Giáo sư Ngô Thanh Nhàn và vợ Merle Ratner trong ngày cưới năm 1985. (Ảnh: MG) |
Mời độc giả đọc kỳ 1 tại đây
Ông nói rằng bà Merle Ratner yêu Việt Nam nhiều hơn ông. Còn ông thì sao, ông yêu người bạn đời vì điều gì và tình yêu đó đã được nuôi lớn như thế nào?
Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết về Merle, ngay cả khi Merle không còn nữa, tôi sẽ vẫn khám phá về Merle, từ từ, từng chút và đến khi không thể nữa!
Merle mất đi, tôi tìm hiểu về người bạn đời của mình rất nhiều, tôi lục lại những gì còn lại về Merle, Merle giữ cẩn thận những bài Merle viết, những bức thư tôi gửi… Càng tìm hiểu tôi càng nhận ra tôi rất yêu Merle, rất yêu mà không biết vì sao, tôi không chú ý đến học vấn, gia thế, Merle lôi cuốn tôi vì điều gì chính tôi cũng không thể trả lời được.
Tôi đã trăn trở rất nhiều, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên là Merle yêu Việt Nam nhiều hơn tôi, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng càng tìm hiểu về Merle, tôi nhận ra Merle cũng yêu tôi và yêu rất mãnh liệt… Cứ như vậy, tôi có thật nhiều suy tư và tâm nguyện “sống như Mơ!”.
Vì sao bà Merle Ratner lựa chọn trở về Việt Nam? Là một người con của nước Mỹ nhưng lại lựa chọn sống mãi với Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng vì với Việt Nam, Merle đã tìm được gia đình yêu thương mình, bù đắp cho Merle những tổn thương sâu thẳm trong lòng. Gia đình đó không chỉ là gia đình của tôi mà là gia đình của người Việt Nam, những người Việt Nam mà Merle biết đến, gặp gỡ và coi như những người anh, người chị… Gia đình Việt Nam là thứ quý giá và điều lớn nhất với Merle.
Chiến tranh kết thúc năm 1975, hòa bình lặp lại trên mảnh đất đã héo mòn vì chiến tranh. Đã gần 50 năm sau chiến tranh, Merle nghĩ đó là một nửa thế kỷ của hòa bình. Hai chữ hòa bình quan trọng và thiêng liêng. Trong lịch sử của Việt Nam từng có thời kỳ cứ chưa đầy 100 năm lại có một cuộc chiến tranh, vì vậy, mất mát và đau thương rất lớn, dù thắng hay bại thì đất nước đều nát tan, người dân đều nghèo khổ. Lần lại những giá trị văn hóa cổ xưa của Việt Nam cũng rất khó vì những tác động của chiến tranh.
Do vậy, hòa bình là vô giá. Tôi từng chia sẻ với một phóng viên năm 1986 rằng điều quan trọng để có hòa bình là phải dùng bộ óc, trí tuệ để đối phương không nghĩ đến chiến tranh với mình. Mình có thể có đấu pháp tốt nhưng chiến tranh chỉ là biện pháp cuối cùng và phải trả cái giá rất lớn.
Nạn nhân da cam Việt Nam là nỗi niềm đau đáu trong ông và cả bà Merle Ratner. Hành trình khỏa lấp những thương đau ấy sẽ được viết tiếp như thế nào đây, thưa ông?
Tôi chống chiến tranh Việt Nam là vì tôi có xem được một chương trình về các vũ khí dùng ở Việt Nam, có chất độc da cam, của NARMIC năm 1970. Từ đó, tôi quyết định bỏ học, chống chiến tranh Việt Nam và đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất độc da cam.
Vợ chồng tôi đã tìm hiểu nhiều về vấn đề chất độc da cam xem có thể làm gì giúp Việt Nam nhưng trong nhiều năm chưa “gặp thời” cho đến khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam quyết định kiện các công ty hóa chất Mỹ để tìm lại công lý cho các nạn nhân da cam vào năm 2004. Khi đó, chúng tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để giúp Việt Nam.
Merle bắt đầu tổ chức các cuộc vận động, trước tiên từ những người địa phương ủng hộ Việt Nam. Merle nghĩ rằng cần phải tập trung nhất vào đối tượng là cựu chiến binh, trong đó có những cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam.
“Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - VAORRC” được Hội Cựu chiến binh vì Hoà bình thành lập. Trong nhiều năm, Merle và cộng sự đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký để giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi kiện.
Merle là người trực tiếp tổ chức các chuyến đi cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đến Mỹ, cùng các cộng sự tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, chia sẻ thông tin cho cộng đồng, tại các trường học ở Mỹ để có những đóng góp hiệu quả cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Bà Merle Ratner dành trọn cuộc đời gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, dành tình yêu, sự cảm thông với những người Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi bởi hậu quả chiến tranh. (Ảnh: MG) |
47 năm cùng nhau đồng hành, qua những gì ông chia sẻ, tôi cảm nhận rằng câu chuyện cuộc đời vợ chồng ông phần nhiều xoay quanh hai chữ Việt Nam. Nhìn lại, ông thấy tài sản lớn nhất của mình là gì?
