Đó là nội dung chính của Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19” được tổ chức trực tuyến chiều 16/9, tại Hà Nội.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo VnExpress đồng tổ chức.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo. |
Trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2021 (AgriTech Expo 2021) theo hình thức trực tuyến và thực tế ảo cũng đã được khai mạc.
Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp; và các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Về phía quốc tế có đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; đại diện một số viện nghiên cứu, các tổ chức kinh tế - xã hội, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Israel, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn tài chính Quốc tế IFC… cũng như đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Trong phiên khai mạc, các đại biểu được nghe tham luận của các diễn giả với những chủ đề như: Xu thế lớn của kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch, tác động đối với nông sản toàn cầu và kiến nghị; chuyển đổi số nông nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp tại Israel, Hà Lan, Nhật Bản; kết nối, bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm hàng nông sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19…
Xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sự quan tâm tham dự đông đảo của các đại biểu từ hơn 1.300 điểm cầu trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam và hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng thành phần đại biểu cũng là một tín hiệu rất tích cực cho thấy nông nghiệp và quá trình chuyển đổi tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Ngoại giao tiên phong, đồng hành với địa phương, doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số nông nghiệp |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Có thể nói, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, được xem như kỳ tích khi trở thành “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế đất nước lâm vào khó khăn, trước bối cảnh khó lường của thế giới.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Từ “chuyển đổi tư duy” sang “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” sẽ là hành trình cần đến bước tiến mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện kiên trì và bền bỉ, xuyên suốt Kế hoạch Hành động 5 năm tới của ngành Nông nghiệp.
Chuyển đổi tư duy
Tuy đạt được những thành tích đáng ghi nhận nhưng năng suất, sản lượng nông nghiệp Việt Nam đã dần chạm ngưỡng do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường…
Thực tế cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp; việc phân bổ, cân đối hài hòa tương quan nguồn lực phát triển giữa ngành nông nghiệp với các ngành, khu vực khác cần lời giải thỏa đáng; sản xuất nông nghiệp không còn chạy theo sản lượng như trước, mà phải chú trọng chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. |
Vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chính quyền và nông dân phải thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng; không thể làm đơn giá trị mà phải sản xuất đa giá trị của một nền nông nghiệp; phải kết nối đầu vào với đầu ra trong chuỗi liên kết giá sản xuất.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp… đưa đất nước tiến lên, vượt qua đại dịch và vì một nền Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Tại Diễn đàn, trong tham luận với chủ đề "Xu hướng và nhu cầu thị trường toàn cầu; định hướng chính sách, địa bàn xúc tiến đối với nông sản địa phương Việt Nam", bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, hiện nay hầu hết các đánh giá đều cho rằng Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài.
Từ các mô hình ứng phó với Covid-19 vừa qua, có thể thấy 4 mô hình: không có Covid-19; đi từ đóng cửa đến sống chung; giãn cách - phong tỏa - giãn cách - phong tỏa; miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, thế giới đang ở giai đoạn đi từ đóng cửa đến sống chung với đại dịch.
"Với chiều hướng đó, chúng tôi cho rằng ngành nông nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn, có nhiều thách thức và cơ hội, giúp phát triển bứt phá hơn", bà Hằng khẳng định.
Bà Nguyễn Minh Hằng cũng đưa ra 4 kiến nghị, bao gồm:
Thứ nhất trong tư duy và nhận thức, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, pháp lý, chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, định hướng hoạt động trong xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử...
Thứ ba là các biện pháp cần triển khai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường.
Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định, với phương châm Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp để đẩy mạnh ngành nông nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Cần thêm nhiều nỗ lực
Phát biểu tại sự kiện, bà Marta Bogdanic, Chuyên viên cao cấp tư vấn Tài chính nông nghiệp của Tập đoàn tài chính quốc tế - Ngân hàng Thế giới, cho biết, đơn vị có nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Theo bà Marta Bogdanic, đơn vị của bà coi trọng công nghệ nông nghiệp, đã có khoản đầu tư cho khu vực Đông Á. Đây là cơ hội để học hỏi trong quá trình triển khai.
Tại Việt Nam cũng có những dự án đang thực hiện, trong đó có dịch vụ tư vấn cho các công ty, phối hợp với các đối tác nước ngoài, đa quốc gia, cung cấp công nghệ đổi mới, sáng tạo liên quan đến đất đai, cây cối, bảo đảm thực vật.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, Trường Đại học Hiroshima, Nhật Bản chia sẻ, hiện nay, nông dân Nhật Bản có thể sử dụng máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI), robot… để phân tích, quản lý, xử lý, ra quyết định và thực hiện dữ liệu từ các phương tiện công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến nông sản.
Thị trường nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 lần, từ doanh thu 144,6 triệu USD vào năm 2019 lên 403,4 triệu USD vào năm 2025). Theo ông Xuân, tại Nhật Bản, nông nghiệp số vẫn đang ở giai đoạn đầu, do đó nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật có thể được áp dụng tại Việt Nam.
Chuyên gia từ Nhật Bản cũng gợi ý, việc canh tác áp dụng kỹ thuật số tại Việt Nam không nên phụ thuộc vào các tập đoàn lớn mà nên thúc đẩy các giải pháp công nghệ sáng tạo, nên lấy nông dân sản xuất nhỏ làm trung tâm để áp dụng công nghệ canh tác kỹ thuật số.
“Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, nhưng nếu áp dụng canh tác hữu cơ và kỹ thuật số cho cây lúa, Việt Nam có thể thu về trên 10 tỷ USD mỗi năm”, ông Xuân nhấn mạnh.
Ngoài ra, nông dân nên học cách giao dịch sản phẩm của họ trực tiếp với các chợ trực tuyến nông sản, như vậy sẽ giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào thương lái trung gian, như cách nông dân Nhật Bản đã làm trong nhiều năm.
Về giao thương trực tuyến, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ kinh nghiệm của địa phương khi vụ vải thiều năm 2021 đã đưa được đặc sản này lên các sàn thương mại điện tử, tạo ra kênh tiêu thụ hiệu quả và rất tiềm năng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng hy vọng chuyển đổi số sẽ là cú hích để phát triển ngành nông nghiệp, một mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Trương Gia Bình dẫn dắt phiên thảo luận. |
Tại phiên 2 với chủ đề “Định hình Nông nghiệp số Việt Nam đến năm 2035”, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Trương Gia Bình, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như khó khăn và thuận lợi cho chuyển đổi số tại Việt Nam; thực trạng đứt gãy của các chuỗi cung ứng tại các địa phương và giải pháp; các cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam bứt phá.
Các đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, chuyên gia nông nghiệp, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp cùng chia sẻ những câu chuyện thành công tại đơn vị của mình, đưa ra những lời khuyên, định hướng, kiến nghị nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Những giải pháp và nguồn lực cho phát triển nông nghiệp số Việt Nam, gợi mở trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp nông nghiệp phải làm gì để phát triển bền vững trong một thị trường biến động và nhiều rủi ro hiện nay và trong tương lai cũng được các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi.