Bà Merle Ratner yêu Việt Nam từ lúc bà 13 tuổi, khi dải đất hình chữ S còn đang chìm trong cuộc chiến tranh khốc liệt. (Ảnh: MG) |
Tháng 2/2024, nhà hoạt động cánh tả người Mỹ, người bạn thân thiết của Việt Nam Merle Ratner ra đi đột ngột, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong sâu thẳm nhiều người dân Việt Nam về một người bạn chân thành với trái tim nồng ấm yêu thương trọn vẹn dành cho đất nước và con người mảnh đất hình chữ S. Giờ đây, Merle Ratner đã hòa mình vào biển, trời, sống mãi với non nước Việt Nam.
Chúng tôi có cơ hội gặp Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (chồng bà Merle Ratner) khi ông vừa hoàn thành tâm nguyện đưa bà về yên nghỉ trong lòng đất nước bà hằng yêu mến. Trong mắt ông vẫn còn đó một nỗi buồn sâu thẳm chưa thể nguôi ngoai, một ánh mắt vẫn kiếm tìm đó đây bóng hình quen thuộc.
“Câu chuyện về Merle” nhẹ nhàng như ngày hôm qua, thanh thản như hành trình “đưa em trở về đúng nghĩa trái tim” với “một tình yêu em yêu ngay cả chết đi rồi” - Việt Nam.
Xin ông chia sẻ cảm xúc trong chuyến trở về Việt Nam đầy đặc biệt này?
Merle là vợ tôi 43 năm. Mục tiêu chuyến đi về Việt Nam lần này của tôi là đưa tro cốt của Merle rải ra biển. Chữ “biển” đó quan trọng bởi vì biển là “nước”, “nước” ở đây có hai nghĩa, một nghĩa là nước và một nghĩa khác là cả đất nước Việt Nam. Vì vậy, khi rải tro cốt của Merle xuống nước, Merle ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
Người bạn Mỹ Merle Ratner giờ đây đã hòa mình vào đất và gió Việt Nam, trọn vẹn như lòng bà ước nguyện. Có lẽ, không thể tả hết thành lời tình yêu Việt Nam trong trái tim bà, một tình yêu đã nhen nhóm từ thời niên thiếu với hành động đi vào lòng người “treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do” ở nước Mỹ. Là người bạn đời, có lẽ ông hiểu hơn ai hết tình yêu bỏng cháy và thiêng liêng ấy?
Merle yêu Việt Nam từ lúc 13 tuổi, khi ấy, Việt Nam còn đang chìm trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Thông qua nhiều phương tiện, Merle thấy được cuộc sống của người dân Việt Nam và cảm nhận ở người Việt một tình người sâu sắc. Chính điều đó đã lay động Merle ngay từ khi còn nhỏ.
Khi ấy, Merle đã viết nhiều bài về Việt Nam. Mặc dù giáo viên thấy rằng không thể viết về Việt Nam theo cách đó được, Việt Nam là đất nước của những người cộng sản, nhưng họ đánh giá cao ở cách Merle lập luận cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng nên vẫn cho điểm A. Đến tận bây giờ tôi vẫn giữ nhiều bài Merle viết về Việt Nam năm 12, 13 tuổi.
Merle có một người cha rất khắc nghiệt, vì thế, cô ấy buộc phải bỏ nhà khi 13 tuổi. Merle gặp những người chống chiến tranh Việt Nam. Merle từng bị bỏ tù vì tham gia chống chiến tranh và ở tù cùng những người tham gia chống chiến tranh Việt Nam. Tình yêu đối với Việt Nam cũng lớn thêm qua những năm tháng đó.
Tôi gặp Merle vào dịp Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977. Khi đó, Merle xung phong tình nguyện giúp đỡ phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc vốn còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn ở Mỹ. Merle có cơ hội gặp những người Việt Nam, những nhà cách mạng Việt Nam rất giỏi và chân tình, họ khiến Merle vô cùng cảm động.
Năm 1985, tôi dẫn Merle về Việt Nam gặp bố mẹ tôi và họ đã nhận Merle là con dâu, yêu thương Merle như con ruột mình. Tôi và Merle quyết định kết hôn, chúng tôi đăng ký kết hôn ở quận Ba Đình vào ngày 22 tháng Giêng năm 1986, khi đó Ban Việt kiều đại diện cho nhà trai và Bộ Ngoại giao đại diện cho nhà gái.
