Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyển đổi số: Con đường đổi mới và tăng trưởng bao trùm cho Việt Nam

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các giải pháp kỹ thuật số để tăng tính minh bạch và cung cấp dịch vụ quản trị điện tử, góp phần thực hiện các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia.
Chuyển đổi số: Con đường đổi mới và tăng trưởng bao trùm cho Việt Nam
Chuyển đổi số: Con đường đổi mới và tăng trưởng bao trùm cho Việt Nam. Hình ảnh minh cho Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. (Ảnh: Vũ Phong)

Trong thế giới thay đổi và biến động ngày nay, chuyển đổi số đã nổi lên như một động lực then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, chính phủ, doanh nghiệp và xã hội có thể thu hẹp khoảng cách, trao quyền cho các cộng đồng khó khăn và tạo cơ hội phát triển kinh tế.

Việt Nam công nhận vai trò xúc tác của chuyển đổi số. Thông qua việc phê duyệt các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng nhằm hỗ trợ tầm nhìn tổng thể về một quốc gia số thịnh vượng vào năm 2030, Việt Nam đặt ra những cải cách căn bản và toàn diện trong hoạt động của Chính phủ, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp cũng như cách sinh hoạt và làm việc của người dân.

UNDP đặt chuyển đổi kỹ thuật số làm trọng tâm trong công việc toàn cầu của mình, tập trung vào việc tạo ra một thế giới nơi chuyển đổi kỹ thuật số đóng vai trò trao quyền chính cho con người và hành tinh thông qua trao quyền kinh tế, tiếp cận thông tin và dịch vụ, và trình độ kỹ thuật số. Theo cách tiếp cận toàn cầu này, UNDP đang hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các giải pháp kỹ thuật số để tăng cường tính minh bạch, toàn diện và cung cấp dịch vụ quản trị điện tử, góp phần thực hiện các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia.

Nhiệm vụ trọng tâm

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào ngày 3/6/2020 là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển số của Việt Nam. Điều này thể hiện khát vọng trở thành quốc gia và nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực ASEAN vào năm 2030 và thúc đẩy thử nghiệm toàn diện các công nghệ mới trong nền kinh tế số của Việt Nam. Chương trình này đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần thực hiện nhằm phát triển chính phủ số hiệu quả, minh bạch và mọi người dân đều có thể tiếp cận, nhằm tạo ra nền kinh tế số bao trùm và bền vững, xây dựng một xã hội số an toàn, bảo mật và công bằng và hình thành các doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực toàn cầu.

Chương trình quốc gia của Việt Nam lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh chuyển đổi kỹ thuật số là phương pháp then chốt để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (LHQ). Chương trình nhấn mạnh các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực, phát triển chính sách cũng như nghiên cứu và phát triển.

Thông qua chương trình này, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, với nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 20% tổng GDP và tăng năng suất hàng năm ít nhất 7% vào năm 2025. Một trong những mục tiêu chính là 80% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện ở cấp độ 4 có thể truy cập được thông qua thiết bị di động vào năm 2025, đảm bảo tích hợp các tiến bộ kỹ thuật số vào mọi khía cạnh quản trị.

Với chương trình quốc gia này, Việt Nam đã có vị thế tốt để phát huy tiềm năng của mình trong chuyển đổi kỹ thuật số. Tổng số nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đạt khoảng 1,15 triệu người, với 160 trường đại học trên toàn quốc cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Đến tháng 5/2022, tất cả 63 tỉnh thành đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59 địa phương địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm tới, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm đạt được các các mục tiêu mà Thủ tướng đề ra. Ngoài ra, chuyển đổi kỹ thuật số đã được áp dụng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệp CNTT đóng vai trò tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ và đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi số của Việt Nam không phải là không có thách thức. Yêu cầu then chốt của chuyển đổi số là thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng số mới, chất lượng cao trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào kết nối băng thông rộng tốc độ cao, phủ sóng các thành phố lớn, trung tâm công nghệ thông tin và khu công nghiệp nhưng cũng phải phủ sóng toàn quốc để kết nối các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, các cơ quan nhà nước, trường học và cơ sở y tế, và cuối cùng là mọi nhà. Điều này cũng đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể vào việc phát triển các nền tảng kỹ thuật số hiệu quả có thể hỗ trợ việc chuyển đổi số của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội đồng thời đảm bảo môi trường kỹ thuật số an toàn và bảo mật.

Vẫn còn một khoảng cách đáng kể về trình độ hiểu biết công nghệ số của người dùng Việt Nam. Trong khi khoảng 3/4 người dân Việt Nam dùng Internet, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới, thì nhiều người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vẫn thích sử dụng tiền mặt hơn là ví kỹ thuật số hoặc tài khoản ngân hàng và dịch vụ tài chính trực tuyến.

Khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) hàng năm gần đây nhất của UNDP vào năm 2022 cho thấy chưa đến 5% số người được hỏi trên toàn quốc đã truy cập các dịch vụ quản trị điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc phát triển các dịch vụ trực tuyến hiệu quả cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức và phát triển kiến thức về kỹ thuật số, hỗ trợ người dân chuyển từ sử dụng tiền mặt và giấy tờ sang tiếp cận các dịch vụ tài chính và quản trị điện tử kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ kỹ thuật số khac một cách tự tin và an toàn trong khi vẫn duy trì các lựa chọn cho những người chưa có khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số.

Đảm bảo truy cập kỹ thuật số công bằng với tất cả các thành phần xã hội cũng là một thách thức, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa của Việt Nam cũng như các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương. Ở những vùng sâu vùng xa còn khó khăn, khả năng tiếp cận kết nối internet và thiết bị kỹ thuật số an toàn có thể bị hạn chế, đang cản trở việc áp dụng rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật số. Mặc dù chuyển đổi số có thể trao quyền cho các cộng đồng khó khăn, nhưng khoảng cách số vẫn là một mối lo ngại và cần có những nỗ lực mang tính chiến lược, bền vững để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Trước những thách thức này, UNDP đang vận dụng chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế của mình để hỗ trợ hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, bao gồm các Bộ đầu mối như Bộ Công Thương, Trung tâm Đổi mới Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Trung tâm Đổi mới Công nghệ Quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như với các bộ ngành cụ thể để hỗ trợ các hợp phần chính trong kế hoạch chuyển đổi số của họ.

Thu hẹp các khoảng cách địa lý

Vai trò của UNDP trong hành trình kỹ thuật số của Việt Nam rất đa dạng, bao gồm cách tiếp cận tập trung vào việc nâng cao tính minh bạch, mở rộng tính bao trùm và cải thiện việc cung cấp dịch vụ quản trị điện tử.

Câu chuyện thành công đáng chú ý là sự hợp tác của UNDP với Bộ Y tế, Sở Y tế 8 tỉnh phát triển, thí điểm và mở rộng quy mô hệ thống y tế từ xa tuyến cơ sở “Bác sĩ cho mọi nhà”. “Bác sĩ cho mọi nhà” là một nền tảng số và ứng dụng điện thoại di động trên nền tảng web hỗ trợ các cơ sở y tế xã kết nối với các cơ sở y tế, chuyên khoa và chuyên sâu tuyến trên để hỗ trợ tiếp cận tư vấn, khám, chữa bệnh cho người dân trực tiếp tại trạm y tế xã, kể cả ở vùng sâu, vùng xa và ở những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Sáng kiến này đã trao quyền cho nhân viên y tế, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn và cải thiện đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mức phát triển của sáng kiến này rất đáng chú ý, với hơn 5.000 tài khoản được tạo cho các nhân viên y tế và hơn 755.000 tài khoản cộng đồng người dân thiết lập. Khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám đã được đặt thông qua hệ thống này kể từ tháng 3/2023 tới cuối tháng 6/2023, và với khoảng 2.693 cuộc gọi video hội chẩn từ xa và họp giao ban.

UNDP cũng đã hợp tác với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) để xây dựng một cơ chế bảo trợ xã hội có khả năng phục hồi nhanh hơn, tăng khả năng thích ứng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo đa chiều. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, UNDP đã hỗ trợ Bộ LĐTBXH thử nghiệm các phương thức thanh toán điện tử và đăng ký điện tử cho các đối tượng được hưởng các gói bảo trợ xã hội.

Các cuộc thử nghiệm hệ thống thanh toán điện tử dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã được tiến hành thành công ở 5 tỉnh, bao gồm Bắc Kạn, Đắc Nông, Hà Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, giúp họ có thể tiếp cận việc chuyển tiền qua điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng của họ. Tại 4 tỉnh khác, bao gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Nam và Bình Phước, UNDP đã hỗ trợ chuyển đổi từ khảo sát trên giấy, đi đến từng nhà sang việc tự đăng ký kỹ thuật số để nhận trợ giúp xã hội, trao quyền cho người dân chủ động công bố tình trạng nghèo đa chiều của mình, thúc đẩy việc thu thập dữ liệu toàn diện và hiệu quả. Hệ thống tự đăng ký kỹ thuật số này sẽ được mở rộng quy mô trên toàn quốc, góp phần mang lại hiểu biết toàn diện hơn về nghèo đói và nâng cao tốc độ, hiệu suất và hiệu quả của các biện pháp can thiệp.

Năm 2023, UNDP và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đã đưa ra kết quả đánh giá về khả năng tiếp cận và mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng Dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh thành. Đánh giá này nhằm xác định khoảng cách về năng lực kỹ thuật số giữa nhà cung cấp dịch vụ và người dùng, đồng thời cung cấp thông tin về chương trình đào tạo cho nhân viên khu vực công nhằm thu hẹp những khoảng cách này và ưu tiên các phương pháp tiếp cận người dùng.