Tài sản lớn nhất của tôi là vẫn là Merle mà thôi! Bây giờ tôi đã quyết định là “sống như Mơ” (tôi vẫn gọi Merle là Mơ)… Tôi cắt tóc, nhuộm tóc, mặc quần áo như Merle. Một lọ tro cốt nhỏ của Merle còn ở lại với nước Mỹ và đó là tình yêu nước Mỹ của Merle. Lọ tro cốt lớn hơn của Merle tôi đưa về Việt Nam, để Merle hòa mình vào biển cả Việt Nam.
Tôi giữ máy tính và đọc nhiều thứ trong đó, biết về những thứ Merle định sẽ làm, vì vậy, tôi có thể tiếp tục những gì mà Merle mong muốn.
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt trong chuyến trở về Việt Nam lần này, đưa vợ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, để Merle trở về bên những điều Merle yêu thương nhất. Tôi đưa lọ đựng tro cốt của Merle về gia đình tôi ở Việt Nam để mỗi lần nghĩ tới cha mẹ tôi là tôi cũng sẽ nghĩ tới Merle. Đó cũng là những tâm sự lớn nhất của tôi.
Khi Merle ra đi, có rất nhiều người Việt Nam đã chia buồn và đồng hành cùng tôi trong những ngày đau khổ nhất. Về Việt Nam dịp này, tôi sẽ đi cảm ơn tất cả và cũng để câu chuyện về Merle thật trọn vẹn.
Còn về phần mình, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về Merle và suy nghĩ của Merle. Thời gian này, tôi hay lo lắng là tôi không biết vợ tôi đã làm và nghĩ gì. Tôi nhìn vào di ảnh của Merle và nghĩ rằng lúc đó Merle vui nhưng một lát sau tôi lại nghĩ liệu rằng Merle đang buồn? Tôi đã trải qua những ngày đau khổ nhất của cuộc đời mình, thương nhớ đến tận cùng. Mọi người động viên tôi hãy nhớ về những ngày vui và nó có thể chữa lành.
"Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi" (thơ Xuân Quỳnh). Tôi chợt bật lên những dòng thơ ấy trong đầu, trái tim của "Mơ" đã ngừng đập nhưng tình yêu ấy thì còn mãi, tình yêu với Việt Nam và chắc chắn có cả tình yêu với ông nữa! Tôi nghĩ "Mơ" của ông, của Việt Nam đang vui, mãn nguyện và hạnh phúc!
Tôi cũng nghĩ và mong rằng như vậy. Có những lúc tôi nghĩ không biết sẽ phải giải quyết đau khổ của mình bằng cách nào. Thời gian qua, tôi có thu xếp gặp gỡ mỗi tuần hai người và mỗi người hai tiếng để trò chuyện với họ về nỗi buồn của tôi. Về Việt Nam tôi thấy lòng tôi đã yên phần nào và những tháng ngày phía trước hy vọng có thể dễ dàng hơn...
Trân trọng cảm ơn ông!
Giáo sư Ngô Thanh Nhàn (sinh năm 1948) là một nhà ngôn ngữ học chuyên về xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên máy tính, hiện đang làm việc tại Đại học New York, Mỹ. Ông là chồng bà Merle Ratner - người dù sinh ra tại Mỹ nhưng đã dành trọn vẹn nghĩa tình cho Việt Nam - đất nước đã trở thành Tổ quốc thứ hai của bà. Ông Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner đều là những người từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. |
| Thương tiếc nhà hoạt động Merle Ratner - người bạn Mỹ thủy chung của Việt Nam Giáo sư Đại học New York Ngô Thanh Nhàn - chồng của nhà hoạt động cánh tả người Mỹ Merle Ratner, cho biết bà qua ... |
| Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 'Tất cả những người Việt đã từng biết Merle Ratner đều không bao giờ có thể quên được chị' Bàng hoàng trước sự ra đi của nhà hoạt động cánh tả người Mỹ Merle Ratner – một người bạn thuỷ chung của Việt Nam, ... |
| Việt Nam tri ân người bạn Mỹ thủy chung Merle Ratner Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, đất nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm, cống hiến của bà ... |
| Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bắt đầu chuyến thăm, làm việc tại Liên hợp quốc và Hoa Kỳ Ngày 10/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 11/3 theo giờ Việt Nam), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn đại biểu Việt ... |
| Tiễn đưa di hài người bạn Mỹ Merle Ratner về Việt Nam Ngày 6/8, tại New York (Mỹ), Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng người thân và bạn bè đã ... |