Tôi có đưa Merle đi gặp nhiều người Việt Nam. Họ hỏi rằng có phải vì Merle yêu tôi nên mới yêu đất nước Việt Nam đến vậy hay không? Merle trả lời ngay rằng Merle yêu Việt Nam trước khi gặp tôi và chính tình người Việt Nam đã làm Merle rung động. Cả đời tôi vẫn nghĩ Merle yêu Việt Nam hơn tôi! Merle say đắm một Việt Nam ân tình, một Việt Nam của tình người và một Việt Nam anh hùng.
Merle tổ chức nhiều đoàn Mỹ sang thăm Việt Nam trong thời kỳ cấm vận, trong đó có đoàn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở mặt trận miền Nam Việt Nam. Khi đoàn cựu chiến binh Mỹ gặp những cựu chiến binh Việt Nam, hai bên đều rất giận nhưng sau khi nói chuyện, họ nhận ra rằng, là hai nửa của chiến tuyến, họ đều phải chịu những mất mát, thương đau nên cuối cùng, họ dành cho nhau những cái ôm, những cái ôm làm dịu đi tất cả.
Merle cho rằng, khi cựu chiến binh hai nước đã có thể ôm nhau, “hoà” với nhau thì không lý nào cả nước Mỹ không thể hoà thuận với Việt Nam. Nên nhớ, những cựu chiến binh đã tham gia trong chiến trường Việt Nam không thể nói họ bị đối phương tuyên truyền, vì họ là những người yêu nước Mỹ nhất.
Tất cả những gì bà Merle Ratner nghĩ, bà Merle Ratner làm và hướng tới chỉ xoay quanh một điều duy nhất - Việt Nam. (Ảnh: MG) |
Cuộc đời bà Merle Ratner là những năm tháng hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết vì hoà bình, độc lập và thịnh vượng của nhân dân Việt Nam, chứng kiến những phép màu diệu kỳ trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Đâu là mong mỏi lớn nhất của bà Merle Ratner và liệu rằng còn điều gì dang dở?
Merle sinh ra trong một gia đình có nhiều xáo trộn với tuổi thơ nhiều bất hạnh từ một người cha khắc nghiệt. Sau này, khi Merle mất đi, tôi mới được một người bạn của Merle chia sẻ lại rằng, chính chuyến đi về Việt Nam cùng tôi, Merle được bố mẹ tôi nhận làm con, cảm nhận được tình cảm gia đình một cách chân thực nhất và được gặp những người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình đã khiến Merle “phải lòng” Việt Nam và chỉ đau đáu có thể đóng góp điều gì cho Việt Nam. Sau đó, tất cả những gì Merle nghĩ, Merle làm và hướng tới chỉ xoay quanh một điều duy nhất - Việt Nam. Từ khi Merle học trung học, đại học và sau này là thạc sỹ về công đoàn lao động, cô ấy đều mong mỏi có thể làm gì tốt cho Việt Nam.
Vì chiến tranh, Việt Nam đã mất đi quá nhiều, nguồn lực về phát triển và con người, ảnh hưởng của chất độc màu da cam… Những mất mát về văn hóa cũng rất lớn, không kém gì so với mất mát về của cải và con người. Do vậy, điều Merle đau đáu nhất là hòa giải giữa hai dân tộc để người dân hai nước vượt qua những hiểu lầm và không tồn tại hiểu lầm có thể dẫn đến mâu thuẫn lớn trong tương lai.
Merle có một niềm tin mãnh liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thành tựu, mọi thắng lợi của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn. Merle yêu đến thiết tha lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, một lý tưởng mà trong đó trọng yếu tố con người và tình người.
(còn tiếp)
Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York, người bạn Mỹ thân thiết của Việt Nam qua đời tối 5/2/2024 trong một tai nạn giao thông ở gần nhà riêng quận Brooklyn. Có tình yêu đặc biệt với Việt Nam, bà Merle Ratner tham gia rất tích cực trong biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từ cuối những năm 1960, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc những năm 1970, 1980, và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay. Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức "Chiến dịch cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân chất độc Da cam ở Việt Nam (VAOR-RC)" của khu vực New York. Sau năm 1975, với tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, bà Merle Ratner đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Bà là người bạn, đối tác thân thiết của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam. |