Đánh giá này đã đưa ra các khuyến nghị thiết thực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cổng dịch vụ công của người dân, bao gồm phát triển các công cụ tìm kiếm thân thiện và hiệu quả với người dùng, bao gồm: (1) khả năng tiếp cận dễ dàng, với công cụ tìm kiếm hiển thị nổi bật trên trang chủ; (2) tối ưu hóa tìm kiếm dựa trên từ khóa và đưa vào các đề xuất cho kết quả tìm kiếm gần nhất; và (3) bao gồm chức năng tìm kiếm bằng giọng nói. Các khuyến nghị cũng nhằm mục đích hỗ trợ khả năng tiếp cận cho các nhóm người dùng cụ thể như người khiếm thị và người dân tộc thiểu số, chẳng hạn như thông qua việc đưa vào các công cụ như trình duyệt trình đọc màn hình và chức năng tìm kiếm bằng giọng nói cũng như hướng dẫn bằng video về cách đăng nhập và tìm kiếm các thủ tục bằng ngôn ngữ dân tộc.

Các sáng kiến thu hút sự tham gia của người dân

Trong lĩnh vực tư vấn và vận động chính sách, sự tham gia của UNDP đóng vai trò quan trọng. Các sáng kiến như PAPI và Dự án Hỗ trợ Xã hội II (còn gọi là SAP-II) đã tạo ra những cách thức đánh giá tiến độ quản trị điện tử và thúc đẩy vận động chính sách thông qua hệ thống báo cáo kỹ thuật số và quy trình tự đăng ký kỹ thuật số. Những sáng kiến này tạo điều kiện cho sự tham gia của người dân vào các hệ thống quản trị và phát triển chính sách.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: UNDP)
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. (Nguồn: UNDP)

UNDP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế mua hoặc nhập khẩu thanh long trái cây từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận này có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây.

UNDP cũng đang làm việc với Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để hỗ trợ nâng cấp và chuyển đổi số Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. UNDP cũng làm việc với các đối tác cấp quốc gia và cấp tỉnh khác để thúc đẩy chuyển đổi số như một vấn đề xuyên suốt trong chương trình tổng thể tại Việt Nam.

Chuyển đổi số là một nỗ lực nhiều mặt bao gồm việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực hoạt động khác nhau của một quốc gia. Đối với Việt Nam, việc học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của các nước khác có thể là công cụ giúp hợp lý hóa hành trình chuyển đổi của mình và dưới đây là một số sáng kiến đã mang lại lợi ích nhưng có thể được mở rộng với bối cảnh Việt Nam.

UNDP sẵn sàng chia sẻ thêm các bài học và mô hình được phát triển thông qua Chiến lược kỹ thuật số toàn cầu của chúng tôi mà Việt Nam có thể điều chỉnh để hỗ trợ việc chuyển đổi số quốc gia. Ví dụ như, UNDP đã hợp tác với chính phủ Estonia để chia sẻ kiến thức chuyên môn trong việc phát triển các nền tảng chính phủ điện tử nhằm đảm bảo sự tương tác liền mạch giữa chính phủ và người dân. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, UNDP đang hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông qua đào tạo và tư vấn phát triển các mô hình tích hợp nhằm cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh. Việt Nam có thể áp dụng các chiến lược tương tự để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các bài học và mô hình khác cũng có sẵn trong hoạt động toàn cầu của chúng tôi nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hệ thống thanh toán kỹ thuật số, khung pháp lý, bảo mật và an ninh mạng cũng như quan hệ đối tác công tư để đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số.

Khi các sáng kiến kỹ thuật số này thu hút được sự chú ý và mang lại các kết quả tác động, cam kết của UNDP trong việc tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực này cùng với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác vẫn kiên định. Cam kết của Việt Nam về sức mạnh chuyển đổi số, cùng với sự tham gia chiến lược của UNDP, được đặt đúng chỗ để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, khả năng chống chịu và phát triển công bằng.

Khi quốc gia tìm cách vượt qua bối cảnh phức tạp của đổi mới kỹ thuật số, vai trò của UNDP với tư cách là đối tác tin cậy và người điều phối trao đổi kiến thức vẫn không thể thiếu trong việc định hình một tương lai kỹ thuật số mà không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bước tiến bảo đảm quyền con người trong chuyển đổi số

Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Bước tiến bảo đảm quyền con người trong chuyển đổi số

Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân ra đời là bước đột phá về bảo đảm quyền con người trong chuyển đổi số, ...

Mỹ tăng 'đánh bắt gần bờ' và giảm thiểu rủi ro, kinh tế Trung Quốc đối mặt 'con đường đầy gập ghềnh'?

Mỹ tăng 'đánh bắt gần bờ' và giảm thiểu rủi ro, kinh tế Trung Quốc đối mặt 'con đường đầy gập ghềnh'?

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch mà Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mong chờ vẫn chưa thành hiện thực. ...

Chuyển đổi số góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam minh bạch, bền vững

Chuyển đổi số góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam minh bạch, bền vững

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số - Nâng cao ...

ASEAN-43: ASEAN không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần

ASEAN-43: ASEAN không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Phát biểu tại ASEAN BIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến ...

Kinh nghiệm chuyển đổi số ở Ấn Độ

Kinh nghiệm chuyển đổi số ở Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ phát động chương trình Digital India (Ấn Độ kỹ thuật số) từ năm 2015, với mục tiêu biến quốc gia này ...