khuyên của đội ngũ cố vấn đã khiến giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ phải đau đầu, cố gắng tìm lời giải thích làm yên lòng công chúng. Đây quả thực là những tuyên bố và hành động gây sốc của ông Trump, đảo ngược cơ bản tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ vốn định hình từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay.
Như vậy, tiếp sau chuyến công du châu Âu cũng như việc tham gia hội nghị APEC tại Peru của Tổng thống Obama tháng 11 vừa qua, chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Carter có thể được xem là một nỗ lực nữa của chính quyền Obama trong việc thực hiện các cam kết của mình, trong đó đặc biệt có cam kết tiếp tục chính sách “tái cân bằng” đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với cá nhân ông Carter, đây có thể coi là những thành tựu đáng ghi nhận trước khi hết nhiệm kỳ người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, nhà phân tích quốc phòng Reed Foster của IHS Jane's, một tổ chức nghiên cứu có uy tín tại Anh, đánh giá: “Dù ông Carter nói gì, những dư âm ông Trump mang lại trong cuộc bầu cử cũng khiến nhiều nước phải dự tính cho một tương lai mà sự hiện diện của Mỹ có thể không còn chắc chắn”.
Mỹ - Nhật Bản: Mối quan hệ đồng minh không thể tách rời Nhằm tăng cường quan hệ đồng minh gần gũi xuyên Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thực hiện chuyến thăm ... |
Quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn "thân thiết chưa từng có" Trước thềm chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 4/12 cho biết, mối quan hệ quốc phòng giữa hai nền ... |
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách quốc phòng 611 tỷ USD Với 375 phiếu thuận và 34 phiếu chống, ngày 2/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép cấp ngân sách quốc phòng ... |